Mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn

Khánh Ngọc |

Theo Vụ Chăm sóc bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức trong khó đó hơn 50% là có thai ngoài ý muốn.

Theo ông Đinh Anh Tuấn – Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Bộ Y tế, mỗi năm trên thế giới có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn và 42 triệu ca kết thúc bằng phá thai trong đó có tới 20-22 triệu ca phá thai không an toàn (98% ở các nước đang phát triển, 10,5 triệu ca ở châu Á).

13% số ca tử vong mẹ là do phá thai không an toàn (tương đương 47.000 ca tử vong mẹ).

Mỗi phút có 38 ca phá thai không an toàn, 8 phút lại có 01 ca chết mẹ do phá thai không an toàn.

Không những thế, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có khoảng 5 triệu phụ nữ tàn tật do các biến chứng của phá thai không an toàn.

Hiện nay, các chuyên gia về sản phụ khoa cho biết không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ phá thai giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển (29/1000 PN độ tuổi sinh đẻ so với 24/1000), tuy nhiên phá thai không an toàn lại chủ yếu xảy ra ở các nước đang phát triển.

Cụ thể: ở Mỹ có tỷ lệ tử vong do tai biến do phá thai là 0.6 tức là chưa đến 1 trường hợp tử vong /100.000 ca phá thai thì ở các nước đang phát triển thì tỷ lệ này là 220/ 100.000 (cao gấp 350 lần so với Mỹ). Thậm chí có những vùng như Tây Sahara ở Châu Phi là 460/100.000.

Phá thai không an toàn có liên quan mật thiết đến mức độ cởi mở của Luật pháp có cho phép phá thai hay không.

Ông Tuấn đưa ra con số cụ thể tại Nam Phi sau khi phá thai được pháp luật cho phép vào (1997) tử vong mẹ do tai biến do phá thai đã giảm 91% trong giai đoạn 1998-2001 so với giai đoạn 1994 là thời kỳ trước khi phá thai được pháp luật cho phép.

Chính vì thế, việc pháp luật hạn chế hoặc cấm phá thai cũng hoàn toàn không giúp làm giảm tỷ lệ phá thai (các nước Mỹ La tinh là nơi pháp luật cấm phá thai có tỷ lệ phá thai 32/1000 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong khi ở các nước Tây Âu là nơi pháp luật cởi mở hơn đối với phá thai thì tỷ lệ này chỉ có 12%) .

Còn tại Việt Nam, theo ông Tuấn hàng năm có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tỷ số phá thai đã giảm nhưng vẫn còn cao.

Nguyên nhân chủ yếu là có thai ngoài ý muốn, trong đó không áp dụng biện pháp tránh thai lên tới 55,6%, thất bại của các biện pháp tránh thai là 39,5% do các yếu tố như sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả.

Theo ông Tuấn, trung bình một người phụ nữ có 2 con thì cũng 2 lần nạo phá thai. Đáng chú ý, tỉ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%.

Trong khi đó, dịch vụ phá thai đang phải đối mặt với nhiều thách thức: từ thực hành phòng chống nhiễm khuẩn kém; hầu như không thực hiện giảm đau trong thủ thuật, kovac là thủ thuật chủ yếu để phá thai 3 tháng giữa (16-20 tuần); chưa có kỹ thuật để giải quyết phá thai từ 13-16 tuần tuổi; hướng dẫn kỹ thuật phá thai còn sơ sài; tư vấn và yêu cầu cung cấp thông tin không đầy đủ; chưa quan tâm tới cuộc sống sau phá thai, đặc biệt là cung cấp biện pháp tránh thai cho khách hàng sau phá thai…

Hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê cho biết, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người.

Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028.

Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2016 là 77,6%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 66,8%.

Nhân Ngày tránh thai Thế giới (26/9), các chuyên gia đưa ra thông điệp với các chị em phụ nữ:

1. Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

2. Phá thai không phải là biện pháp tránh thai. Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để phòng mang thai ngoài ý muốn.

3. Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.

4. Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.

5. Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.

6. Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp bạn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.

7. Thực hiện gia đình hai con, để nuôi khỏe dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại