“Bạn đến từ đâu?” là câu hỏi bà Trần Tuệ Tri - Cố vấn cấp cao của Tổ chức Brand Purpose, thành viên Ban điều hành AVSE Global, tác giả cuốn sách “ Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” nhận về nhiều nhất sau mỗi chuyến công tác tại nước ngoài.
Chỉ với một câu hỏi đơn giản như vậy, nhưng cũng để bà Tuệ Tri nhìn thấy sự đón nhận của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam còn khá khiêm tốn. Do đó, tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng” rất mong muốn xây dựng “làn sóng” thương hiệu Việt toàn cầu, phát huy lợi thế di sản và văn hóa dân tộc để giúp doanh nghiệp Việt tạo dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế.
Đối với bà Trần Tuệ Tri, thương hiệu là điều đọng lại trong trí óc cũng như cảm xúc của mỗi một con người. Để định vị được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế, mỗi sản phẩm hay một tổ chức, quốc gia thường phải đưa ra lời hứa của thương hiệu. Tuy nhiên, Việt Nam đang gặp khó khăn khi đưa ra lời hứa thương hiệu cho riêng mình.
Xây dựng thương hiệu Việt Nam
Từ sớm, bà Trần Tuệ Tri đã có cơ hội ra nước ngoài làm việc và tiếp xúc với nền văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau. Từ những chuyến đi của mình, bà nhận thấy bạn bè quốc tế đa số chỉ biết đến Việt Nam thông qua câu chuyện chiến tranh và Việt Nam đã đánh thắng Mỹ như thế nào.
Cùng lúc, Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng" lần thứ nhất được tổ chức tại Paris (Pháp) đã kết nối bà Tuệ Tri đến với nhiều người có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trong đó, có các nhà trí thức, doanh nhân, nhà sử học,... đã giúp ích rất nhiều cho bà Tuệ Tri trong quá trình hình thành cuốn sách "Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng".
Lần đầu tiên đến với Diễn đàn vào năm 2019, bà Tuệ Tri cảm thấy tự hào và vinh dự khi được gặp gỡ rất nhiều người Việt Nam tài giỏi. Việc đi đến nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều người giúp bà nhận ra góc nhìn của bạn bè quốc tế về Việt Nam chỉ đang nằm ở những khoảnh khắc lịch sử.
"Tôi rất mong muốn khi đi ra ngoài, tôi nói tôi là người Việt Nam, mọi người không chỉ khâm phục người Việt vì sự mạnh mẽ trong việc chiến thắng các cuộc xâm lược mà họ còn phải khâm phục mình là một quốc gia có những con người tài giỏi, đóng góp cho sự phát triển của thế giới", bà Tuệ Tri nói.
Tuy nhiên, ít ai biết trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam dưới góc nhìn thực tế, bà Trần Tuệ Tri đã nhiều lần muốn bỏ cuộc. Vì chủ đề về thương hiệu quốc gia là một chủ đề lớn và khó để thực hiện.
"Có nhiều người hay hỏi tôi là "Viết để làm gì?', "Viết cho ai đọc và có thay đổi được gì không?" khiến tôi phải suy nghĩ lại con đường mình đang đi. Nhưng cũng có không ít người đã tiếp thêm cho tôi năng lượng. Ví dụ như Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, Gs.Bs Đinh Xuân Anh Tuấn là những người tôi đã gặp trong Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng" và cho tôi cơ hội được nói chuyện, tìm hiểu thêm khi viết cuốn sách này" , bà Tuệ Tri cho hay.
Gs.Bs Đinh Xuân Anh Tuấn từng cho rằng người Việt Nam có khả năng tha thứ rất cao và luôn nhìn về phía trước. Để có thể phát triển, mỗi cá nhân cần phải biết cách tha thứ cho đời, tha thứ cho người và nhìn về phía trước.
Chia sẻ này của Gs Anh Tuấn được bà Tuệ Tri đánh giá đồng nhất với những câu trả lời bà từng nhận được khi hỏi về việc "Làm sao thể hiện tinh thần, giá trị của người Việt Nam?".
Đưa doanh nghiệp vươn tầm quốc tế
Từng là Giám đốc những tập đoàn quy mô lớn tỷ đô trên toàn cầu, thành công trong việc dẫn dắt doanh nghiệp tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình kinh doanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, dẫn dắt thương hiệu xâm nhập và mở rộng tại các thị trường mới, bà Tuệ Tri luôn muốn đóng góp trong việc xây dựng thương hiệu vươn tầm quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Trần Tuệ Tri đặt ra hy vọng lời hứa thương hiệu Việt Nam sẽ là nơi đổi mới thịnh vượng, hạnh phúc và khơi gợi cho mọi người câu hỏi: "Lời hứa gì cho thương hiệu Việt Nam?" . Tuy nhiên, để thực hiện điều này cần có nhiều người cùng chung tay.
Việc viết một cuốn sách về thương hiệu quốc gia đưa bà Trần Tuệ Tri tới với vai trò kết nối mọi người với nhau. Họ đều là những người có ước mơ phát triển thương hiệu Việt Nam. Mọi người đưa ra một số dự định biến Việt Nam thành điểm đến của sự đổi mới, thịnh vượng và hạnh phúc.
"Thứ nhất, hình thành mạng lưới kết nối chuyên gia, thương hiệu trong và ngoài nước để có thể cùng chung tay xây dựng thương hiệu Việt Nam. Thứ hai, tổ chức diễn đàn về thương hiệu quốc gia, toàn cầu để có thể kết nối mọi người lại với nhau. Thứ ba, tổ chức hoạt động hướng đến việc tăng quy mô cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để xây dựng thương hiệu Việt Nam toàn cầu, bởi 98 % doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ" , bà Trần Tuệ Tri cho hay.
Đối với những doanh nghiệp còn lúng túng chưa biết nên chọn mô hình nào để xây dựng thương hiệu và đi ra thị trường quốc tế, bà Tuệ Tri đề xuất tham khảo mô hình 6P - bao gồm 6 yếu tố chính: Product (Sản phẩm), Price (Giá cả), Place (Địa điểm), Promotion (Quảng bá), People (Nhân sự) và Process (Quy trình).
Ví dụ định vị thương hiệu của Downy là luôn làm cho quần áo mềm mại và thơm. Nhưng khi vào Việt Nam thì định vị nước xả làm mềm vải không phải điều quan trọng với người tiêu dùng, vì nhiều người Việt không dùng khăn tắm, không thể thấy độ mềm rõ ràng. Với người Việt, mùi thơm mới là điều quan trọng. Do đó, định vị của Downy khi vào Việt Nam là tập trung vào câu chuyện “thơm lâu cả ngày” cùng nhiều sự lựa chọn về mùi thơm.
Còn khi sang thị trường Nhật, người Nhật có thói quen ăn nhiều thịt nướng, quần áo dễ bị ám mùi khó chịu. Từ đó, định vị Downy ở Nhật chuyển sang khử mùi hôi.
"Khi mình biết cách khai thác giá trị văn hóa thì giá trị con người và thương hiệu quốc gia sẽ được tăng lên. Đó chính là động lực khiến tôi mong muốn làm câu chuyện thương hiệu quốc gia Việt Nam, để nâng tầm giá trị của mỗi con người Việt Nam. Để mỗi lần ra nước ngoài, tôi nói mình là người Việt Nam ai cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ về những gì mình làm được... Tôi rất mong đến năm 2045, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia phát triển", bà Tri cho hay.
Tập trung hành động
Khi phát triển thương hiệu chúng ta cần phải có cái nhìn tổng thể, từ vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến con người. Làm thương hiệu không chỉ có nói mà mình phải làm được. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể làm tất cả mọi thứ, vì nguồn lực có giới hạn. Nên phải tìm ra vấn đề mũi nhọn trong từng lĩnh vực để phát triển.
"Ví dụ về lĩnh vực công nghệ, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển nên việc đổi mới sáng tạo công nghệ là rất quan trọng, giúp tạo ra bước đột phá. Đồng thời, nông sản cũng là một ngành có tiềm năng rất lớn, chúng ta cần phải làm sao để đem công nghệ hóa vào nông nghiệp giúp Việt Nam trở thành Trung tâm cung cấp nông sản xanh và sạch của thế giới.
Việt Nam đang xếp thứ hạng cao trên thế giới về vấn đề năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Do đó, chúng ta cần bàn đến vấn đề năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Về vấn đề phát triển văn hóa và xã hội, hãy tập trung vào quyền lực mềm giống như là Hàn Quốc đã làm được. Việt Nam có thể xác định một ngành văn hóa tập trung để phát triển", bà Tuệ Tri nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh trên thế giới. Ngoài nội lực ở bên trong, chúng ta có thể thu hút người Việt Nam ở nước ngoài để cùng nhau phát triển. Đây không phải là nguồn lực mà bất kỳ quốc gia nào cũng có được.
Sau cuốn sách về thương hiệu Việt Nam, việc đầu tiên bà Tuệ Tri muốn tập trung đó là hành động, để có thể tạo ra mạng lưới xây dựng thương hiệu Việt Nam ở một số ngành đặc biệt. Ví như hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành hệ thống khởi nghiệp của Việt Nam và quảng bá văn hóa của Việt Nam.