Mới đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhà đầu tư nước ngoài chứng kiến một việc đã phải đặt dấu hỏi

Nhã Mi |

Tại sự kiện đối thoại chính sách diễn ra ở TP. HCM mới đây, các diễn giả là Trưởng Nhóm Công tác của VBF và các chuyên gia quốc tế trình bày chuyên sâu về nhiều chủ đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.

Mới đến sân bay Tân Sơn Nhất, nhà đầu tư nước ngoài chứng kiến một việc đã phải đặt dấu hỏi- Ảnh 1.

Ngày 18-9 vừa qua, UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đã phối hợp với Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) lần đầu tiên tổ chức chương trình đối thoại chính sách năm 2024 với chủ đề: “Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững: Tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng”. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã tham dự đối thoại.

Tại sự kiện, ông Trần Anh Đức, Đồng Trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại VBF đã nêu một số vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam.

Cụ thể, chi phí mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải trả cho logistics (chuỗi cung ứng) tại Việt Nam cao hơn trung bình của thế giới, chiếm 25% GDP. Chi phí vận tải chiếm tới 30-40% giá thành sản phẩm, cũng cao hơn so với mức 10-20% của thế giới, cần phải cải thiện hạ tầng giao thông, giảm chi phí logistics, phát triển các giải pháp bền vững trong vận tải và logistics xanh.

Trong khi đó, theo ông, cơ sở hạ tầng giao thông tại TP. HCM chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đường vào cảng Cát Lái và cao tốc Long Thành - Dầu Giây liên tục tắc nghẽn. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất thì quá tải. Theo ông Đức, ngay khi nhà đầu tư bước chân vào Việt Nam, đã chứng kiến cảnh tượng xếp hàng rất dài, mất 30-45 phút, thậm chí 1 giờ tiếng hồ mới có thể qua cửa an ninh ở sân bay.

Ông Trần Anh Đức nhấn mạnh. "Nếu xếp hàng thông thường, mất từ 30-45 phút thậm chí cả tiếng đồng hồ, khi vào cũng như khi ra khỏi Việt Nam. Như vậy tạo nên ấn tượng đầu tiên không tốt, đây là vấn đề chúng ta cân nhắc cần giải quyết”.

Về hạ tầng giao thông, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất Nguyễn Công Hoàn cho biết, tình trạng quá tải quả thực đang diễn ra. Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhà ga hành khách T3 và hạ tầng kết nối xung quanh sân bay để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao.

Theo dự kiến, nhà ga T3 đang được xây dựng với công suất dự kiến 20 triệu lượt khách/năm và sẽ đi vào hoạt động trước dịp lễ 30/4/2025, qua đó giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Về phát triển các giải pháp bền vững, theo ông Võ Văn Hoan cho biết, thành phố đang thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2020-2030, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26. Ngoài ra, tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp xanh, cùng với các chính sách hỗ trợ liên quan.

Tại buổi đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp FDI cho rằng, TP. HCM và các tỉnh, thành phía Nam đã có nhiều thiện chí, cải thiện những đề xuất mà cộng đồng doanh nghiệp FDI đã đưa ra.

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển mới hiện nay, còn nhiều vấn đề mà các tỉnh, thành phố cần phải thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút được dòng vốn mới từ các nhà đầu tư FDI. Trong đó, nhiều ý kiến đề cập đến các thủ tục pháp lý và quy trình xét duyệt còn mất nhiều thời gian và chưa đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại