Theo tờ Politico, việc Ukraine từ chối từ bỏ thành phố Artyomovsk (được biết đến với tên gọi Bakhmut) bị bao vây đã khiến một số quan chức chính quyền Tổng thống Biden lo ngại rằng họ đang “tiêu tốn quá nhiều nhân lực và đạn dược” đến mức không thể tổ chức một cuộc phản công chống lại lực lượng Nga ở những nơi khác.
Mặc dù Lầu Năm Góc cho rằng việc chiếm giữ thành phố Bakhmut không quan trọng về mặt chiến lược đối với Ukraine, nhưng "Kiev hiện đã phớt lờ ý kiến của Washington", nguồn tin nêu rõ.
Bất đồng giữa Washington và Kiev về giá trị của thành phố Bakhmut đã được truyền thông Mỹ đưa tin, nhưng đó chỉ là một lĩnh vực bất đồng được Politico nhấn mạnh. Thái độ của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đối với sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ là một điều khác. Trong khi Mỹ đã cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la từ quỹ 113 tỷ đô la, Tổng thống Zelensky vẫn nhiều lần yêu cầu nhiều hơn nữa.
“Đã có những lời phàn nàn về những yêu cầu liên tục và đôi khi, ông Zelensky không thể hiện lòng biết ơn thích đáng,” tờ Politico dẫn lời hai quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết.
Tổng thống Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng Mỹ sẽ tiếp tục đưa vũ khí của mình vào Ukraine “chừng nào còn cần thiết” và rằng một mình Kiev sẽ quyết định khi nào nên ngồi xuống đàm phán hòa bình với Nga. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ được cho là đang rất lo lắng về lời cam kết chiếm lại bán đảo Crimea của Tổng thống Zelensky. Những quan chức này cho rằng, lời cam kết đó sẽ chỉ khiến “cuộc chiến tranh bị kéo dài” và có thể châm ngòi cho “hành động leo thang nghiêm trọng từ Moscow”.
Thông tin được đăng tải trên tờ Politico không phải là dấu hiệu đầu tiên cho thấy Washington không ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Zelensky trong việc giành lại bán đảo Crimea – một bán đảo đã được sáp nhập vào năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý với đa số người dân ủng hộ hành động này. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Tướng Mark Milley đã cảnh báo vào tháng 1 rằng việc tấn công bán đảo Crimea sẽ “rất, rất khó khăn”, trong khi Lầu Năm Góc được cho là đã nói với Quốc hội Mỹ rằng Ukraine thiếu khả năng tiến hành một chiến dịch như vậy ngay từ đầu.
“Tổng thống Biden tiếp tục nhắc đi nhắc lại tuyên bố của ông này về việc Mỹ sẽ để lại mọi quyết định về chiến tranh và hòa bình cho Tổng thống Zelensky. “Tuy nhiên, khắp Washington đã bắt đầu xì xào bàn tán về việc tuyên bố đó sẽ còn có thể giữ vững đến mức nào khi chiến tranh tiếp diễn”, tờ Politico cho hay.
Bộ máy ra quyết định của Ukraine cũng đã bị các nhân viên tình báo Mỹ nghi ngờ. Các nhân viên tình báo Mỹ đã nói với tờ New York Times vào tuần trước rằng một “nhóm thân Ukraine” đứng đằng sau vụ tấn công vào tháng 9/2022 nhằm vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương Bắc (Nord Stream). Mặc dù các nhân viên tình báo Mỹ nhấn mạnh rằng chính phủ của Tổng thống Zelensky không liên quan nhưng tờ Politico cho rằng chính quyền của Tổng thống Biden đã phát đi tín hiệu với Kiev rằng “bạo lực bên ngoài đường biên giới Ukraine sẽ không được dung thứ”.
Bài báo của New York Times mâu thuẫn với báo cáo trước đó của nhà báo Seymour Hersh, người đã đổ lỗi các vụ nổ cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden và CIA. Moscow miêu tả bài báo của New York Times là một "trò lừa bịp có phối hợp" nhằm chuyển lỗi lầm khỏi Mỹ và chuyển sang cho phía Ukraine.