Cách đây hơn tháng, sân khấu Hòa bình ở Sài Gòn có diễn ra một show diễn rất đặc biệt. Đêm ấy trời có mưa nhưng hàng ghế khán giả thiếu chút nữa thì kín.
Cứ ngỡ khán giả Sài Gòn chỉ thích giai điệu sôi động nhưng không, những bản tình ca được gửi từ Bằng Kiều, Quang Lê, Thanh Hà, Đức Huy, Mỹ Tâm... vẫn níu chân số đông đến hơn 12h đêm.
Ca sĩ càng hát càng sung, khán giả càng nghe càng mê. Xong tiết mục chào cuối cùng, chẳng ai muốn rời gót. Họ đứng lại, vỗ tay như một sự ca tụng dành cho toàn bộ ê-kíp.
Hôm ấy, người đứng ra tổ chức Đời ca sĩ - nam ca sĩ Trần Quang Hiếu - đã bật khóc. Anh quá bất ngờ và hạnh phúc vì những tình cảm nồng ấm được nhận.
Nghe đâu, số tiền đầu tư vào khoảng 4 tỷ. Đó là một con số không nhỏ đối với một "tay mơ" tổ chức đêm nhạc lần đầu như Trần Quang Hiếu.
Hỏi anh thu lại được bao nhiêu, Trần Quang Hiếu chỉ cười. Anh không nhắc đến những con số, chỉ biết rằng, một phần trong số tiền khổng lồ ấy là những gì anh tích cóp được sau nhiều năm bôn ba ở hải ngoại.
Trần Quang Hiếu chia sẻ, cái lớn nhất anh nhận được trong đêm hôm ấy là tình cảm của khán giả và sự công nhận của giới chuyên môn. Đối với một ca sĩ, còn gì tuyệt vời hơn thế.
Quang Hiếu đứng cạnh nhạc sĩ Đức Huy và giọng ca Ý Lan trong Đời ca sĩ.
Câu chuyện ngày xưa
Hỏi anh tại sao lại liều lĩnh đến thế, tại sao lại dốc hết vốn liếng chỉ vì một show ca nhạc, anh chỉ gửi lại tôi vỏn vẹn hai chữ: "Đam mê".
Trần Quang Hiếu kể, anh thích ca hát từ năm lớp một. Lúc đó anh học ở nhà thờ, mấy sơ thấy thằng nhỏ nghêu ngao nghe cũng được nên cho vào Ca đoàn. Nhờ vậy anh mới có được nền tảng vững chắc như bây giờ.
Năm anh lên lớp 8, thấy con ham quá, dù phải chạy ăn từng bữa, cha mẹ vẫn cố gửi gắm cho anh đi theo học hát một thầy ở dưới quê.
Tự tin với giọng hát của mình, anh rất năng nổ tham gia những chương trình văn nghệ và hoạt động ngoại khóa. Ngày ấy ở trường, Trần Quang Hiếu còn được các bạn tin tưởng bầu làm lớp trưởng suốt 12 năm đi học.
Lên cấp 3, anh đi thi Nam sinh thanh lịch thì bất ngờ "rinh" giải. Thấy anh có sắc, thầy cô và bạn bè khuyên anh đi thi diễn viên điện ảnh. Đắn đo một hồi anh cũng đánh liều.
Thời ấy, chàng trai 18 tuổi chẳng tính được điều gì quá lớn, chỉ nghĩ đi học ngành này rồi mai mốt được đi đóng phim, tới chừng nổi tiếng rồi đi hát cũng chẳng muộn. Vậy là khăn gói lên đường.
Nhưng khi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Sân khấu Điện ảnh, anh mới nhớ ra, gia đình mình nghèo quá. Để đi học như người ta đâu phải cứ muốn là được.
Vay mượn cũng không đủ, may mắn anh thi đầu vào điểm cao nên được nhà trường châm chước đóng học phí chậm.
Biết phận con nhà nghèo nên suốt mấy năm ở trường, Trần Quang Hiếu chỉ cắm đầu vào học để kiếm học bổng. Một phần để phụ cha mẹ, phần khác vì sợ làng xóm khinh khi: "Đã nghèo còn học dốt".
Gia tài của gia đình được chiếc cub 50, cha mẹ cũng gửi lên Sài Gòn cho anh đi học. Để giảm chi phí, anh thuê nhà cách trường hơn 10km.
Có lần, trời mưa lớn, anh chạy về nhà, nước ngập đến thắt lưng, xe thì chết máy. Dẫn bộ cả đoạn đường dài, anh mới thấy có người sửa.
Chưa kịp mừng, Trần Quang Hiếu đã chưng hửng vì sau vài cái thổi vào bugi, người ta đòi lấy anh 200 ngàn trong khi tiền ăn của chàng sinh viên nghèo tháng đó còn có trăm mấy.
Đứng giữa Sài Gòn, lần đầu tiên anh bật khóc. Anh khóc vì ngấm cái nghèo và sự bơ vơ nơi đất khách.
Cũng vì nghèo mà mấy lần anh theo chúng bạn đi đóng vai quần chúng kiếm cái ăn qua ngày. Cả đám quần quật từ sáng tới đêm mới cầm được của người ta 50 ngàn. Chua lắm!
Lúc đó anh mới thấm thía nghề diễn viên này không như anh mơ tưởng, không lấp lánh như những gì được xem tivi ở dưới quê.
Ngày ấy, Trần Quang Hiếu học cùng lớp với Vân Trang, Quách Ngọc Ngoan. Nhiều khi học xong, cả lớp rủ nhau đi ăn cái nọ cái kia, anh toàn cáo bận. Thực chất, có bận gì đâu, chỉ là không có tiền.
Ở Hải ngoại, anh được mệnh danh là Hoàng tử Bolero.
Cái duyên nghiệp hát
Hết giờ học ở trường, Trần Quang Hiếu xin đi bưng bê ở phòng trà. Làm một thời gian để dành được một khoản, anh đi thu bài hát rồi chép vào đĩa CD. Xong đâu đó, Trần Quang Hiếu mang đến gửi ở mấy sân khấu.
Nhưng gửi là chuyện của gửi, người ta có nghe không lại là chuyện khác. Thế nên, mãi một thời gian sau, anh mới được nhận vào hát ở hai nhà hàng. Nhưng nhờ những bước chân chập chững ấy, anh mới gặp được những người tốt bụng, đã giúp đỡ anh sau này.
Đi học, đi làm rồi đi hát, quanh quẩn vậy cũng hết 4 năm, Trần Quang Hiếu ra trường với tấm bằng xuất sắc. Song, đó cũng là lúc anh bị mất phương hướng hoàn toàn.
Mấy năm trời chỉ biết học, anh chẳng có bất cứ một mối quan hệ nào có thể mang đến một vai diễn. Vậy là cứ cố gắng bám trụ với nghề hát.
Sau này, Trần Quang Hiếu có dịp ra nước ngoài và tham gia một cuộc thi lớn ở bên đó. Đây là cơ hội để anh được gặp gỡ ca sĩ Như Quỳnh, một thần tượng của anh từ ngày nhỏ.
Cũng vì mê tiếng hát của chị và mẹ Hương Lan nên Trần Quang Hiếu mới chọn nhạc trữ tình làm kim chỉ nam trên con đường nghệ thuật.
Vì thương Trần Quang Hiếu, Như Quỳnh đã nhận anh là em trai kết nghĩa.
Nam ca sĩ sinh năm 1988 còn nhớ, lần đầu tiên gặp Như Quỳnh, anh run cầm cập, lo lắng đến mức không dám hướng mắt về phía chị. Phải mất một lúc, Trần Quang Hiếu mới lấy lại được tinh thần để nói lời chào.
May mắn cho Quang Hiếu, Như Quỳnh nhận ra anh. Chị nói rất thích cách anh hát và động viên anh hãy cố gắng.
Được lời như cởi tấm lòng, Trần Quang Hiếu nói ra hết, nói chuyện anh đã yêu và thần tượng chị như thế nào từ ngày thơ ấu. Nhờ sự chân thật đó mà mối quan hệ của Như Quỳnh và Trần Quang Hiếu càng trở nên thân thiết. Hai người còn nhận nhau là chị em kết nghĩa.
Có lần, cả hai làm show bên Úc. Như Quỳnh qua trước, Trần Quang Hiếu ở lại đợi visa nhưng vì trục trặc, trước khi lên máy bay hai tiếng anh mới lấy được. Lúc anh qua tới Úc cũng là khi đêm xuống, các ca sĩ khác đã hát xong phần của họ.
Bầu sô như ngồi trên đống lửa, còn Trần Quang Hiếu vừa xuống máy bay lập tức được "áp tải" đến sân khấu. Thấy anh, Như Quỳnh òa khóc vì muộn chút nữa, khán giả sẽ về hết, anh có sang tới Úc cũng thành công cốc.
Đêm đó, họ hát đến 2h sáng, hát cho thỏa đam mê, thỏa một lần đứng trên sân khấu. Sắp tới, anh và chị sẽ ra một CD nhạc tình chung, đó là mơ ước rất lớn trên con đường đam mê của Trần Quang Hiếu.
Trước khi Đời ca sĩ diễn ra, đối với công chúng Hải ngoại, Trần Quang Hiếu được mệnh danh là "Hoàng tử hát bolero", "Hot boy hát nhạc sến" nhưng đối với công chúng trên mảnh đất chữ S, anh vẫn còn là một cái tên lạ.
Nhưng sau Đời ca sĩ, Trần Quang Hiếu đã tìm được chỗ đứng. Khán giả nhớ đến anh là một ca sĩ có chất giọng rất ngọt, một bầu sô trẻ tuổi dám mạo hiểm.
28 tuổi, trải qua rất nhiều thăng trầm, những đắng cay, đánh đổi để có ngày hôm nay, Trần Quang Hiếu khẳng định, anh không bao giờ rời bỏ đam mê, dù trước đó cũng có đôi lần chao đảo.
"Để được như ngày hôm nay, tôi đã cố gắng rất nhiều. Nghề này không phải muốn nổi tiếng thì sẽ nổi tiếng đâu, không có tấm thảm nhung nào cả.
Tôi nhìn tấm gương của những anh chị đi trước để chấp nhận chông gai, chấp nhận vấp ngã, vấp ở đâu đứng dậy luôn ở đó để trưởng thành. Bài học nào học được thì cố gắng thuộc lòng", anh cười.