Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khürelsükh (trái) bắt tay Tổng thống Nga Putin tại thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ
Thế lưỡng nan của Mông Cổ
Không có gì khác biệt về chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 3/9 - ông gặp lãnh đạo đất nước, hội đàm về việc phát triển quan hệ song phương và tham dự tiệc chiêu đãi long trọng.
Mông Cổ, với tư cách là thành viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đã không thực hiện lệnh bắt với tổng thống Nga.
Ông Putin là đối tượng của lệnh bắt giữ quốc tế do ICC ban hành vào tháng 3/2023.
Vào thời điểm đó, Điện Kremlin mô tả hành động của ICC là "vô lý và không thể chấp nhận được" và cho biết chúng không ảnh hưởng đến Nga, quốc gia không phải là thành viên của ICC.
Theo Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC có hiệu lực vào năm 2002, các quốc gia thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ và giao nộp cho tòa án bất kỳ cá nhân nào phải chịu lệnh bắt giữ của ICC nếu cá nhân đó đặt chân đến quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, Mông Cổ đã phớt lờ điều đó bằng cách tiếp đón ông Putin bằng đội danh dự khi gặp Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh tại thủ đô Ulaanbaatar vào thứ Ba.
Trong một trả lời với POLITICO vào thứ Ba (3/9), một phát ngôn viên của chính phủ Mông Cổ cho biết đất nước này đang ở trong tình trạng phụ thuộc vào năng lượng.
Mông Cổ nhập khẩu 95% sản phẩm dầu mỏ và hơn 20% điện từ khu vực lân cận. Nguồn cung cấp này rất quan trọng để đảm bảo sự tồn tại của chúng tôi và người dân của chúng tôi, người phát ngôn cho biết.
"Mông Cổ luôn duy trì chính sách trung lập trong mọi quan hệ ngoại giao, như đã thể hiện trong các tuyên bố của chúng tôi cho đến nay", đại diện chính phủ Mông Cổ khẳng định.
Mông Cổ, một quốc gia rộng lớn với 3,3 triệu người, nằm cạnh 2 siêu cường là Nga và Trung Quốc.
Nga "chế giễu" ICC?
Nga đã bày tỏ sự lạc quan và không lo ngại về chuyến đi tới Ulaanbaatar của ông Putin. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định với các phóng viên vào thứ Sáu tuần trước rằng Điện Kremlin "không lo lắng".
Elena Davlikanova, thành viên của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, nhận xét rằng Nga đang sử dụng chuyến đi để "chế giễu Tòa án Hình sự Quốc tế", nhất là khi Mông Cổ đang mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế với Nga. Bà Davlikanova cho rằng đây là một lựa chọn cố ý để "thử thách tính hiệu quả của phán quyết" từ Tòa án Hình sự Quốc tế.
"Tất nhiên, ông Putin sẽ không bao giờ lên kế hoạch cho chuyến thăm nếu có bất kỳ khả năng bị bắt giữ nào. Quốc gia này đã đảm bảo với Moscow rằng tổng thống sẽ không bị giam giữ", bà lưu ý trong bài phân tích.
Đối với Nga, chuyến đi không chỉ giúp chuyển hướng dư luận từ vụ tấn công của Ukraine vào khu vực biên giới Kursk mà còn là cách "giúp duy trì hình ảnh của Putin như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong và ngoài nước", bà nói thêm.
Chuyến đi cũng góp phần làm suy yếu Tòa án Hình sự Quốc tế và bất kỳ khả năng nào về việc truy tố các nghi phạm trong tương lai, thành viên trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu cho biết,
Trước đó, ICC đã bày tỏ quan điểm của mình.
Người phát ngôn của ICC, Fadi el-Abdallah, đã nói với BBC vào thứ Sáu tuần trước rằng Mông Cổ có "nghĩa vụ" phải tuân thủ lệnh bắt giữ và cho biết "trong trường hợp không hợp tác, các thẩm phán ICC có thể đưa ra phán quyết và thông báo cho Hội đồng quốc gia thành viên. Sau đó, Hội đồng sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào mà họ cho là phù hợp".
Tuy nhiên, ông không nêu rõ những biện pháp nào có thể được thực hiện. Bên cạnh đó, ICC cho phép một số miễn trừ, chẳng hạn như khi một quốc gia có thể bị buộc phải "vi phạm nghĩa vụ hiệp ước" với một quốc gia khác.
Ngày 2/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, Heorhiy Tykhyi, cho biết trên Telegram rằng "Mông Cổ phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh". Ông nói thêm rằng Kiev sẽ làm việc với các đối tác của mình "để đảm bảo rằng Ulaanbaatar sẽ phải gánh chịu hậu quả".