Khoảng thời gian nghỉ lễ kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các gia đình đi chơi, sum họp kết hợp ăn uống. Theo chuyên gia khi đi tới một nơi xa, ăn các đồ ăn lạ, nguy cơ dị ứng sẽ luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, khi các cơ quan trong cơ thể chưa hoàn thiện, nguy cơ dị ứng sẽ rất cao.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện y học ứng dụng cho biết dị ứng thực phẩm diễn ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với những chất có trong thực phẩm, thường là protein, mà cơ thể cho là những chất gây hại. Các loại thức ăn khác nhau thường gây ra tình trạng dị ứng cho từng lứa tuổi khác nhau. Người ta thấy rằng, sữa, trứng gà và đậu phộng thường gây ra dị ứng cho trẻ em. Còn nghêu sò, cá biển, đậu phộng... hay gây ra dị ứng cho người lớn.
Phần lớn các trường hợp dị ứng với thức ăn đều xảy ra trong lần ăn đầu tiên. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc phòng ngừa và điều trị dị ứng với thực phẩm.
Theo bác sĩ Sơn, khi đi du lịch tại các vùng biển nếu ăn các loại hải sản, động vật có vỏ (tôm, cua), động vật nhuyễn thể (mực, sứa, ngao, sò…), các loại cá biển đều có nguy cơ bị dị ứng. Do vậy, người có tiền sử dị ứng hải sản nên tránh xa khu vực chế biến hải sản vì nhiều người chỉ cần hít phải hơi của loại thức ăn này cũng có thể bị dị ứng, thậm chí, dùng chung bát đĩa đựng hải sản của người khác cũng có thể gây dị ứng.
Ăn hải sản sống có thể tăng nguy cơ dị ứng và nhiễm ký sinh trùng (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Ngoài ra, còn có một số loại dị ứng thực phẩm khác, hiếm gặp hơn, ví dụ như dị ứng dứa, dị ứng dọc mùng…
Đối với người lớn, ngoài dị ứng hải sản còn có thể xảy ra dị ứng với các loại hạt ví dụ như: hạt dẻ, hạt điều, hạnh nhân, óc chó, hạt dẻ cười, đậu phộng (lạc). Đây là nhóm thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng lớn nhất, chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ gây ra phản ứng dị ứng. Dị ứng với lạc, hạt điều thường là những trường hợp nặng, có thể gây sốc phản vệ.
Dị ứng thường gặp nhất ở trẻ em là dị ứng với trứng, sữa. Nguyên nhân dị ứng trứng là do các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng trứng, trong đó có 3 loại chính là ovomucoid, ovalbumin và conalbumin.
Với sữa, trẻ bị dị ứng với một trong hai hoặc cả hai) loại protein có trong sữa bò là casein và đạm whey. Trẻ bị dị ứng sữa bò thường cũng sẽ bị dị ứng với sữa dê, sữa cừu.
Ngoài vấn đề về dị ứng thức ăn, GS.TS.BS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội) khuyến cáo việc ăn uống tập trung, thiếu an toàn thực phẩm, thói quen ăn đồ sống, đồ tái cũng làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và gây bệnh.
Trong đó có các thói quen như ăn rau sống, gỏi sống, tiết canh, thịt bò – bê tái, thịt lợn sống lên men chua… Các món kể trên đều là món ăn ngon của các vùng miền. Tuy nhiên, ăn những món ăn không được nấu chín sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Phòng ngừa bệnh từ miệng vào
Để phòng ngừa bệnh liên quan tới ký sinh trùng GS Đề cho biết mọi người cần phải ăn chín uống sôi, không nên ăn đồ sống và chỉ ăn các thực phẩm khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ.
Liên quan tới vấn đề dị ứng, theo bác sĩ Sơn khi đi chơi xa, một điều không thể tránh khỏi là sẽ phải ăn uống ở ngoài, vì vậy nguy cơ dị ứng thực phẩm là rất cao. Do đó, trước khi ăn, gọi món, người dân cần hỏi rõ về các thành phần có trong món ăn. Nếu tự nấu ăn tại địa điểm du lịch, trước hết, mọi người cần chia sẻ với người thân, bạn bè về tình trạng dị ứng thực phẩm của mình để mọi người cùng biết và chú ý hơn.
Khi sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn, cần đọc kỹ nhãn thực phẩm bởi nhà sản xuất thường sẽ thay đổi tên gọi hoặc thay đổi công thức.
*Đọc thêm bài phỏng vấn chuyên môn TS.BS Trương Hồng Sơn TẠI ĐÂY.