img

Hôm nay là ngày tết thiếu nhi. Hôm nay trên cả nước, cha mẹ dẫn con đi chơi và tặng con những món quà chúng thích nhất. Những nhà hàng và khu vui chơi vắt óc nghĩ ra đủ các bữa tiệc độc đáo đáp ứng từng sở thích đặc biệt nhất cho chúa tể của các gia đình.

Nhưng những đứa trẻ chúng tôi kể trong câu chuyện này thậm chí không dám ước mơ được nhận cho riêng mình một món quà. Chúng chỉ ước mong được tiếp tục đi học.

Chúng là những học sinh vừa học xong lớp 5 tại trường tình thương Phước Thiện ở quận 7, TP HCM. Ngôi trường đặc biệt này suốt 27 năm qua đã đón nhận và nuôi nấng ước mơ học tập của cả ngàn đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo khó.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 2.

Nhiều đứa, cha mẹ không biết chữ nên phải làm những công việc lao động chân tay vất vả nhất để mưu sinh. Hầu hết họ là nông dân từ các tỉnh miền Tây nhưng ít ruộng vườn hoặc không có miếng đất nào, phải xin ở nhờ trên đất nhà người khác. Không chữ, không nghề nghiệp, họ dắt vợ con lên Sài Gòn sống, học nhau mà thành thợ hồ, thợ sơn, thọ điện, sửa loa, người giúp việc nhà... Không xin vào được những công ty xây dựng, họ theo cai thầu nhận từng công trình một, ăn lương công nhật. Hết công trình, cai không thuê nữa thì chạy xin công trình mới.

Nguyễn Thị Ngọc Kiều 12 tuổi, quê An Giang. Cha mẹ của Kiều đều làm thợ sơn nước. Dưới quê không có đất, họ dắt hai con lên Sài Gòn kiếm việc, sống trong một xóm trọ trên đất "nhảy dù" quận 7. Cả ba và mẹ của Kiều đều không biết chữ, cần giấy tờ gì đều phải nhờ em gái của mẹ đọc giùm. Kiều còn một chị gái 19 tuổi, học hết lớp 7 ở quê rồi nghỉ, đi làm sơn nước với cha mẹ.

Nơi họ sống là những xóm trọ công nhân và dân lao động nghèo. Mỗi căn phòng đều giống nhau: khoảng hơn 10 m2 vuông, có gác lửng cho con cái ngủ ở trên, cha mẹ ở dưới. Người khá nhất thì thuê được căn phòng mới xây, lát gạch men trắng sạch sẽ cao ráo, tổng chi phí khoảng 1.500.000 đ/tháng. Những người khổ nhất chui rúc trong những túp lều rách nát, ở nhờ trên đất nhà chùa, sát bên vách tôn là con rạch mà mưa lớn nước sẽ ngập lé đé vô "nhà", hay trong "xóm liều" đầy rác rưởi cất đại trên những lô đất còn trống nơi khu đô thị mới hình thành nhưng chưa xây hết. Nơi này giải tỏa hay hết cơ hội tìm việc thì bọc gói đi tìm nơi khác. Con cái cũng theo cha mẹ bỏ quê lên phố, lênh đênh trên những dặm dài theo kế sinh nhai.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 4.

Tôi chưa thấy nơi đâu bầu trời hẹp hơn những khu xóm trọ nghèo, nơi nó bị thu lại chỉ còn một cái khe mảnh giữa những mái tôn cũ kỹ của hai dãy phòng đối mặt chìa ra gần như chạm vào nhau, và còn bị che khuất bởi vô số quần áo đồ dùng giăng mắc, dưới bầu trời đầy mây xám xịt của những cơn mưa chiều ngày nào cũng tràn trề Sài Gòn cuối tháng năm.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 5.

Bị níu chặt bởi cái nghèo, ước mơ của hầu hết những đứa trẻ nghèo và cha mẹ chúng cũng khiêm nhường như thế. Trong khi những bạn bè khá hơn mơ ước làm siêu nhân, anh hùng, bác học..., thì tất cả những đứa trẻ chúng tôi gặp đều xác định chúng phải học giỏi để sau này kiếm tiền cho cha mẹ đỡ khổ.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 7.

Huỳnh Công Phát và Huỳnh Công Đạt là hai anh em. Cả hai đều đã học năm năm đầu tại trường tình thương Phước Thiện. Đạt 11 tuổi, vừa xong lớp 5. Phát 13 tuổi, năm nay lên lớp 7. Chúng còn một anh lớn vừa học hết lớp 12. Cha chúng làm thợ điện và "thợ đụng", tức là đụng cái gì cũng làm. Trong túp lều của bốn cha con chất đầy loa, đầu máy và những thiết bị điện mà anh nhận về sửa.

Đạt và Phát. Gia đình hai em được chùa Phước Thiện cho ở nhờ sau chùa và giúp đỡ thực phẩm. Ngay dưới bức tường tôn này là con rạch chảy xiết, mưa lớn nước có thể ngập lé đé vào lối đi.

"Trước kia còn khỏe, cái gì tui cũng làm, cũng đỡ đỡ. Nhưng một năm nay bịnh, hổng làm được gì. Bữa nay nghe cô chú tới, thấy khỏe khỏe trong người, ngồi lên như vầy được nè. Còn thì đầu đau lắm, nhiều ngày tui chỉ nằm thôi, không dậy nổi." - anh nói.

Trong hồ sơ bệnh án của anh Huỳnh Văn Sáu, tôi thấy anh bị viêm gan siêu vi B, gan đa nang, đau dạ dày, đau đầu... Vợ anh trước đi bán vé số ở Sài Gòn, một tháng nay vừa mổ sỏi mật nên về quê ở Cờ Đỏ, Cần Thơ, có chỗ ở rộng rãi hơn và có anh em bà con chăm sóc dưỡng bệnh. Mấy cha con sống nhờ chùa Phước Thiện và tiền bán vé số của Phát.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 9.

Mỗi ngày nghỉ học, Phát đi bán vé số từ 8h đến khoảng 10 giờ sáng, được khoảng 50 tờ, hôm nào cao thì bán hết 70-80 tờ, lời khoảng 70.000 đ-80.000 đ. 

"Con đưa ba hơn một nửa, còn con để dùng cho việc học và con ăn. Anh con với em con cũng có đi bán vé số nhưng không bán được, không ai mua nên giờ còn mình con bán thôi cô" - Phát kể. "Con có khó chịu đó cô. Tại vì mấy bạn khác được chơi còn con thì phải đi bán... Nhưng con khó chịu một chút xíu à cô. Tại vì nhà mình nghèo mình phải ráng thôi".

Còn ước mơ của con? Lớn lên con thích làm nghề gì? 

Đạt: - Con muốn làm bác sĩ. Tại con đi khám bịnh con thấy chú bác sĩ tận tình lắm, chú nói chuyện với con dễ thương lắm cô. Để con chữa bịnh cho người nghèo, vì người nghèo thì không có tiền chữa bịnh.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 10.

Cô giáo, chú bác sĩ ân cần đó là những người lớn đầu tiên không phải là người thân, lại giàu có hơn, sang trọng hơn, xa lạ hẳn với đời sống quen thuộc của chúng nhưng đã đối xử với chúng bằng tình thương yêu chân thành. Chúng yêu quý họ và trái tim trẻ thơ ao ước trở thành những người đã mang lại cho chúng tình yêu thương không phân biệt đó.

Cuộc sống đã dạy cho những đứa trẻ mới hơn mười tuổi đầu nỗi mặc cảm sâu sắc vì cái nghèo, bị chê bai, khinh miệt.

"Con thương trường con lắm, vì chỉ trong trường con mới thấy sự hòa đồng. Ở ngoài mấy bạn không chơi với con, vì con... không giống như mấy bạn" - bé Đỗ Thị Như Ý, 13 tuổi, khóc nức.

Hai chị em: Võ Thị Như Ý 13 tuổi và em Võ Thị Thanh Ngân 11 tuổi cùng cha mẹ. Quê các bé ở Long An. Cha mẹ, bà ngoại, dì... đều lên Sài Gòn thuê phòng trọ gần nhau và làm nghề sơn nước. Cha mẹ đều không học quá lớp 3 vì nhà nghèo, nhưng người cha đã từng ước mơ lớn lên sẽ làm nghề thầy giáo. Hàng ngày, hai chị em đều học như thế này. Bé Ý có ước mơ giống cha, tuy vậy cả hai cha con chưa bao giờ biết điều đó cho đến khi nói chuyện với chúng tôi. Còn bé Ngân thích vẽ tranh và kèm học cho các em nhỏ hơn thì ước mơ làm nhà thiết kế thời trang, đặc biệt rất... "mít ướt".

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 12.

Ngân khóc ngay khi biết tin sắp bế giảng và phải nghỉ học ở trường tình thương Phước Thiện

Cha mẹ em làm thợ sơn. Cả nhà, từ ông bà ngoại đến các dì đều lên Sài Gòn làm nghề thợ sơn, thuê phòng trọ ở gần nhau trong một xóm trọ hun hút đọng nước quận 7.

"Con đi thi ở trường ngoài, mấy bạn chửi con, nói con là nhà nghèo học trường tình thương, con viết sai chính tả mấy bạn cũng nói con nhà nghèo nên mới viết sai chính tả" - vùi mặt vào ngực tôi, một bé gái khác nhỏ nhắn có khuôn mặt trái xoan xinh xắn nước mắt ròng ròng.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 13.

Khi nhắc đến nỗi lo sợ phải bỏ học giữa chừng vì sợ cha mẹ không nuôi nổi, hầu như tất cả bọn trẻ đều bật khóc.

Thu nhập của nghề thợ hồ hay thợ sơn vào khoảng 250.000 đ/người/ngày nếu là thợ phụ, 400.000 đ/ngày nếu là thợ chính. Nếu công việc đều đặn, việc nuôi một đứa con đi học không quá khó khăn. Nhưng không nhiều người có công việc đều đặn, nên tính cả tiền nhà trọ khoảng 1.000.000 đ đến 1.500.000 đ/tháng thì chi phí đi học trường công cho hai đứa trẻ thật là nỗi lo thường trực.

Nếu không có trường tình thương Phước Thiện-nơi bọn trẻ được bao cấp hoàn toàn việc học hành, đồng phục, sách vở và một bữa trưa, tất cả cha mẹ đều thú nhận chẳng biết làm cách nào để con được biết chữ. Cho dù ai cũng hiểu nếu không được học hành, ngay cả đi làm mướn chúng cũng không thể kiếm được việc làm mướn ổn định và đủ nuôi sống bản thân.

Thơ bé, ngây ngô, Nguyễn Phước Kha 11 tuổi chỉ khăng khăng học đến lớp 9 là nghỉ để đi làm thợ sơn nước giống cha mẹ. Bé linh lợi, học khá, nhưng dứt khoát chỉ muốn học đến đó, trong khi người anh học lớp 7 của bé thì đã định hướng rất rõ sẽ làm mọi thứ để thực hiện ước mơ làm bác sĩ.

Nguyễn Phước Kha, 11 tuổi và anh trai là Nguyễn Phước Khang, 13 tuổi . Hai bé đều từng học từ lớp 1 đến lớp 5 ở trường Phước Thiện. Ba mẹ làm nghề sơn nước.

Trong xóm trọ của hai anh em, chúng tôi gặp một cô bé xinh xắn nhìn như mới học cuối cấp hai. Đến khi em chỉ vào đứa bé trai khoảng một tuổi tồng ngồng mặc mỗi cái áo đang được bế gần đó nói "con của em đó" thì chúng tôi bật ngửa.

Thất học, đi làm phụ việc nhà hàng từ năm 15 tuổi, 17 tuổi lấy chồng-một anh chàng lớn hơn hai tuổi làm phụ hồ cùng xóm trọ, tháng làm được 3, 5 triệu đồng, và nghe hàng xóm nói đang mang em bé thứ hai trong bụng... Tương lai cả 4 đứa trẻ này (tôi không gọi khác được) sẽ ra sao?

Chẳng nghi ngờ gì nữa, đó sẽ lại là vòng quay mù chữ/thất học-nghèo khổ và tối tăm-đẻ ra một bầy con tiếp tục nghèo khó và thất học mà đời sau nặng nề hơn đời trước.

Tuy nhiên đáng sợ nhất vẫn chưa phải cái nghèo nhất thời, vì Sài Gòn không thiếu công việc. Chỉ cần siêng năng chăm chỉ thì không ai nghèo đói cả. Đáng sợ nhất là có những cha mẹ vì mù chữ và dốt nát nên không cả ý thức được cả về cái nghèo và hậu quả mà con cái mình đang gánh chịu.

Trong một ngôi nhà nằm sâu trong khu xóm nghèo gần cảng Bến Nghé, một bé gái đang sống với mẹ và mấy người anh. Cha của bé đã bỏ đi (với vợ hai, đi mười mấy năm nay rồi-người vợ kể). Bé có ba anh trai, anh nào cũng bỏ học khi đang lớp 6 hay lớp 8, học cao nhất là đang dở lớp 11. May mắn là tuy ít học nhưng anh nào cũng đang có việc làm, tuy chỉ mua bán lặt vặt tự do hay làm công nhân trong khu chế xuất.

Đỗ Thị Mỹ Hạnh 12 tuổi, ở Sài Gòn. Ba chạy xe ôm, mẹ chỉ ở nhà coi ngó 7 phòng trọ nhỏ cho công nhân thuê. Bé Hạnh: "Ba của con học đến lớp 2, còn mẹ con thì không học. Ba con thì biết viết tên, còn mẹ con biết viết tên nhưng không đọc được. Con ước mơ làm ca sĩ, vì con thích hát, mỗi khi ở trong trường thì con hay hát cho mấy bạn nghe. Con thích hát nhạc trẻ, thần tượng là Khởi My, Kim Khánh. Con muốn học đến đại học mà sợ ba mẹ không có tiền".

Đáng lo nhất là suy nghĩ của mẹ bé. Mới 51 tuổi nhưng bà hầu như không nghĩ gì đến việc phải tìm một công việc để làm, kiếm thêm tiền nuôi đứa con gái mới học hết lớp 5 và đang lo lắng vì muốn học đến đại học nhưng không biết cha mẹ có nuôi nổi không.

Bà nhắc đi nhắc lại "tới đâu tính tới đó, cũng cố gắng cho con đi học tiếp" (trường tình thương Phước Thiện chỉ nhận dạy đến hết lớp 5) nhưng viện đủ lý do cho việc mình không làm việc gì. "Phải ở nhà giữ con cho con dâu, chớ tụi nó gởi con tháng hết hai triệu rưỡi hổng đủ tiền... Phải ở nhà coi chừng xe cho người ở trọ... Chắc mai mốt mấy đứa con trai nó làm được nó cho tiền... Chắc tụi nó cũng phải lo cho em nó chớ..." - bà hồn nhiên nói.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 17.

- Nhưng làm công nhân chẳng bao nhiêu tiền, lại còn cho gia đình. Nếu các anh không lo được cho em thì sao? - Tôi hỏi.

- Thì chắc nó phải nghỉ học. Biết sao được, mình nghèo mà!

Ngôi nhà của chồng bà xây trên đất gia đình chồng được chia. Trên gác có bảy căn phòng trọ cho công nhân thuê khoảng 900.000 đ/tháng. Bà kể phải đưa cho chồng hai triệu đồng/tháng và trả lãi cho số nợ hồi trước vay cho chồng chữa bệnh. Nếu thật vậy, vài triệu một tháng còn lại chỉ đủ nuôi hai mẹ con tằn tiện.

Trên bàn học của bé chẳng có cuốn truyện thiếu nhi nào nhưng xếp ngay ngắn khoảng chục lọ sơn móng tay lấp lánh đủ màu xanh đỏ và nhiều lọ mỹ phẩm. Dưới gầm bàn được dùng làm giá để giày là vài đôi giày cao gót, có đôi còn trong túi nilon.

Có thể nhiều người sẽ phản bác rằng giá những thứ ấy khá rẻ và dù nghèo mẹ bé vẫn có quyền làm đẹp, chẳng ảnh hưởng đến chuyện chăm lo cho con của bà. Nhưng tôi vẫn ước giá như phần nhiều trong số các lọ mỹ phẩm đó được đổi thành sách vở cho bé và sự quan tâm của bà đến việc học hành của con cũng nồng nhiệt như sự quan tâm đến việc làm đẹp cho chính mình.

Những bức thư của các em viết tặng cô giáo trường Phước Thiện.

Sống chỉ cách trung tâm Sài Gòn vài cây số nhưng con bé chưa một lần ra quận 1. Nên tôi cũng không ngạc nhiên khi cô bé nói em hài lòng với cuộc sống đó, chỉ ước mơ có cái phòng rộng hơn để có chỗ ngủ riêng cho mình.

Có những con chim non trong lồng chim vừa mở mắt đã trông thấy nan lồng nên không thể hình dung nổi bầu trời. Chúng không biết những mênh mông xanh thắm mà chỉ nghĩ tất cả cuộc đời chỉ là những cái nan lồng mà thôi.

Nguyễn Quốc Anh 12 tuổi. "Hồi trước nhà con ở Tánh Linh, Bình Thuận, mà giờ qua Vũng Tàu rồi. Mẹ con làm nghề may, ba con làm ở công ty. Con ở trong chùa Thiên Trúc ba năm rồi, pháp danh con là Điệu An Tài. Vì ở ngoài xã hội không được tốt nên ba mẹ con dắt vào chùa cho nên người".

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 20.

Nhưng cũng giống như khe trời hẹp giữa những mái nhà, trong những căn gác xép nóng như thiêu đốt thấp tè chỉ cách mái tôn hứng cái nắng 35 độ Sài Gòn chừng hơn một mét, ngay cả khi bò nhoài ra giữa sàn nhà chật ních để làm toán, học văn, vẽ tranh, không ít đứa trẻ vẫn xây ước mơ của chúng thật đẹp đẽ.

"Con ước mơ lớn lên con sẽ làm kỹ sư, con vẽ cho người ta xây nhà. Ngôi nhà đầu tiên con sẽ xây là nhà cho gia đình con, ngôi nhà không cần rộng lắm nhưng có đủ chỗ cho gia đình con ở, có mái ngói màu đỏ, nhà màu xanh dương, có hai phòng, một cho ba mẹ con, một cho con, có sân rộng trồng nhiều cây và một con chó. Và tràn đầy tình thương".

Trần Thanh Phước 11 tuổi. Ba bé làm thợ hồ, 6h sáng thì ra khỏi nhà đi làm đến 4h chiều. Mẹ bé không biết chữ nên chỉ làm người giúp việc cho một gia đình từ khoảng mười năm nay. Bé là con một. Cha mẹ quyết chỉ sinh một đứa để nuôi dạy cho tốt hơn.

Đây là bức tranh bé vẽ ngôi nhà mơ ước của mình:

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 22.

Còn đây là bức tranh của một em bé khác. Phòng trọ nơi hai anh em sinh đôi Nguyễn Quốc Trường và Nguyễn Quốc Vũ sống với cha mẹ chật ních và chất đầy những thùng sơn rỗng như nhiều căn phòng thợ sơn khác. Trên cao có một chiếc lồng nhỏ nuôi con chim cu lông trắng , cứ 8h tối là hót lên gù gù.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 23.

Không có bàn học, hai đứa bé ngồi bệt dưới sàn nhà, chỉ cách vài bước là đến cái lối đi chung của xóm trọ nghèo lõng bõng nước đọng. Dưới đó, thằng em vẽ những ngôi nhà thành phố cao tầng có nhiều ô cửa sổ rực ánh đèn màu dưới bầu trời đầy trăng sao, thằng anh thì vẽ cảnh hoàng hôn rực rỡ.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 24.

Cha mẹ không biết chữ, ruộng đất cũng không có, hai đứa học dở lớp hai dưới quê rồi theo cha mẹ lên Sài Gòn. Trôi dạt nên 14 tuổi mới học hết lớp 5, khi những bạn bè cùng tuổi may mắn hơn đã học đến lớp 9. Vũ muốn trở thành cảnh sát "vì con thích mạo hiểm và con muốn bắt tội phạm ăn trộm", còn Trường chỉ thích đi học và vẽ, ngẩn ra chưa biết mình sẽ làm nghề gì.

Hầu hết bọn trẻ đều mới 11, 12 tuổi.

Món quà 1/6 tụi con nít nhà nghèo ao ước giản dị mà nhọc nhằn lắm: Được đến trường - Ảnh 25.

Và niềm vui lớn nhất của chúng không phải là được dẫn đi chơi hay được tặng một món quà, vì biết ba mẹ không có tiền. Chúng chỉ có một ao ước duy nhất là được tiếp tục đi học cùng nhau, "cho đến hết các lớp, học cao, cao lên nữa", trong một ngôi trường không có bạn học nào chê bai hay cười nhạo.

Hoàng Xuân
Hoàng Việt
KingPro
BiMaxx
Theo Trí Thức Trẻ1/6/2017