Sau tranh cãi ngoại giao nổ ra gần đây khi truyền thông Trung Quốc báo cáo về vụ việc thiết bị bay không người lái (UAV) của Ấn Độ rơi vào lãnh thổ Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông tin khiến giới quân sự thế giới đặc biệt quan tâm, đó là căn cứ không quân của Nga ở Syria cũng vừa ghi nhận một vụ tấn công bởi phi đội UAV lạ mặt.
Mối nguy hiểm của thiết bị không người lái
Với sự phổ biến trong vài năm qua, thiết bị bay không người lái không chỉ phục vụ cho các mục đích quay phim hay giải trí đơn thuần, mà còn lấn sân sang cả lĩnh vực quân sự. 2018 được dự đoán sẽ là năm bùng nổ của UAV.
Điều này ít nhiều sẽ gây ra những khó khăn và có thể tạo ra một cuộc chạy đua công nghệ mới, chủ yếu sẽ tập trung vào việc đối phó với vũ khí này.
Thiết bị bay không người lái, hay còn gọi là drone hoặc UAV trên thực tế đã có lịch sử tồn tại cả trăm năm. UAV lần đầu tiên được sử dụng đại trà vào năm 1944, khi quân Đức triển khai số lượng lớn bom bay V-1 tấn công vào lục địa Anh. Bom bay V-1 là loại bom kích thước nhỏ tự động, gắn động cơ phản lực xung, tiền thân của tên lửa hành trình ngày nay.
Với ưu điểm đặc biệt, UAV hiện được các lực lượng vũ trang trên thế giới ưa chuộng, bao gồm cả một số cơ quan tình báo châu Á như RAW của Ấn Độ (một trong số ít lĩnh vực mà Ấn Độ vượt trội hơn Trung Quốc), tuy nhiên nó vẫn được sử dụng nhiều hơn cho mục đích dân sự.
Nhiều công ty và cá nhân coi UAV như một công cụ năng động để phục vụ cho công việc kinh doanh của họ. Thiết bị bay không người lái được ứng dụng trong nhiều hoạt động như kiểm tra, giám sát, tác nghiệp báo chí, cứu hộ, thực thi pháp luật, quay phim, khảo sát bản đồ và rất nhiều thứ khác.
Trận động đất Christchurch năm 2011 đã phá hủy các tuyến đường ven biển của New Zealand, làm hư hại các cột viễn thông và cách ly hoàn toàn khu vực thảm họa với bên ngoài. Khi đó UAV đã được triển khai để quay phim những địa điểm khó tiếp cận và giúp đội cứu hộ phát hiện ra những nạn nhân mắc kẹt.
Giờ đây, không cần phải là công ty, hay tổ chức nào đó, một cá nhân hoàn toàn có thể tự mua sắm một chiếc drone ưa thích với giá cả đa dạng, từ hàng trăm cho đến hàng nghìn USD.
Những nghiên cứu mới về UAV theo hướng vũ khí hóa nhằm phục vụ cho mục đích tiêu diệt khủng bố đã gây ra những tranh cãi lớn. Dẫu vậy điều này không làm cản trở những thiết bị bay không người lái đang ngày càng trở nên tinh vi hơn. Tại Mỹ, cơ quan Nghiên cứu Dự án Cao cấp Quốc phòng (DARPA) đang bắt tay vào việc chế tạo ra các loại UAV siêu nhỏ.
Nhiều trong số đó có tính năng ẩn mình như cải trang thành sâu bướm. Mặc dù kích thước tương đối nhỏ, các thiết bị này vẫn có thể mang theo lượng chất nổ tương đương với một quả lựu đạn L109.
Ít nhất 50 quốc gia, cũng như các nhóm khủng bố hiện đang sử dụng các thiết bay không người lái cho mục đích riêng. UAV cũng trở thành phương tiện ưa thích của tội phạm trong các hoạt động khủng bố khi có thể chuyên chở thuốc nổ, chất độc hoặc kích hoạt tấn công từ xa, thậm chí là buôn bán ma túy.
Mỏ vàng mang tên UAV
Giá rẻ và ngày càng thông minh hơn, drone đang trở thành công cụ bị tội phạm lợi dụng.
Điểm yếu của thiết bị bay không người lái là độ bảo mật không cao khi kết nối dữ liệu không được mã hóa và dễ bị hack. Chúng có thể bị mất kiểm soát ngay cả khi đi qua vùng nhiễu điện từ, hoặc đôi khi tín hiệu GPS có thể bị mất khi bay vào các khu vực đông dân cư.
Đã có nhiều những lo ngại về việc UAV gây ra những nguy hiểm tiềm tàng khi chúng có thể bay tự do mà không có bất kỳ quy tắc nào ngăn cấm. Hồi tháng 4/2016, nước Anh có một phen thót tim khi các phương tiện truyền thông đưa tin về một cuộc tấn công của UAV nhắm vào máy bay A320 của hãng hàng không British Airways.
Chiếc máy bay sau đó hạ cánh an toàn và kết luận chiếc UAV nói trên hóa ra chỉ là một chiếc túi nhựa. Dẫu vậy, những lo ngại về những chiếc UAV lang thang vào trong sân bay có thể xuất phát từ một nhóm khủng bố nào đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước đây, thiết bị bay không người lái thường phổ biến trong các nhóm đam mê máy bay điều khiển từ xa. Nhưng sau khi được cải tiến với những tính năng vượt trội hơn trước, doanh số bán ra của UAV tăng gấp đôi và gấp ba lần vào các năm 2015, 2016. Năm 2018 sẽ được trông đợi là một năm thiết bị bay không người lái sẽ phổ biến ở quy mô lớn.
Theo tạp chí Drone Life, lý do này xuất phát từ việc UAV ngày càng có xu hướng trở nên thông minh hơn, an toàn hơn và rẻ hơn. Thứ hai, các nước đã bắt đầu bắt kịp công nghệ phát triển thiết bị bay không người lái.
Ngoài ra Anh, Trung Quốc hay một số quốc gia gần đây đã đưa ra những quy định hợp lý trong sử dụng UAV nơi công cộng và đưa thiết bị này vào tầm kiểm soát.
Với doanh số 5 triệu drone được bán ra vào năm 2017 - dù con số này không thấm vào đâu so với 80 triệu xe hơi, 200 triệu TV LCD và 1,5 tỷ điện thoại thông minh được bán ra trong năm ngoái - thị trường thiết bị bay không người lái đang chứng kiến bước tăng trưởng ngoạn mục và trở thành một trong những thiết bị ngày càng gần gũi trong cuộc sống.