Rau cải cúc còn có tên tần ô. Không chỉ làm rau ăn, còn được xem là vị thuốc chữa bệnh hiệu quả. Rau cải cúc có mùi thơm mát, có thể ăn sống như xà lách, chế dầu xốt cà chua, bóp giấm, ăn với lẩu, nấu canh thịt, cá, đặc biệt món cá thát lát nấu với tần ô rất ngon, được nhiều người ưa thích.
Theo y học cổ truyền, rau tần ô vị ngọt nhạt, hơi đắng the, mùi thơm, tính mát. Tác dụng kiện tỳ vị, tiêu đàm, giáng hỏa. Chữa ho lâu ngày, viêm họng, đau mắt, đau đầu, thổ huyết. Rau tần ô chứa protid; glucid, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin B1, C, A đều là dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Rau tần ô mềm, rất thích hợp với người già và trẻ em.
Dưới đây là một số món ăn bài thuốc từ tần ô có tác dụng chữa bệnh:
Chữa phế nhiệt ho khan: rau tần ô 100g hoặc hơn, cá khoai, gia vị vừa đủ nấu thành canh, ăn tuần vài lần.
Chữa bệnh tỳ vị hư ăn không ngon: rau tần ô 150g, thịt cá lóc 50g, gừng, hành ngũ gia vị vừa đủ nấu canh ăn.Cháo rau tần ô chữa ngoại cảm, ho, đau họng.
Chữa đau đầu ngoại cảm và nội thương: rau tần ô 150g sắc uống hoặc nấu canh ăn.
Chữa tăng huyết áp, đau đầu: rau tần ô 100g, cá thát lát 100g, gừng, hành gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Chữa ngoại cảm ho đau họng: rau tần ô 100g rửa sạch thái nhỏ cho vào bát tô, đổ cháo nóng lên độ 5 - 10 phút, cho thêm gừng hành gia vị vừa đủ trộn đều, ăn khi cháo còn nóng cho ra mồ hôi.
Chữa trẻ ho lâu ngày: rau tần ô 100g rửa sạch, thái nhỏ, cho ớt, mật ong, gừng hấp cách thủy lấy nước thuốc chia ra làm nhiều lần để trẻ uống.
Chữa nhức đầu kinh niên: rau tần ô một nắm hơ nóng đắp lên hai bên thái dương vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc lúc thấy nhức đầu. Đồng thời nấu nước rau tần ô uống.
Chữa đau mắt đỏ: rau tần ô 150g, cá diếc 1-2 con, hành, gia vị vừa đủ nấu canh ăn.
Chữa chứng chảy máu cam: rau tần ô 100g, cà chua, gan lợn, hành, gia vị vừa đủ làm sốt cà chua với gan lợn, chấm rau tần ô ăn hoặc phối hợp rau tần với gan lợn ăn.
Lưu ý: rau tần ô dễ bị nhiễm trứng giun nên nấu canh ăn chín. Nếu ăn sống, bóp giấm, sốt cà phải rửa thật sạch.