Bộ trưởng mong lương 20 triệu/tháng suốt 18 năm qua nhưng chưa được
Đề án cải cách chính sách tiền lương đang được trình Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét với nhiều đề xuất đổi mới.
Trao đổi với PV, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, một chuyên gia về tiền lương cho rằng, tiền lương phải là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động, gia đình được xem như quan điểm xuyên suốt và 4 lần cải cách tiền lương vào những năm 1960, 1985, 1993, 2004 đều nhắm tới.
Tuy nhiên, theo ông Huân để thực hiện mục tiêu này không phải dễ bởi câu chuyện tiền lương, cải cách tiền lương là việc vô cùng phức tạp. Nó liên quan đến triệu triệu người, đến cải cách bộ máy, nhân sự - nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhận định.
Ông Huân nhớ lại chuyện vào năm 1993 - khi làm cải cách tiền lương, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Trần Đình Hoan lúc đó chỉ ước ao đến năm 2000 lương Bộ trưởng được 1.000 USD/tháng (khoảng 20 triệu đồng).
Tuy nhiên, đã 18 năm qua, lương Bộ trưởng ở Việt Nam mới khoảng 13 triệu đồng/tháng.
Theo ông Huân, các nước khác thiết kế lương rất rõ còn Việt Nam ngoài lương còn có các chế độ làm việc khác.
Quang cảnh Hội nghị TƯ 7. Ảnh: Chinhphu.vn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, đề án cải cách tiền lương đang được trình Hội nghị TƯ xem xét sẽ quy định cán bộ, công chức trong khu vực công sẽ hưởng lương theo vị trí việc làm - tức là quay lại thiết kế mức lương theo chức vụ hoặc chức danh.
Với mức lương của Việt Nam hiện nay, thấp nhất là người lao động hưởng lương cơ sở. Cao dần lên cho đến cao nhất là lương Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội...
Quan hệ này có các mốc, ví dụ lương cơ sở là 1, lương người tốt nghiệp đại học ra trường là 2,34 (hệ số nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng). Lương cơ sở của Bộ trưởng là 10, của Chủ tịch nước là 13.
Trên cơ sở các mốc này, sau khi Trung ương xem xét, cho định hướng, Chính phủ thiết kế hệ thống bảng lương mới tính bằng số tiền tuyệt đối.
Chẳng hạn người tốt nghiệp đại học ra trường ở vị trí việc làm cụ thể nào đó trong đơn vị sẽ có mức lương là 5 triệu đồng/tháng, thay cho cách tính hệ số 2,34 nhân với lương cơ sở.
Điều quan trọng ở đây là Chính phủ xác định hệ thống thước đo, quan hệ giữa các mức lương ở công việc, chức danh này so với công việc, chức danh khác sao cho phù hợp.
Theo quy định hiện hành, hệ số lương chức vụ cao nhất ở nước ta là 13, nhân với lương cơ sở 1,3 triệu đồng thì tổng lương của Chủ tịch nước khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Khi đề án được thông qua, nếu mốc lương cao nhất tăng lên, cùng với lương cơ sở tăng thì tổng lương từ người hưởng mức thấp nhất cho đến lãnh đạo các cấp cũng tăng theo - ông Huân cho biết.
Vụ trưởng có thể hưởng lương 17 triệu đồng
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu rõ, quá trình cải cách ai cũng mong chờ tăng lương, tuy nhiên tăng lương khu vực công sẽ tạo áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Do đó, muốn cải cách lương phải trên cơ sở tăng năng suất, tăng hiệu quả ở khu vực doanh nghiệp, thị trường, còn khu vực công phải tăng nguồn thu, trên cơ sở đó chia thêm cho phần chi thường xuyên.
Ban chỉ đạo Đề án xác định thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương) và tiền thưởng (nằm ngoài quỹ lương, bằng khoảng 10% tổng quỹ lương).
Nhà nước cũng ban hành hệ thống thang bảng lương mới (quy định bằng số tiền tuyệt đối, thay cho việc quy định hệ số lương nhân với mức lương cơ sở) theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường.
Cụ thể, sẽ có bảng lương chức vụ áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.
Trao đổi với PV về cải cách tiền lương, ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho hay, theo thiết kế tiền lương hiện hành, những người giữ chức vụ lãnh đạo đều xếp lương theo công chức hành chính và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Lấy ví dụ chính mình, ông Dũng nói đang là Vụ trưởng, hưởng lương ngạch chuyên viên cao cấp, sau đó hưởng thêm phụ cấp chức vụ lãnh đạo là 1,0.
Với thiết kế mới, chức vụ Vụ trưởng được hưởng mức lương 17 triệu đồng, ai được bổ nhiệm chức vụ này sẽ được hưởng mức lương đó và không phải thi nâng ngạch. Đồng thời, có một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo. Bảng lương này cũng được thiết kế bảo đảm tiền lương tương quan với bảng lương của người giữ chức vụ lãnh đạo - ông Dũng cho hay.
Theo Vụ trưởng Vụ tiền lương, cải cách sẽ có một phần khuyến khích những người làm chuyên môn nghiệp vụ có thể phát triển nhưng không nhất thiết phải đi theo con đường lãnh đạo mà vẫn có thể tăng lương.