Cuộc hôn nhân Việt - Nhật
Thôn Vĩnh Thanh (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) vào một chiều cuối tháng Giêng. Trong căn nhà ba gian nhỏ cũ kĩ, dù năm nay bước sang tuổi 94, dáng hình nhỏ bé nhưng cụ bà Nguyễn Thị Xuân vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh.
Đôi mắt bà sáng và giọng nói có phần lưu loát, rành mạch hơn khi chúng tôi nhắc đến cụ ông Shimizu (tên tiếng Việt là Nguyễn Văn Đức), người chồng Nhật Bản mà bà đã lấy cách đây hơn 70 năm.
Theo bà Xuân, gia đình bà vốn là người gốc ở khu Cầu Đất (Hải Phòng). Vào những năm 1941 - 1942, khi quân Nhật Bản sang chiếm đóng Việt Nam, bà làm thuê cho một hàng ăn chuyên bán cho lính Nhật.
Tại quán ăn này, vào năm 1943, bà gặp ông Shimizu, người đàn ông mà theo bà, nói tiếng Việt rất thành thạo và hiền lành, tử tế.
Bà Nguyễn Thị Xuân bên bức ảnh của hai ông bà.
"Ông ấy lớn hơn tôi khoảng 3 - 4 tuổi. Khi đó ông ấy hỏi tôi, Xuân đã lập gia đình chưa, tôi trả lời chưa, vậy là ông ấy bảo tiếp luôn, thế thì tôi xin cưới Xuân nhé.
Chỉ có thế thôi mà tôi yêu ông ấy rồi chẳng bao lâu sau, chúng tôi kết hôn", bà Xuân kể và nhìn vào tấm ảnh của ông.
Theo bà Xuân, vì gia cảnh của cả hai đều khó khăn nên vợ chồng trẻ chỉ có thể mời khách bằng một chút bánh quy và kẹo trong đám cưới nhỏ.
"Ông nhà tôi hiền lắm, lấy nhau, ở với nhau mấy năm trời nhưng không bao giờ ông ấy mắng, thậm chí nói to lấy một câu.
Nhiều lúc, thấy tôi hay mọi người nói chuyện hơi to với nhau là ông ấy nhắc ngay, bảo nói chuyện thì nên nói vừa phải, đủ nghe thôi", bà Xuân nhớ lại.
Lấy nhau được một thời gian ngắn thì quân đội Nhật Bản thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ 2 và phải giải giáp nhưng ông Shimizu cùng khoảng 700 lính Nhật vẫn ở lại Việt Nam.
Bức ảnh hai ông bà chụp chung hồi năm 2006.
"Biết ông nhà tôi là người nói thành thạo tiếng Việt lại có kinh nghiệm nên lúc đó, Quốc dân Đảng nhiều lần đến tìm, mời gia nhập nhưng ông ấy luôn né tránh, dứt khoát từ chối.
Sau đó, thấy được tư tưởng tiến bộ, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ, ông ấy đã gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp đỡ Việt Minh, cách mạng, huấn luyện bộ đội trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp", bà Xuân cho biết.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mặc dù nhiều lần tìm cách "lẩn trốn" nhưng ông Shimizu vẫn nằm trong số binh lính đầu tiên mà Chính phủ Nhật ra lệnh phải trở về nước.
"Lúc đó, tôi đang mang thai người con thứ 4, mặc dù nhiều lần trốn, không đồng ý trở về nước vì Chính phủ Nhật từ chối chấp nhận vợ hoặc con cái người Việt Nam nhưng sau đó, ông ấy buộc phải về, từ giã tôi.
Tôi còn nhớ, lúc đó, ông ấy yêu cầu phải được chụp ảnh với tôi cùng các con thì mới đồng ý về nước. Đến lúc chia tay, chỉ nói được với nhau là lần chia tay này không biết đến bao giờ gặp lại, phải cố gắng", bà Xuân bùi ngùi.
Cuộc gặp cuối cùng sau hơn 50 năm
Sau khi ông Shimizu về nước, hai người đã mất liên lạc. Một mình bà Xuân phải tần tảo nuôi dưỡng các con khôn lớn trong hoàn cảnh khó khăn nhưng bà vẫn giữ vững niềm tin, tình yêu dành cho ông.
"Lúc còn kháng chiến thì tôi tham gia phục vụ, làm y tá, Sau đó, tôi làm thuê, rồi về đây làm nông nghiệp để nuôi nấng các con. Một người con của chúng tôi do mắc bệnh hiểm nghèo nên không may qua đời từ lúc còn nhỏ.
Còn lại 4 mẹ con, mặc dù khó khăn, vất vả không thể có từ ngữ nào kể nổi nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua, theo lời dặn của ông ấy.
Tôi cũng luôn nhớ ông ấy và làm một cái gối từ chiếc áo khoác nhà binh mà ông để lại. Điều đó nghĩa là ông ấy luôn luôn ở với tôi, trong giấc ngủ của tôi", bà Xuân nói.
Bà Xuân và bức thư của chồng gửi cho gia đình.
Sau 52 năm mất liên lạc, đến năm 2006, nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà báo người Nhật Bản, một cuộc gặp lịch sử của hai ông bà đã diễn ra.
"Tôi vẫn luôn nghĩ, mong hai vợ chồng sẽ gặp lại nhau và sự thật đã được như thế. Thời điểm đó, những nhà báo người Nhật đã giúp đỡ chúng tôi tìm thấy nhau và đưa ông ấy về Việt Nam để gia đình đoàn tụ.
Ông ấy đã tái hôn và trong chuyến trở về năm 2006, bà ấy cũng đã về cùng để thăm tôi. Bà ấy còn nghĩ tôi giận nên khi gặp ở sân bay, đã kéo tay tôi nắm vào tay ông ấy, rồi đi đâu cũng để chúng tôi đi sát vào.
Nhưng thực sự, tôi đâu có giận gì đâu mà tôi thương ông ấy, bởi ai cũng vậy thôi, cần có bàn tay người phụ nữ chăm sóc chứ ở một mình sao được và chúng tôi cũng đã già rồi thì còn giận dỗi làm gì nữa", bà Xuân nói trong nụ cười tươi.
Cũng theo bà, trong chuyến trở về kéo dài 5 ngày đó, cả gia đình đã quây quần với nhau, ăn những bữa cơm thấm đẫm nụ cười, nước mắt, đi thăm Lăng Bác cùng nhiều điểm di tích ở Hà Nội.
"Các con tôi và ông ấy đã khóc, ôm nhau rất lâu khi gặp lại nhau, mọi người đều nghẹn ngào. Đến khi ra sân bay về nước, hai chúng tôi đã nắm tay nhau và ông ấy nói với tôi là còn gì nữa đây, ý là, giờ đi rồi sẽ không còn gặp lại.
Tôi đáp lại là thôi không phải nghĩ gì nữa, tiếc cũng chả để làm gì và nhớ ông tôi sẽ gọi tên ông. Ông ấy không nói gì nữa và chúng tôi chia tay...", bà Xuân chia sẻ.
Sau cuộc gặp năm 2006 đến nay, hai người đã không còn liên lạc được với nhau vì theo bà Xuân, sức khỏe của ông Shimizu đã quá yếu, đi đâu cũng cần rất nhiều người chăm sóc.
"Gia đình cũng không có điều kiện để sang Nhật thăm ông ấy nhưng với tôi ở tuổi này rồi thì nói thật là khó có thể đi nổi. Giờ tôi vẫn luôn nghĩ và coi ông ấy là một ngôi sao sáng luôn ở bên cạnh mình.
Còn tôi cũng đã nói với ông ấy rồi là bao giờ chúng tôi chết, tôi sẽ sang đó, nắm chặt tay ông ấy và không để vợ chồng phải xa cách nữa...", bà Xuân nói về nhìn ra phía tấm ảnh chụp chung của ông bà.
Theo chương trình, chuyến thăm của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko tới Việt Nam vào ngày 28/2 tới đây, vợ chồng Nhật Hoàng sẽ có cuộc gặp gỡ một số gia đình, trong đó, có gia đình bà Nguyễn Thị Xuân tại Hà Nội.
Cụ Nguyễn Thị Xuân, 94 tuổi vẫn chung tình với chồng lính Nhật sau hơn nửa thế kỷ