Hoàng đế vừa ngủ dậy, nói với cung nữ kề cận bên cạnh: “Ngươi đến hầu hạ trẫm, xung long câu”.
Cung nữ mặt mày hớn hở đáp: “Nô tì tuân chỉ”. Những cung nữ đứng bên cạnh khác tỏ vẻ ngưỡng mộ, ghen tị nhưng không dám nói.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ đây là chuyện bí mật cung đình nào đó ghê gớm. Nhưng đây chỉ là một thói quen sinh hoạt thường ngày mỗi khi thức dậy của Hoàng đế - súc miệng.
Hoàng đế là Chân long thiên tử. Đồ vật được Hoàng đế sử dụng cũng có tên gọi riêng. Ví dụ như trang phục của Hoàng đế gọi là long bào, ghế là long ỷ, hoặc gắn thêm từ “ngự” như ngự thiện (bữa ăn của Hoàng đế)... hoặc đơn giản nhất, hành động súc miệng được gọi là “xung long câu”.
Cung nữ chỉ chờ chực đến khi Hoàng đế tỉnh dậy thì tranh giành nhau để hầu hạ, như thể giành trân châu đá quý. Đương nhiên, việc này đều chứa đựng ý đồ lợi ích bên trong.
Những cung nữ giành hầu hạ Hoàng đế súc miệng thật ra đang âm thầm đấu đá lẫn nhau sau lưng Chân long thiên tử. Chỉ là họ vẫn bày ra vẻ mặt thật thà tội nghiệp trước mặt Hoàng đế mà thôi.
Thời nhà Thanh, người Mãn Châu bắt đầu “Hán hóa”, vương thân quý tộc địa vị cao hưởng thụ vinh hoa phú quý không ngừng học tập những thói quen sinh hoạt của người Hán. Thời bấy giờ, người ta không có thói quen đánh răng hay kem đánh răng và bàn chải như người thời nay, nhưng họ vẫn rất chú ý đến vấn đề răng miệng. Súc miệng chính là cách làm sạch răng miệng phổ biến và có hiệu quả nhất khi đó.
Thật ra, "xung long câu" chính là thói quen làm sạch răng miệng của tộc người Mãn, chứ không chỉ riêng Hoàng đế. Song người bình thường đương nhiên không dám gọi hành động này là "xung long câu" trong khi hình thức vẫn như nhau.
Mỗi buổi sáng, Hoàng đế thức dậy, cung nữ đúng giờ ngâm nước trà thơm, chuẩn bị thêm nước ấm rồi dâng lên để Hoàng đế súc miệng. Cách này có thể giúp khoang miệng và hơi thở của Hoàng đế luôn thơm tho và sạch sẽ, tránh gây mùi khó chịu.
Bạn nghĩ đây là việc đơn giản, nhưng lại là phần nhiệm vụ khó khăn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng đối với các cung nữ. Vì nếu nước súc miệng quá nóng hoặc quá lạnh, Hoàng đế sẽ tức giận, cung nữ phụ trách đương nhiên chịu trách nhiệm cho sơ suất này.
Công việc nguy hiểm là thế, nhưng nhiều cung nữ vẫn tranh nhau để làm. Vì sao lại như vậy?
Thật ra vấn đề nằm ở công đoạn chuẩn bị nước trà. Hoàng đế cũng được xem là người giàu có nhất thiên hạ thời bấy giờ, đương nhiên lá trà sử dụng ngâm nước trà súc miệng cũng phải thuộc loại ngon nhất.
Nước trà ngâm thơm ngát, thích hợp để làm sạch khoang miệng, tiêu trừ mùi hôi. Hơn nữa, loại trà này chỉ được ngâm nhiều nhất 2 lần, sang lần ngâm thứ 3 sẽ không còn mùi thơm. Vì vậy sau 2 lần ngâm, phần lá trà này đều bị đổ đi hết. Hơn nữa loại trà này không thể mua ở bất cứ đâu, vì đây là hàng chuyên dụng của Hoàng thất.
Một sự thật không thể chối cãi là những món đồ được Hoàng đế sử dụng lúc nào cũng quý giá hơn bình thường. Và phần lá trà đã được Hoàng đế sử dụng cũng vậy.
Vì vậy, những cung nữ phụ trách "xung long câu" đều lén thu thập lá trà đã ngâm, sau đó phơi khô. Mỗi lần gom một ít, “góp gió thành bão”. Bằng nhiều đường dây khác nhau, các cung nữ sẽ bán số trà khô thượng hạng “mang tiếng được Hoàng đế sử dụng” này bán ra ngoài cung.
Mối làm ăn này có thể mang lại thu nhập khả quan cho cung nữ. Dù gì ngự trà được sử dụng bởi Hoàng đế “cung ít hơn cầu” ở thị trường bên ngoài. Giới quý tộc cũng muốn nếm thử trà của Hoàng đế từng dùng. Do đó, dù là số lượng ít ỏi nhưng các cung nữ phụ trách "xung long câu" luôn đắt hàng, không đủ nguồn cung.
Cung nữ sống trong cung cả đời chắt chiu cũng không kiếm được bao nhiêu, dựa vào nghề này để cuộc sống đủ đầy một chút. Đương nhiên, nếu việc này bị lộ ra, cung nữ sẽ bị nghiêm trị thích đáng, khó giữ được mạng sống.
Trên thực tế, không phải cung nữ nào cũng được diễm phúc nhìn thấy mặt Hoàng đế, chứ đừng nói đến đích thân hầu hạ. Do đó, nếu có cơ hội phụ trách "xung long câu" cho Hoàng đế thì phải chớp lấy ngay.
Hơn nữa, cơ hội tiếp xúc gần với Hoàng đế nhiều hơn thì khả năng nhận được ân sủng cũng nhiều hơn. Khi đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế thì một bước lên mây, trở thành một vị chủ tử trong hậu cung.
Hoàng đế thức dậy vào lúc 5 giờ sáng. Có cung nữ xinh đẹp hầu hạ rửa mặt súc miệng, sau đó tinh thần sảng khoái. Cung nữ lúc này dễ dàng nằm trong tầm ngắm của Hoàng đế. Do đó, cung nữ nào cũng muốn tranh giành phụ trách "xung long câu" cho Chân mệnh thiên tử.
Nguồn: Sohu