" Thổ Nhĩ Kỳ đang thách thức cả đồng minh lẫn kẻ thù", tờ France24 nhận định trong một bài phân tích về chính sách đối ngoại hiện tại của Ankara ở "chảo lửa" Libya.
Bất chấp những lời kêu gọi giảm xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang "thêm dầu vào lửa" trong cuộc chiến ở quốc gia Bắc Phi và không nể mặt bất kỳ thế lực nào để bằng mọi giá đạt được mục đích của mình.
"Vuốt râu hùm" không chừa ai
Vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên trong năm ngoái khi các nước châu Âu, Mỹ, EU, NATO, Iran và Nga đều muốn tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ankara. Càng nhiều sự can thiệp, Thổ Nhĩ Kỳ càng trở thành quốc gia nắm giữ chìa khóa giải quyết các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có chuyến thăm tới Tripoli cuối tuần qua, báo hiệu cho vai trò ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của nước này đối với Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA).
Với sự giúp sức thời gian qua, Ankara đã giúp GNA đảo ngược thế cờ khi đẩy lùi các chiến binh đối lập từ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo, được Ai Cập, UAE, Pháp hậu thuẫn.
Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thuyết phục Iran ủng hộ chính sách của mình ở Libya, cũng như hoạt động tấn công người Kurd ở Iraq để đổi lấy việc giúp Iran chống đỡ phần nào các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga và Iran về tiến trình hòa bình ở Syria và mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Trong một chiến lược "hai mang" khôn khéo, Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã quay sang đề nghị Mỹ giúp đối đầu với Nga ở Libya và Idlib. Diễn biến này đã nảy sinh ra những ý tưởng giúp hàn gắn lại quan hệ rạn vỡ giữa hai đồng minh NATO, bao gồm cả đề nghị Mỹ mua lại hệ thống S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng không ngại ngần đe dọa châu Âu khi bắt EU phải trả phí cho những người tị nạn đang ở Thổ Nhĩ Kỳ, bằng không, sẽ có một làn sóng di cư không kiểm soát ập đến lục địa già.
Và khi nói đến Pháp, một trong số ít các quốc gia châu Âu công khai chỉ trích Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã nhận được phần lớn sự ủng hộ của NATO chống lại Pháp.
Để làm được tất cả các điều trên, Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục làm nóng các cuộc xung đột khác nhau, từ Syria cho đến Libya, và sau đó yêu cầu nhượng bộ từ các bên liên quan.
Tháng 10 năm ngoái, Ankara đã đe dọa quân đội Mỹ ở Syria và đề nghị Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng ủng hộ người Kurd, rời khỏi Syria. Tổng thống Mỹ đã đồng ý. Ông Trump thích những thỏa thuận, nhưng trong thỏa thuận lần này, Mỹ không có gì và Ankara có mọi thứ.
Làm nóng xung đột mỗi tháng
Thổ Nhĩ Kỳ duy trì mỗi tháng một cuộc xung đột để khiến đối thủ không kịp trở tay.
Theo tờ Jerusalem Post, chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ là "đun nóng" cuộc xung đột đều đặn mỗi tháng để khiến cho đối thủ không kịp trở tay.
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tiến công vào Syria hồi tháng 10 năm ngoái và khiến Mỹ từ bỏ sự ủng hộ đối với người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thành công bằng một thỏa thuận phân chia lợi ích với Nga ở Idlib.
Tiếp theo đó, vào tháng 11 và tháng 12/2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký một thỏa thuận với Libya để thăm dò năng lượng ngoài khơi, áp đặt yêu sách và thách thức trực tiếp Hy Lạp.
Sau đó vào tháng 1 và tháng 2/2020, Thổ Nhĩ Kỳ làm nóng trở lại cuộc xung đột ở Idlib, chống lại quân đội Syria. Đến tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách chấm dứt cuộc khủng hoảng Idlib, nhận được sự nhượng bộ từ Nga và quay trở lại đấu trường Libya.
Vào tháng 4 và tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã xoay chuyển cuộc chiến Libya thành công và sau đó chuyển sang tấn công các nhóm người Kurd ở Iraq vào tháng 6.
Duy trì khủng hoảng mỗi tháng là cách mà Ankara có thể khiến Mỹ, EU, NATO, Nga và Iran bắt buộc phải hợp tác với mình nhiều hơn các quốc gia khác ở Trung Đông . Ankara đang rao bán bản thân như chìa khóa cho mọi cuộc xung đột ở Trung Đông, bằng cách tự can thiệp và sau đó tuyên bố có thể giải quyết xung đột.
Libya bây giờ được ví như viên ngọc quý trên vương miện của Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sử dụng nơi đây để gây áp lực với Ai Cập và Hy Lạp cũng như tìm kiếm sự nhượng bộ từ Nga .
Ankara cũng cho thấy các quốc gia Ả Rập khác, mặc dù khó chịu khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục leo thang, nhưng phần lớn không thể ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tiếp tục bị phân tâm bởi vô số cuộc khủng hoảng mà Thổ Nhĩ Kỳ làm nóng lên mỗi tháng.