Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/2, cổ phiếu D17 của CTCP Đồng Tân giảm sàn trên sàn UPCoM còn 91.700 đồng/cp. Tuy nhiên, trước đó cổ phiếu này của doanh nghiệp này đã tăng từ mức 22.000 đồng/cp lên mức 107.800 đồng/cp trong tháng 1, tức tăng 390% trong nửa cuối tháng 1.
Cổ phiếu D17 bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM kể từ ngày 22/1 với mức giá 22.000 đồng/cp. Như vậy mức giá hiện tại của cổ phiếu này vẫn gấp 4,2 lần so với lúc lên sàn. Tuy nhiên thanh khoản của D17 chỉ đạt vài trăm đơn vị mỗi phiên.
Theo tìm hiểu Đồng Tân (tiền thân là công ty TNHH MTV Đồng Tân) được thành lập theo Quyết định số 556/QĐ-QP ngày 11/8/1993 của Bộ trưởng Quốc phòng. Doanh nghiệp này có ngành nghề ban đầu chủ yếu là trồng cây công nghiệp, chăn nuôi và dịch vụ.
Từ năm 1995 đến nay, công ty chuyển đổi sang hoạt động sản xuất kinh doanh khai thác mỏ, được Nhà nước giao đất và cấp giấy phép khai thác mỏ, khai thác cát, xây dựng dân dụng - công nghiệp – xây dựng công trình giao thông cầu đường, san lấp mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh doanh nhà.
Ngày 23/7/2017, Bộ Quốc phòng ra Quyết định của số 2908/QĐ-BQP về việc phê duyệt phương án và chuyển Công ty TNHH MTV Đồng Tân thuộc Công ty TNHH MTV Đông Hải/Quân khu 7 thành công ty cổ phần.
Vốn điều lệ của công ty đạt 52,7 tỷ đồng. Hiện nay, công ty TNHH MTV Đông Hải - một công ty thuộc Bộ Quốc Phòng đang là cổ đông lớn nhất của Đồng Tân khi nắm giữ 45% vốn. Công ty TNHH Xăng dầu tân Phong và công ty TNHH MTV Xây dựng Ngọc Hạnh - hai doanh nghiệp có cùng một người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Minh Ngọc cùng đang sở hữu 22,1% vốn.
Theo giới thiệu từ phía doanh nghiệp, hàng năm Đồng Tân cung cấp gần 5 triệu tấn vật liệu gồm đá, cát, đất phún cho thị trường trong nước. Ngoài ra, kể từ năm 2009 tới nay doanh nghiệp cũng đã thực hiện dự án đường tuần tra biên giới do Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư. Tính đến năm 2016 công ty đã hoàn thiện gần 30 km đường tuần tra biên giới.
Trong lĩnh vực xây dựng, Đồng Tân đã hoàn thành các công trình xây dựng như trường tiểu học Lam Sơn, khoa khám bệnh - viện 4 và các công trình nội bộ, hàng chục nhà tình thương.
Về kết quả kinh doanh, hàng năm công ty này vẫn đều đặn mang về hàng trăm tỷ đồng doanh thu và hàng chục tỷ đồng lợi nhuận. Đặc biệt, biên lợi nhuận gộp của Đồng Tân ở mức khá cao, khoảng 40%-50%.
Ví dụ như trong nửa đầu năm 2023, Đồng Tân đã mang về 35,7 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 11,2 tỷ đồng. EPS ở mức gần 22.000 đồng/cp. Tổng tài sản của công ty tại ngày 30/6 đạt 176 tỷ đồng. Đặc biệt, Đồng Tân không có một đồng nợ vay tài chính nào..
Về đội ngũ lãnh đạo, hiện ông Lê Bá Tòng (sinh năm 1979) đang là Chủ tịch HĐQT của Đồng Tân. Ngoài làm việc tại Đồng Tân, hiện ông Bá Tòng còn làm Phó Tổng giám đốc của Đông Hải, cổ đông lớn nhất của Đồng Tân.
Cổ phiếu NEM tăng 526% sau một tháng
Không chỉ riêng D17, một tân binh khác của sàn UPCoM trong tháng 1 vừa qua là cổ phiếu NEM của CTCP Thiết bị điện Miền Bắc thậm chí còn có màn bứt phá ấn tượng hơn. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/2, cổ phiếu NEM có giá 63.900 đồng/cp, tăng 526% so với mức giá khởi điểm (10.200 đồng/cp) trong phiên giao dịch đầu tiên vào này 5/1. Tuy nhiên, cũng giống như D17, thanh khoản của NEM cũng ở mức thấp chỉ vài nghìn đơn vị.
Theo tìm hiểu, CTCP Thiết bị điện Miền Bắc (NEEM) có trụ sở tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) và vốn điều lệ hiện tại là 88,48 tỷ đồng, được thành lập năm 2004. Đến 2016, công ty chuyển đổi mô hình sang công ty cổ phần và đến 6/2023 thì trở thành công ty đại chúng.
Lĩnh vực kinh doanh chính của NEEM bao gồm sản xuất, lắp ráp bảng tủ điện cao áp, trung áp, hạ áp và các tủ bảng thông tin - viễn thông, các vật tư, thiết bị điện khác. Từ năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty vẫn dừng lĩnh vực sản xuất, chỉ tập trung vào kinh doanh các sản phẩm thiết bị cao trung thế ngoài trời, tủ bảng điện, máy biến áp và trạm phát điện năng lượng mới, thiết bị quản lý chất lượng điện năng, tủ đóng cắt mạch vòng dùng cho mạng điện thành phố. Thị trường cung cấp sản phẩm dịch vụ của NEEM chủ yếu là thị trường miền bắc.
Tại thời điểm giữa năm 2023, công ty có 105 cổ đông, trong đó 3 cổ đông lớn đang nắm tổng cộng 88,5% vốn gồm Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (26,26%), bà Trần Thị Thu Thủy (35,98%) và bà Nguyễn Thị Phương (26,26%). Đ
Tuy nhiên, đến tháng 12/2023, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC) thực hiện thoái toàn bộ vốn thông qua phương thức bán đấu giá công khai. 7 nhà đầu tư đã trúng đấu giá, trong đó có bà Vũ Thị Thư trúng đấu giá hơn 2,3 triệu cổ phiếu và trở thành cổ đông lớn.
Tính đến cuối quý 3/2023, tổng tài sản của Công ty đạt 91,715 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chỉ ở mức 2 tỷ đồng. Về hoạt động kinh doanh, 9 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận 15,35 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, gấp 25,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ hơn 300 triệu đồng.