Mỗi năm một đợt cận Tết, đông đảo các gia đình nhỏ đang sống và lập nghiệp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... tay xách nách mang, vali lỉnh kỉnh đón xe về quê ăn Tết. Hiển nhiên đến mức, thay vì hỏi nhau "Năm nay có về nhà ăn Tết không?" thì phần đông sẽ hỏi "Năm nay hai mươi mấy Tết sẽ về?". Thế nhưng thực tế, Tết truyền thống bây giờ cởi mở hơn xưa, và nhiều gia đình không xem chuyện về quê ăn Tết là lễ nghi bắt buộc.
Chị Thanh Thanh cùng gia đình nhỏ của mình năm nay quyết định ở lại TP.HCM ăn Tết cho rằng: "Theo mình thấy, vì Tết là kì nghỉ dài ngày duy nhất trong năm, nên đây là thời điểm thuận tiện để về quê thăm ông bà, họ hàng... lần lượt. Thế nhưng nếu bạn đảm bảo mình hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc, quan tâm ông bà cha mẹ đầy đủ, thì không cần đợi Tết mới về. Và tất nhiên, Tết bản chất vẫn là một kì nghỉ, nên bạn và gia đình cảm thấy nghỉ như thế nào là thuận tiện nhất, thoải mái nhất là được."
ĐỂ DÀNH CHO MỘT KỲ NGHỈ DÀI HƠN
Trên lý thuyết, có lẽ Tết cổ truyền là kì nghỉ lớn nhất năm của dân văn phòng, thế nhưng với một số nghề đặc thù thì chưa hẳn.
Anh Ngọc Ân
Chị Thanh Thanh - 27 tuổi, sống tại TPHCM chia sẻ: "Vì công việc của mình cần hỗ trợ khách hàng 24/24 trực tuyến nên mình vẫn phải làm việc xuyên Tết. Dù mang công việc về nhà vẫn được, nhưng không gian và hoàn cảnh sẽ khiến mình gặp khó khăn rất nhiều khi làm việc. Thứ nhất là về nhà sẽ là không gian chung, đông người, không thể bắt mọi người mùng 1, mùng 2 Tết mà giữ yên tĩnh cho mình làm việc. Thứ hai, về nhà sẽ có những cuộc hội họp, cùng anh em họ hàng đi chơi, viếng chùa... từ chối thì cũng khó mà công việc thì đâu thể bỏ. Thế nên năm nay mình và chồng quyết định ở lại ăn Tết tại TP.HCM."
"Mình vừa sinh em bé được khoảng 5 tháng, bé còn nhỏ quá nên khó bế để đi đường xa về nhà nội nên mình và chồng ở lại TP.HCM ăn Tết cùng nhà ngoại năm nay, khi nào bé cứng cáp hơn sẽ về thăm ông bà sau." - Chị Tuyền Nguyễn, 24 tuổi đang sống và làm việc tại TPHCM.
Một số gia đình vướng công việc, còn một số gia đình khác chọn cho mình hình thức nghỉ Tết bằng một chuyến du lịch hiếm có trong năm.
Anh Ngọc Ân đang sống và làm việc tại TPHCM chia sẻ: "Vợ chồng mình về thăm quê khá thường xuyên nên Tết này chúng mình muốn đưa các bé đi du lịch. Nhà mình "cày cuốc" cả năm nên rất muốn thưởng cho bản thân một chuyến du lịch để nghỉ ngơi, nhưng trong năm thì không thể được vì không thể nghỉ phép liền nhiều ngày, các cháu cũng vướng chuyện học hành, nên Tết mới là thời điểm phù hợp."
Anh Ngọc Ân đã đưa các bé về ăn Tết cùng ông bà vào năm ngoái nên năm nay dự sẽ ở lại TP.HCM đón Tết
ÔNG BÀ CẢM THẤY NHƯ THẾ NÀO?
Để bù đắp cho chuyện vắng mặt ngày Tết, vợ chồng chị Thanh Thanh trước Tết đã tranh thủ về quê: "Năm nay tài chính không ổn bằng các năm trước mà chi phí di chuyển cho cả gia đình mình đi hai chiều cũng khá đắt, phải tốn gần 20 triệu cho cả nhà, thế nên gia đình mình đã kéo về thăm nhà trước Tết. Làm như vậy để tiết kiệm khoản chi phí đi lại khủng, dùng tiền này sắm sửa cho ông bà nhưng vẫn để ông bà được thăm cháu.
Chị Thanh Thanh
Bố mẹ mình thấy cũng khá bình thường, không phàn nàn gì cả vì chúng mình cũng về thăm nhà thường xuyên chứ không phải mỗi năm đến Tết mới về một lần. Hơn nữa ngày Tết có gia đình của hai anh trai đều về, nên không sợ nhà neo người."
"Cha mẹ mình không phụ thuộc hoàn toàn niềm vui vào con cái, ông bà rất biết cách tạo niềm vui riêng cho mình. Chẳng hạn vào những ngày giáp Tết, sẽ cùng các dì tụ họp gói bánh chưng, đầu năm lại rủ nhau đi chùa, chơi mấy trò chơi ngày Tết... có khi còn đặt cả xe dịch vụ để đi du lịch cùng hàng xóm sang các tỉnh giáp quê mình nữa." - Chị Thanh Tuyền vui vẻ nói.
Tuy nhiên nhiều ông bà lại cảm thấy khá buồn vì điều này. Trong khi nhà hàng xóm con cháu tề tựu đông đúc, Tết năm nay nhà mình lại thiếu mặt đứa này đứa kia, cháu nội cháu ngoại không biết đã lớn từng nào, và cũng trông một bữa cơm đủ thành viên hơn.
"Mọi năm mình luôn thu xếp đưa vợ con về nhà cho bằng được, nhưng năm nay mình vừa chuyển việc, làm ở công ty mới chưa được bao lâu nên rất khó để nghỉ phép dài ngày, trong khi thoả thuận ban đầu đã biết trước đặc thù công việc phải làm các ngày lễ. Mình có báo với ông bà rằng Tết sẽ không về, họ khá buồn, cằn nhằn mãi, mà biết làm sao được.
Ông bà không hiểu được tình cảnh công việc, nên có trách nhiều, nhưng cũng sẽ nguôi giận thôi. Mình sẽ tranh thủ gọi video về liên tục để ông bà đỡ chạnh lòng." - Anh Thanh Hưng.
CÁC GIA ĐÌNH TRẺ CHUẨN BỊ GÌ CHO CÁI TẾT RIÊNG MÌNH?
Thông thường nếu về quê đón Tết, các gia đình nhỏ sẽ không chuẩn bị gì nhiều, cứ xếp gọn quần áo và mang chút quà biếu lên xe về nhà, mọi không khí Tết nhà ông bà đều có sẵn. Năm nay ở lại thành phố đón Tết chỉ riêng gia đình mình, mặc dù muốn đơn giản nhưng cũng khá vật vã.
Ảnh minh hoạ - Pexels
Chị Thanh Tuyền cho biết: "Mình có em bé nên cũng không có thời gian gì nhiều, gia đình mình chuẩn bị cho Tết năm nay hết sức nhỏ gọn. Mua chậu hoa nhỏ và 2 giỏ quà trưng ở phòng khách, lau dọn nhà cửa tươm tất, còn toàn bộ đồ ăn đều sẽ đặt mua. Mình không giỏi trong việc nấu nướng các món đặc trưng ngày Tết, mà không về ông bà nên cũng sẽ không cúng kiếng gì, cứ lên mạng xã hội đặt mua mứt, bánh tét, củ kiệu muối chua... người ta giao về một lượt đến Tết thì ăn cho đỡ buồn."
"Vợ chồng mình khá quan trọng ngày Tết, nên mặc dù không thể về quê hưởng không khí Tết đủ đầy nhưng vẫn cố gắng chuẩn bị đầy đủ trong này. Mình có đi chợ hoa mua chậu mai về trưng Tết, treo liễn, vợ thì tất bật phơi cải trắng, gói bánh tét, tất bật với các món kho thịt kho măng... Năm nay chỉ riêng gia đình nhỏ của mình đón Tết cùng nhau, khá lạ lẫm nhưng cũng rất háo hức." - Anh Thanh Hưng cho hay.
Tết Âm lịch là một giá trị văn hoá đẹp của người Việt không chỉ về giá trị gắn kết tình thân mà còn là dịp để nạp năng lượng khởi đầu cho năm mới đầy nỗ lực. "Về nhà" vào một ngày Tết không kết luận được chuyện hiếu nghĩa hay không hiếu nghĩa, mặt khác, nghỉ Tết miễn là một kì nghỉ giúp họ sạc được pin đã là một kì nghỉ đúng giá trị.