Các chuyên gia y tế cho rằng đi bộ là phương pháp rèn luyện sức khỏe phù hợp nhất và hiệu quả cho người mắc bệnh tiểu đường. Tập luyện bộ môn này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giảm lượng đường và mỡ trong máu. Hơn nữa đây là môn thể thao đơn giản, dễ thực hiện. Tập luyện bộ môn này, bạn không bị giới hạn về thời gian hay không gian mà còn rất tiết kiệm.
Theo các chuyên gia, đi bộ nhanh có thể làm tăng mật độ của ti thể và độ nhạy insulin trong cơ thể. Đồng thời, nó có thể giúp cải thiện phản ứng của mạch máu, do đó chức năng tim phổi và chức năng hệ thống miễn dịch được tăng cường. Đi bộ có thể làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin của bệnh nhân tiểu đường và giúp kiểm soát đường huyết ổn định hơn. Tập luyện thường xuyên ở bệnh nhân tiểu đường type 2 có thể làm giảm lượng chất béo trung tính, huyết áp và insulin trong cơ thể.
Một phân tích được công bố trên tạp chí Sports Medicine cũng cho thấy đi bộ ngắn 2-5 phút có thể giúp giảm lượng đường trong máu sau ăn. Bà Angie Asche, chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ, cho hay khi ăn cơ thể sẽ phá vỡ carbohydrate, chuyển hóa thành đường trong máu. Đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng có thể tăng độ nhạy insulin, giúp quản lý đường huyết hiệu quả.
Người bệnh chỉ cần chuẩn bị một đôi giày thể thao để đi bộ tập thể dục. Đi bộ với tốc độ nhanh hơn 30 phút mỗi ngày sẽ giúp người bệnh được mục tiêu khuyến nghị 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải tốt cho sức khỏe bệnh tiểu đường
Ở một mức độ nhất định, đi bộ thường xuyên cũng có tác dụng hạ mỡ máu. Theo đó, việc đi bộ thường xuyên không chỉ đẩy nhanh quá trình lưu thông máu của cơ thể và tăng cường tính đàn hồi của mạch máu mà còn giúp đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và thúc đẩy quá trình chuyển hóa chất béo trong cơ thể. Điều này giúp làm giảm nồng độ mỡ máu trong ở một mức độ nhất định. Vì vậy đi bộ thường xuyên, đặc biệt là sau bữa ăn sẽ làm giảm lượng mỡ máu trong cơ thể một cách hiệu quả.
2 khoảng thời gian luyện tập đem lại hiệu quả ổn định đường huyết ở mức cao nhất
Đi bộ hay tập những môn thể thao khác rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nếu chọn sai thời điểm tập luyện sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng ở những người có đường huyết cao, đặc biệt là những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, việc chọn thời điểm luyện tập là rất quan trọng.
Đối với những người có thói quen tập thể dục vào buổi sáng, thời điểm tốt nhất là nửa tiếng sau khi ăn sáng xong, khi đó mặt trời ló dạng, không khí được khử trùng, nên tập thể dục trong môi trường thoải mái, tránh ô nhiễm.
Còn nếu bạn là người không thể dậy sớm và chọn tập thể dục vào buổi tối thì bạn nên ăn trước 18h30 sau đó bắt đầu bài tập sau khi nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng. Cần chú ý không nên tập quá khuya kẻo cơ thể bị hao mòn, suy giảm thể lực, gây ra các biến chứng khác.
Để có được nhiều lợi ích sức khỏe nhất từ việc tập thể dục, thời điểm tốt nhất trong ngày để tập thể dục là khi bạn thực sự sẵn sàng để tập luyện. Vì vậy hãy chọn một thời gian thích hợp và tuân theo thời gian đó, bất kể đó là buổi sáng hay buổi tối. Tập thể dục đều đặn vào cùng một thời điểm mỗi ngày là một trong những cách tốt nhất để phát triển thói quen tập thể dục lâu dài.
Ngoài đi bộ, bạn có thể tham khảo một số bài tập và môn thể thao giúp ổn định đường huyết, phù hợp cho người bệnh tiểu đường là yoga, khiêu vũ, đi bộ nhẹ nhàng, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…
Ngoài ra, bạn cũng nên áp dụng cho mình một chế độ dinh dưỡng khoa học, có thể ăn các loại thực phẩm hỗ trợ ổn định đường huyết vừa có thể cân bằng dinh dưỡng và kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
(Tổng hợp)