Mới đây, nhiều nhóm kín trên mạng xã hội lan truyền thông tin nam sinh Trường THPT Tân Túc (huyện Bình Chánh, TP HCM) đặt camera quay lén ở các vòi xịt nhà vệ sinh nữ.
Bán và sử dụng tràn lan
Vào cuộc xác minh, Công an huyện Bình Chánh xác định thông tin trên là sai sự thật. Sự việc được kết luận là chiều 23-10, nam sinh N.Q.H lớp 12 dùng điện thoại quay lén bạn nữ lớp 11 khi đi xuống căng-tin trường. Dù người bị quay yêu cầu xóa clip nhưng H. tỏ ra không quan tâm. H. sau đó phải viết tường trình nhận lỗi vì quay lén. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, mạng xã hội lại xuất hiện thông tin sai sự thật như đã nêu trên khiến giáo viên, học sinh và phụ huynh hoang mang.
Dù vụ việc trên không có thật nhưng liên tiếp những vụ quay lén bị phát giác gần đây khiến dư luận bức xúc. Đơn cử như ngày 23-6, nữ người mẫu Châu Bùi có buổi chụp ảnh cho một nhãn hàng tại studio ở quận 3, TP HCM. Khi thay trang phục trong nhà vệ sinh, nữ người mẫu nhìn thấy cây sắt trong góc có gắn vật thể hình tròn màu đen dưới lớp khăn trắng. Kiểm tra, Châu Bùi và ê-kíp phát hiện chiếc camera quay lén, vụ việc nhanh chóng được báo công an.
Mấy ngày sau, dư luận cũng xôn xao vụ đặt camera quay lén tại phòng trọ ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội. Theo đó, chị Y. (20 tuổi, quê tỉnh Bắc Giang) phát hiện trong nhà tắm phòng trọ có lắp một camera giấu dưới đèn nhà vệ sinh.
Công an vào cuộc xác định người gắn camera là ông L.V.N (chủ phòng trọ). Ông N. khai nhận xuất phát từ việc muốn xem lén phụ nữ tắm nên đã lên mạng xã hội đặt mua 3 bộ camera về lắp vào phòng tắm tại tầng 5.
Điều đáng lo ngại là hiện nhiều loại camera quay lén được ngụy trang tinh vi đang được mua bán công khai trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chỉ cần gõ vào công cụ tìm kiếm của Facebook, TikTok, Google... lập tức hiện ra vô số camera quay lén gắn ở đầu bút bi, đồng hồ, cục sạc điện thoại, bật lửa... với mức giá dao động từ 300.000 đồng đến 3 triệu đồng.
Phóng viên thử liên hệ một số trang web chuyên kinh doanh camera, thiết bị giám sát thì được biết các loại camera quay lén được ngụy trang dưới nhiều hình dạng khác nhau, có khả năng quay hình và ghi âm chất lượng cao, một số loại có chức năng kết nối WiFi để chuyển trực tiếp hình ảnh ra bên ngoài. "Camera quay lén đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chúng tôi luôn có sẵn để bán cho khách" - một chủ cửa hàng nói. Chủ cửa hàng này còn cho hay sẽ tích hợp camera vào bất cứ vật dụng nào theo yêu cầu của khách.
Xử nghiêm để răn đe
Đến nay, chị N.T.M.D (28 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn còn bức xúc việc bản thân từng bị quay lén tại một cây xăng.
"Hôm đó tôi cùng nhóm bạn đi xe khách về miền Trung. Giữa đường, xe dừng ở một cây xăng để khách đi vệ sinh thì tôi phát hiện camera gắn ở bóng đèn. Ngay lập tức, tôi gọi hỗ trợ và lực lượng chức năng sau đó đã xử phạt, yêu cầu người đàn ông gắn camera quay lén gỡ bỏ video, hình ảnh" - chị D. kể.
Theo ThS Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn tâm lý The Sight, việc thu thập trái phép hình ảnh nhạy cảm của người khác là vi phạm pháp luật, gây tổn thương nặng nề về sức khỏe tinh thần cho nạn nhân, nhất là khi hình ảnh bị phát tán trên mạng.
Một số phụ nữ, trẻ em sẽ luôn thấy bất an ở bất cứ đâu. Điều này cũng dẫn đến sự khủng hoảng, trầm cảm và gây ảnh hưởng tới công việc, gia đình. Có người sau khi bị quay lén đã thu mình, thường xuyên phải đến bệnh viện, sử dụng thuốc để ổn định tâm lý. Chưa kể họ có ý định tự sát vì hoảng loạn.
Hiện nay, mỗi người cần chuẩn bị các kỹ năng để bảo vệ bản thân trước các thiết bị quay lén. Theo đó cần phải kiểm tra kỹ khi vào nhà vệ sinh công cộng, phòng trọ, khách sạn... bởi các thiết bị quay lén được ngụy trang rất tinh vi.
Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, nhìn nhận hiện việc kinh doanh, buôn bán các loại thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật đã được pháp luật quy định chặt chẽ tại Nghị định 66/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chỉ các cơ sở được cấp phép bởi Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh được cấp phép chỉ được bán các thiết bị này cho một số cơ quan chuyên trách mà không được phép bán cho cá nhân thông thường. Việc kinh doanh các loại camera quay lén, thiết bị ghi hình, ghi âm bí mật mà chưa được cấp phép có thể bị xử phạt từ 10 đến 20 triệu đồng đối với cá nhân, 20 đến 40 triệu đồng đối với tổ chức.
Hành vi quay lén người khác có thể bị xử lý hành chính về hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật với mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng theo điểm e khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trường hợp người quay lén phát tán, sử dụng các video quay lén vào mục đích xấu thì tùy từng trường hợp có thể bị xử lý hình sự về các tội như cưỡng đoạt tài sản, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy, làm nhục người khác... theo quy định của Bộ Luật Hình sự.
"Một khi video quay lén đã bị phát tán, sử dụng sẽ gây ra những thiệt hại không thể bù đắp được cho nạn nhân, đặc biệt là những tổn thương về mặt tâm lý. Vì vậy, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi quay, chụp lén và xem xét bổ sung các quy định để có thể xử lý hình sự về hành vi quấy rối tình dục đối với các trường hợp quay lén, chụp lén những nơi nhạy cảm…" - luật sư Phùng Huyền nói.