Xã hội ngày càng phát triển, đời sống của con người cũng vậy. Chất lượng cuộc sống hiện nay ngày càng tốt hơn.
Có thể thấy điều này bằng cách nhìn vào chiếc TV nhà bạn. Tầm 20 năm trước, TV là một xa xỉ phẩm, nhà nào có TV thì cứ phải gọi là oách nhất xóm. Còn bây giờ thì sao? Có khi các thánh còn chả thèm xem TV ấy chứ...
Giờ phải như này mới gọi là sành điệu
Tuy nhiên, hiện đại quá thì cũng hại điện. Cuộc sống thời hiện đại đã vô tình khiến cho chúng ta mắc phải một số thói quen không hề có lợi, thậm chí là nguy hiểm cho sức khỏe.
1. Chạm vào hóa đơn bằng tay trần
Đi shopping hay đi siêu thị, thứ bạn nhận được kèm với hàng hoá chính là hoá đơn. Điều này xét cho cùng cũng chẳng quan trọng, nếu nó không gây ra hậu quả gì hết.
Nhưng rất tiếc là có, thậm chí hậu quả có thể nguy hiểm nữa cơ. Đó là vì các loại giấy in hoá đơn có thể chứa chất BPA (bisphenol A).
Các loại hoá đơn có thể chứa BPA - một hoá chất nguy hiểm.
BPA là một hoá chất tổng hợp, từng được dùng trong công nghiệp sản xuất các chai nhựa cứng và bình đựng sữa cho trẻ em từ những năm 1960.
Và đây là một hoá chất rất độc hại, có thể gây rối loạn nội tiết tố, gây vô sinh, suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí là ung thư. Đặc biệt, nó có thể xâm nhập vào cơ thể chỉ qua việc tiếp xúc bằng tay.
Nguy hiểm hơn, các loại nước rửa tay hiện nay cũng chứa những hóa chất làm tăng độ hòa tan và thẩm thấu của BPA trong hóa đơn vào tay chúng ta.
Ý thức được tác hại của BPA, một số nhà sản xuất giấy in nhiệt chuyển sang một loại nhựa khác được đánh giá là an toàn: BPS - hay Bisphenol S.
Tuy nhiên, đã từng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc với BPS có thể tăng sự hình thành của tế bào mỡ, và tất nhiên là không hề tốt cho sức khoẻ.
Chọn đồ nhựa có nhãn BPA Free
Vì thế, sau này tốt nhất bạn nên hạn chế nhận biên lai nếu không cần thiết. Ngoài ra, tránh sử dụng nước rửa tay và các loại kem mỹ phẩm trước khi nhận hóa đơn, đồng thời nên rửa tay sau khi chạm vào chúng.
Còn một lưu ý nữa, là hãy lựa chọn đồ nhựa có nhãn "BPA free", đặc biệt là khi đối với đồ đựng thực phẩm cho trẻ em.
2. Ngồi quá nhiều
Sự thật là chúng ta đang ngồi quá nhiều! Một phần vì tính chất công việc, nhưng có lẽ phần nhiều là do thói quen. Kể cả khi không phải làm việc, chúng ta vẫn cứ ngồi: ngồi ăn tối, ngồi xem TV. Lúc đọc những dòng này, chắc bạn cũng ngồi nốt.
Còn hậu quả của việc ngồi nhiều là gì? Chính là tuổi thọ của bạn bị rút ngắn. Theo một nghiên cứu tại Anh, việc ngồi nhiều hơn 11h/ngày sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của bạn lên tới 40% so với những người chỉ ngồi 4 tiếng.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngồi nhiều khiến enzyme phân giải chất béo giảm xuống - chính là lý do khiến bạn bỗng nhiên "chửa" một bé mỡ cực kỳ đẹp trai. Đồng thời, nguy cơ đột quỵ, đau tim cũng theo đó mà nhảy vọt lên.
Cũng may, các chuyên gia cũng tìm ra một số cách để đảo ngược tác hại của quá trình ngồi nhiều. Nếu quan tâm, các bạn có thể vào đây hoặc đây để biết thêm chi tiết nhé.
3. Cắm mặt vào điện thoại cả ngày
Cái này chắc không phải thói quen, mà là lẽ sống mất rồi. Nhịn ăn nhịn mặc không sao! Thử thiếu smartphone với Internet một ngày xem, không vui chút nào đâu.
Có điều, chính vì suốt ngày cắm mặt vào điện thoại di động mà thế giới bỗng dưng có thêm một số từ ngữ mới: "tech nech" và "iHunch" - ám chỉ việc cột sống của bạn có một đường cong kỳ lạ, thay vì thẳng như người bình thường.
Áp lực sẽ tăng dần theo góc độ cúi nhìn điện thoại
Đây là một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng do smartphone mang lại. Dành cho những người chưa biết, nếu đầu bạn nặng 5kg thì khi cúi xuống nhìn điện thoại, cổ sẽ phải chịu áp lực tương đương gần 30kg.
Dáng em hôm nào... Đây chính là dáng dấp của một thanh niên thời hiện đại
Và hậu quả trước tiên là khiến bạn bị đau lưng, thậm chí gù lưng. Rồi thì hỏng dáng, gây mất thẩm mỹ, cuối cùng thì tốn thời gian đi gặp bác sĩ chỉnh xương.
Giải pháp là gì? Nếu bảo bạn bớt dùng điện thoại đi thì cũng hơi khó. Tuy nhiên, có một cách là mỗi khi muốn nhìn điện thoại, hãy nâng nó lên ngang mặt. Dù trông có vẻ kỳ cục nhưng ít nhất cổ của bạn sẽ đỡ được phần nào gánh nặng.
4. Ngại... quang hợp
Một trong những hệ luỵ kéo theo từ Internet và thói quen ngồi nhiều chính là việc chúng ta đang ngại ra ngoài, hay đúng hơn là ngại tiếp xúc với ánh Mặt trời.
Chắc nhiều người cũng biết, nếu cơ thể không được "quang hợp" thường xuyên, khả năng hấp thụ vitamin D sẽ gặp vấn đề, khiến bạn thoái hoá xương, hoặc còi xương nếu là trẻ em.
Đừng ở trong nhà nữa. Ra ngoài chơi đi
Nhưng kể cả khi bạn tắm nắng nhiều, chưa chắc bạn đã làm đúng cách. Nếu như ra đường chơi vào tầm 9h đến 16h, thì vitamin D chẳng thấy đâu, thứ bạn nhận được chỉ là lượng tia cực tím vô cùng độc hại, có thể gây cháy nắng, thậm chí là ung thư da.
Thời gian tốt nhất để tắm nắng là từ 7 - 9h sáng, vì nắng lúc này không gắt, nồng độ tia UV cũng không cao.
Nguồn: Viralnova