Ảnh minh họa.
Tác hại khôn lường khi dùng điện thoại quá nhiều
Trong xã hội hiện đại, trước sự phát triển của công nghệ, hầu hết nhà nhà đều có ít nhất 1-2 thiết bị điện tử thông minh. Trẻ em luôn hứng thú với những nội dung trên điện thoại. Đồng thời, do bận rộn, nhiều phụ huynh cũng để con dùng điện thoại thay vì chơi cùng con. Việc trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Chị L.T.Q (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ chị có con trai 2 tuổi mới phát hiện bị tự kỷ do sử dụng điện thoại nhiều.
Chị cho biết thời gian vừa qua, do dịch bệnh nên con không được ra ngoài, không được đi nhà trẻ. 2 vợ chồng bận công việc không thể trông con, nên những lúc con quấy khóc, chị thường bật các chương trình trong điện thoại cho con xem. Từ đó, mỗi khi con quấy, khóc, không chịu chơi, không chịu ăn, chị Q thường cho con dùng điện thoại. Mỗi ngày, trung bình chị cho con xem từ 4-6 tiếng.
Dần dần, chị cũng quên rằng con đang ở độ tuổi phát triển, cần được học hỏi nhiều thứ thay vì chỉ suốt ngày chăm chú dùng điện thoại. Bỗng một hôm, khi chị đọc được bài báo về biểu hiện của trẻ tự kỷ, chị Q mới giật mình khi thấy con trai chị có những biểu hiện tương tự. Chị Q liền đưa con đi khám và phát hiện con đã mắc chứng tự kỷ. Nguyên nhân là do con sử dụng điện thoại nhiều, không tiếp xúc, giao tiếp với ai, không chịu tập nói và chậm đi lại.
"Khi phát hiện con bị như vậy, tôi khá sốc và tự trách mình. Vì mỗi lần cứ thấy con dùng điện thoại ngoan như thế, tôi lại không để ý và không theo dõi con hàng ngày, đến giờ mới nhận hậu quả nghiêm trọng", chị Q cho hay.
Về thực trạng trên, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, cố vấn tại một trung tâm tư vấn tâm lý tại Hà Nội, cho biết tình trạng con trẻ được bố mẹ cho sử dụng điện thoại khá phổ biến ở xã hội hiện nay. Việc trẻ em dùng điện thoại nhiều có nguy cơ cao ảnh hưởng đến thần kinh, tâm lý… dẫn đến nhiều hệ luỵ không thể tưởng tượng nổi, rất khó sửa chữa.
Việc để con trẻ sử dụng điện thoại quá nhiều sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa.
"Sử dụng điện thoại thông minh hay các thiết bị điện tử khác còn khiến trẻ quên mất những nhu cầu thiết yếu như ngủ, ăn, hoạt động thể chất và giao tiếp. Ở trẻ độ tuổi từ 4-6 tuổi, trẻ cần học kỹ năng giao tiếp qua quá trình tiếp xúc với những người xung quanh, như nhìn vào đôi mắt để học cách đọc biểu cảm trên mặt và phát triển khả năng thấu cảm", chuyên gia tâm lý cho hay.
Theo nhiều nghiên cứu, các thiết bị điện tử khiến não bộ sớm nghiện dopamine, chất hóa học tạo cảm giác vui sướng (dopamine vừa là hormone vừa là chất dẫn truyền thần kinh, đóng vai trò quan trọng trong não và cơ thể). Kích thích liên tục từ màn hình khiến não tiết ra quá nhiều dopamine và adrenaline. Vì thế, điện thoại thông minh dễ gây nghiện.
Nên cho trẻ dùng thiết bị điện tử trong bao lâu thì an toàn?
Để giúp các con tránh được những hệ lụy nguy hiểm, chuyên gia Lê Thị Túy khuyến cáo phụ huynh nên cho con em mình sử dụng thiết bị điện tử đúng mục đích, thời gian sử dụng phù hợp.
Theo chuyên gia, độ tuổi phù hợp để bắt đầu sử dụng điện thoại là từ 13-17 tuổi. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi thì không nên cho tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử, điện thoại thông minh.
Đối với trẻ em từ 3-12 tuổi, phụ huynh chỉ nên dành trung bình từ 1-2 giờ trong ngày để cho các con sử dụng với điện thoại.
"Còn độ tuổi từ 13 trở lên, bố mẹ có thể cho con sử dụng điện thoại để liên lạc, đảm bảo an toàn khi con đi học. Với trẻ em lớn hơn sử dụng điện thoại với mục đích nghiên cứu, học trực tuyến, mạng xã hội... thì bố mẹ nên hướng dẫn con sử dụng đúng mục đích và có kiểm soát", bà Túy cho hay.
Năm 2019, Tổ chức Y tế Thế giới từng ra văn bản chỉ dẫn về việc nên cho trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc với thiết bị màn hình trong bao lâu để không ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Theo cơ quan sức khỏe của Liên Hợp Quốc, trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc màn hình các thiết bị điện tử hơn 1 giờ mỗi ngày và càng ít tiếp xúc càng tốt. Trong khi đó, với trẻ dưới 1 tuổi, việc tiếp xúc này nên cấm tuyệt đối.
Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo những trẻ dưới 18 tháng tuổi cần tránh tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử. Ngoài ra, phụ huynh của những trẻ dưới 2 tuổi cần biết lựa chọn "chương trình chất lượng cao" với giá trị giáo dục và cha mẹ nên xem cùng con để giúp trẻ hiểu những gì chúng xem.