"Cuối năm 2020, sau khi biết tin mình sẽ được đôn thành tích và nhận HCĐ từ kết quả Olympic 2012 do đối thủ dính doping, quả thật lúc đó tôi không biết vui hay buồn. Vui vì đó là một sự may mắn và mình có thành tích, nhưng đồng thời cũng buồn một chút vì mình thấy đen đủi bởi nếu kết quả đó được ở chính thời điểm thi đấu Olympic năm 2012 tại Anh, mọi chuyện đã khác với bản thân tôi", lực sĩ Trần Lê Quốc Toàn chia sẻ trong một sự kiện về câu chuyện trớ trêu của mình.
Tính đến trước Olympic 2024, Việt Nam đã có 5 lần giành huy chương, trong đó có tới 2 huy chương đến từ môn cử tạ.
Vào năm 2008, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn xuất sắc giành HCB hạng 56 kg nam (tổng cử 290 kg). 4 năm sau, cũng ở hạng cân này, người đàn em Trần Lê Quốc Toàn xếp thứ tư với tổng cử 284 kg, kém 2 kg so với VĐV đạt HCĐ Valentin Hristov (Azerbaijan).
Đây là kết quả gây sốc bởi mới 8 tháng trước, đối thủ người Azerbaijan còn bị Trần Lê Quốc Toàn bỏ xa, với mức tổng cử nhiều hơn 20 kg. Sự tiến bộ thần tốc của Valentin Hristov khiến đội Việt Nam bày tỏ sự hoài nghi, và rồi tới năm 2019, Liên đoàn cử tạ thế giới thông báo mẫu thử thứ ba cả VĐV này tại Olympic 2012 có kết quả dương tính với doping, qua đó kết quả thi đấu bị hủy bỏ.
Tuy vậy cũng phải chờ thêm 2 năm, tới tháng 7/2021, tấm HCĐ Olympic London mới được trao đến tay Trần Lê Quốc Toàn. Với lực sĩ này và giới chuyên môn, việc hụt huy chương Olympic 2012 thực sự là điều tiếc nuối lớn, bởi nếu như không có sự gian lận của đối thủ và giành được HCĐ, Trần Lê Quốc Toàn sẽ nhận được sự đầu tư trọng điểm nhiều hơn trong giai đoạn sau đó.
Lực sĩ sinh năm 1989 còn tham dự thêm Olympic 2016 nhưng chỉ đạt tổng cử 275 kg, xếp thứ 5 chung cuộc. Tới ASIAD 2018, thành tích của anh còn 271 kg, không thể giành huy chương. Đây cũng là giải đấu lớn cuối cùng của Trần Lê Quốc Toàn trước khi giải nghệ.
Nhìn ra quốc tế, lực sỹ Eko Yuli Irawan của Indonesia cũng bằng tuổi với Trần Lê Quốc Toàn nhưng hiện vẫn là ứng viên cạnh tranh HCV tại Olympic Paris 2024. Eko liên tục giành huy chương tại Olympic 2008 (HCĐ, hạng 56 kg), 2012 (HCĐ, hạng 62 kg), 2016 (HCB, hạng 62 kg) và 2020 (HCB, hạng 61 kg).
Tất nhiên, sự so sánh giữa hai VĐV này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, dẫu vậy nếu năm ấy Trần Lê Quốc Toàn có huy chương Olympic và tiếp tục được đầu tư mạnh hơn, sự nghiệp của lực sĩ này có lẽ đã rất khác.
Trông chờ ở Trịnh Văn Vinh
Vào lúc 20h00 tối mai (6/8), lực sĩ Trịnh Văn Vinh sẽ tranh tài ở hạng cân 61 kg nam môn cử tạ. Đây sẽ là hi vọng cuối cho mục tiêu huy chương của thể thao Việt Nam tại Olympic Paris.
Tuy nhiên mọi việc sẽ không dễ dàng. Các đối thủ của Trịnh Văn Vinh có Li Fabin (Trung Quốc) đang đạt thông số 314kg tổng cử; ngoài ra còn có Morris Hampton Miller (Mỹ, 303kg), Sergio Massidda (Italy, 302kg), Eko Yuli (Indonesia, 300kg), Ceniza John Febuar (Philippines, 300kg), Silachai Theerapong (Thái Lan, 299kg)...
Trịnh Văn Vinh hiện đang có thành tích tổng cử 294kg (cử giật 131kg, cử đẩy 163kg). Để giành được huy chương ở cuộc đấu sắp tới, lực sĩ Việt Nam cần có sự bứt phá mạnh mẽ.