Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong Luật mới được thông qua, Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Luật cũng cho phép ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.
Trong khi đó, Luật quy định cấm việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức.
Hồi tháng 11/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 67/2023/TT-BTC hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm với nhiều nội dung mới. Trong đó, thông tư cấm tổ chức tín dụng tư vấn, giới thiệu, chào bán bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước 60 ngày và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Thông tư này bổ sung loạt quy định tăng cường hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc giám sát và kiểm soát chất lượng của hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm phải giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm của các nhân viên tổ chức hoạt động đại lý.
Doanh nghiệp bảo hiểm kịp thời phối hợp với tổ chức hoạt động đại lý để kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của bên mua bảo hiểm liên quan đến việc tư vấn của nhân viên tổ chức hoạt động đại lý và xử lý vi phạm (nếu có).
Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để tư vấn, bán bảo hiểm. Khu vực này phải tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 67 cũng yêu cầu, ngân hàng không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp ký hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho khách hàng trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Việc cấm này áp dụng với loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư gồm: bảo hiểm liên kết chung và bảo hiểm liên kết đơn vị.
Doanh thu bán bảo hiểm qua ngân hàng giảm mạnh
Hồi tháng đầu năm ngoái, thị trường bảo hiểm nhân thọ "dậy sóng" với những chỉ trích của nhiều khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance). Tổng Giám đốc của một công ty bảo hiểm đã phải đích thân xin lỗi khách hàng là một nữ diễn viên nổi tiếng trong sự vụ trên.
Trước khi có sự kiện này, Ngân hàng Quân đội (MB) có doanh số khai thác mới trong 2022 cao nhất với hơn 2.100 tỷ đồng. Cùng năm, xếp sau MB là ba nhà băng có thế mạnh về cho vay bán lẻ, gồm VIB, Sacombank và ACB. Mỗi ngân hàng này bán được 1.700-1.800 tỷ đồng doanh số bảo hiểm mới. Ngoài ra, những đơn vị còn lại thu được hơn 1.000 tỷ từ doanh số mới là Vietcombank, Techcombank, VPBank, HDBank và VietinBank.
Đến 9 tháng đầu 2023, có ngân hàng giảm tới 80% thu nhập từ hoạt động bán bảo hiểm. MB, ngân hàng dẫn đầu trong danh sách, đã chứng kiến doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm giảm 16,9%, còn 5.989 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Với SeABank, bảo hiểm từng chiếm gần 30% nguồn thu từ dịch vụ vào năm 2022, thì trong nửa đầu năm 2023, nguồn thu này giảm hơn 81% so với cùng kỳ.
Theo ước tính từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 227.596 tỷ đồng. IAV không cung cấp con số cụ thể về doanh thu phí bảo hiểm của năm 2022 để làm mốc so sánh.
Tuy nhiên, khi so sánh với kết quả thống kê của Bộ Tài chính cho năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm đã sụt giảm 8,1%. Mức sụt giảm này chủ yếu đến từ sự yếu kém của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ sau cuộc khủng hoảng niềm tin hồi đầu năm.
TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM, từng đánh giá Thông tư 67 sẽ khiến kênh bán chéo bảo hiểm tiếp tục gặp khó.
"Không có cửa nào sáng, đặc biệt là hoạt động bancassurance", ông Huân nhận định. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng người dân Việt Nam mua bảo hiểm chủ yếu vì bị ép buộc chứ chủ động thì chưa nhiều. Nếu doanh nghiệp, ngân hàng tư vấn một cách thực chất thì sẽ có rất ít người mua.