Chẳng phải tất cả chúng ta đều đã biết sự sống là gì? Đến đứa trẻ cũng có thể phân biệt được một con cá đang bơi còn sống, cái tủ lạnh không phải một sinh vật và con người thì không ngừng hít thở và trao đổi chất để vận động.
Vậy sự sống còn gì là bí ẩn nữa mà phải bàn tới?
Thực tế... không đơn giản như bạn nghĩ. Giống như một đường tròn trên màn hình điện tử không bao giờ tròn hoàn hảo, bởi nó thực chất được tạo nên từ những pixel vuông. Con người dường như không thể định nghĩa được sự sống dưới đôi mắt trần tục của mình.
Bởi bất cứ định nghĩa nào cũng có thể bám dính lấy những định kiến về giống loài và sự tồn tại của chính chúng ta trên Trái Đất.
Khi NASA phóng lên vũ trụ những con tàu săn tìm sự sống ngoài hành tinh, rốt cuộc, họ chỉ đang tìm kiếm những cụm phân tử giống với sự sống bên dưới ngôi nhà của mình.
Vậy nếu sự sống trong vũ trụ chỉ đơn giản là một dạng thức khác với định nghĩa của loài người thì sao? Chúng có thể đang hiện diện ở khắp mọi nơi, trên Sao Hỏa, trên Mặt Trăng, có điều chúng ta không chịu công nhận chúng mà thôi.
Rốt cuộc, sự sống là gì và có thể là gì?
Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê định nghĩa "sống" là "tồn tại ở trạng thái có trao đổi chất với môi trường ngoài, có sinh đẻ, lớn lên và chết". Có lẽ Hoàng Phê đã bỏ quên những con la. Không ai nói một con la đang ăn cỏ đã chết, nhưng không một con la nào có thể sinh đẻ.
Ngay cả khi chúng ta rút ngắn định nghĩa đó lại, "sống là trạng thái có trao đổi chất với môi trường ngoài, lớn lên và chết", hãy nói đến những vi khuẩn ký sinh. Chẳng hạn như khuẩn Rickettsia không thể tự nó trao đổi chất với môi trường ngoài, mà bắt buộc phải ký sinh vào một tế bào của các sinh vật khác.
Vậy thì "có trao đổi chất" thôi cũng được? Lúc này lại xuất hiện sự tranh cãi xung quanh virus, chúng thậm chí không có bộ máy sinh học để trao đổi chất, nhưng virus dường như vẫn sống.
Định nghĩa của Hoàng Phê lúc này chỉ còn lại: "sống là tồn tại ở trạng thái có thể lớn lên và chết". Vậy thì "chết" là gì? Chết chẳng phải là ngừng sống hay sao, sống là không chết?
Giống như hàng trăm định nghĩa khác trên thế giới, trong cả các cuốn từ điển, giáo trình sinh học của mọi nhà xuất bản, mọi trường đại học, bạn sẽ thấy các tác giả chỉ đang dẫn chúng ta đi vào một vòng tròn luẩn quẩn khi nói về "sự sống".
Theo đó, "sự sống" thường được mô tả bằng các đặc điểm của "sinh vật" mà không định nghĩa nổi "sinh vật" là gì. Rốt cuộc, sinh vật lại là "vật sống", trong khi chúng ta đang cố gắng định nghĩa về "sự sống". Một bài toán con gà và quả trứng!
Trước khi chúng ta chuyển sang những định nghĩa mới, hãy nhìn lại lần cuối định nghĩa còn lại của Hoàng Phê. "Sống là lớn lên", giống như thổi một quả bóng bay sao?
Thất bại của những nhà từ điển học trong việc định nghĩa sự sống suy cho cùng không phải lỗi của họ. Nó đến từ thất bại của những nhà sinh học. Mặc dù họ đã nghĩ ra hàng trăm định nghĩa sự sống nhưng vẫn chưa có định nghĩa nào được chấp nhận rộng rãi.
Đa số các định nghĩa này chỉ khá hơn từ điển Hoàng Phê ở chỗ, chúng liệt kê thêm nhiều đặc điểm của sự sống mang tính chuyên môn sinh học cao hơn.
Chẳng hạn như quá trình tăng trưởng, sinh sản, khả năng thích nghi với môi trường sống, trao đổi chất qua các phản ứng hóa học để tạo ra năng lượng thúc đẩy hoạt động sinh học.
Năm 2002, Daniel Koshland, một nhà hóa sinh người Mỹ gốc Do Thái, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã tổng kết lại 60 năm nghiên cứu của ông trong một lý thuyết được gọi là "7 trụ cột của sự sống".
Với mong muốn định nghĩa được cả các sự sống nhân tạo và sự sống ngoài Trái Đất, các đặc điểm mà Koshland đưa ra được viết tắt là PIRAS và chúng khá "out side the box":
1.Chương trình (Program)
Koshland định nghĩa "chương trình" là một "kế hoạch có tổ chức mô tả được các thành phần trong nó, động học của sự tương tác giữa các thành phần khi hệ thống sống tồn tại theo thời gian".
Ví dụ như với con người và các sinh vật quen thuộc trên Trái Đất, chương trình hoạt động thông qua các cơ chế của axit nucleic và axit amin, chương trình này chạy trên "phần cứng" là các DNA và biểu hiện gen ra bên ngoài cơ thể chúng ta, giúp bạn có được mọi thứ từ ngoại hình, khả năng trao đổi chất cho đến cả tính cách.
2. Ứng biến (Improvisation)
Đây là khả năng chỉnh sửa chương trình của sinh vật sống để đáp ứng với môi trường bên ngoài nơi nó tồn tại. Chẳng hạn như chọn lọc tự nhiên trong thuyết Darwin là một sự ứng biến.
3. Chia ngăn (Compartmentalization)
Một hệ thống sống cần được chia thành nhiều không gian bên trong bản thân nó, cho phép các quá trình hóa học diễn ra trong các ngăn riêng biệt. Chẳng hạn như con người vẫn thường có các cơ quan và hệ cơ quan khác nhau, axit trong dạ dày của bạn không thể tự nhiên đi vào bên trong phổi và khiến bạn chết sặc.
4.Năng lượng (Energy)
Mọi sự sống theo Koshland đều phải tiêu hao năng lượng thông qua quá trình vận động của nó, các phản ứng hóa học mà bản chất là sự gia tăng entropi. Do đó, hệ thống sống cũng cần thu nạp năng lượng.
Trên Trái Đất, nguồn năng lượng chính của chúng ta là năng lượng Mặt Trời. Thực vật quang hợp biến năng lượng Mặt Trời thành chất dinh dưỡng, động vật ăn cỏ ăn thực vật và rồi con người ăn cả thực vật lẫn động vật để lấy năng lượng.
Nhưng trên một hành tinh không có ánh sáng, Koshland cho rằng không nhất thiết các hệ thống sống cần sử dụng đến quang năng. Khí metan hoặc hydro hoàn toàn có thể trở thành năng lượng sống của các sinh vật ngoài hành tinh.
5.Sự tái tạo (Regeneration)
Theo Koshland, một sinh vật trong quá trình tồn tại phải bị hao mòn qua các quá trình nhiệt động lực học. Do đó, về cơ bản chúng sẽ lão hóa cho đến khi chết đi.
Để kéo dài sự sống, sinh vật cần trang bị cho mình khả năng tái tạo từng bộ phận trong hệ thống của chúng. Chẳng hạn như con người vẫn thay da liên tục và sinh ra 3,8 triệu tế bào mới mỗi giây.
6.Khả năng thích ứng (Adaptability)
Đó là sự đáp ứng của một hệ thống sống với các điều kiện thay đổi bên ngoài môi trường, bao gồm cả các nhu cầu sống như năng lượng, kẻ thù hay thiên địch. Khả năng thích ứng này cần xảy ra trên hành vi của sinh vật xuống đến cấp độ phân tử nhỏ nhất của nó.
Ví dụ, khi một sinh vật cảm thấy nó gặp nguy hiểm, adrenaline sẽ tiết ra khiến chúng tập trung hơn sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy.
7.Sự riêng rẽ (Seclusion)
Khá giống với đặc điểm số 3 là chia ngăn, sự riêng rẽ mà Koshland định nghĩa trong các hệ thống sống là việc tách rời các con đường hóa học và và tính đặc hiệu của các phân tử bên trong đó.
Chẳng hạn như mỗi hooc-môn hoặc protein trong cơ thể chúng ta chỉ đáp ứng với một nhiệm vụ nhất định. Điều này đảm bảo cho các phần tử khó có thể bị ngăn cách (như máu và hooc-môn trong cơ thể) vẫn làm việc được độc lập trong một hệ thống sống.
Danh sách của Koshland có thể được dùng để định nghĩa các sự sống bậc cao, từ trên mức tế bào cho đến các dạng thức sống viễn tưởng như một chương trình AI hoặc một sinh vật ngoài hành tinh thông minh.
Đó là bởi "7 trụ cột của sự sống" mà Koshland xây dựng dường như dựa trên thuyết tế bào, một lý thuyết cũ được phát biểu từ năm 1838. Theo đó, tế bào được ví như viên gạch tạo nên sự sống, và mọi sinh vật có tế bào đều đáp ứng cả 7 tiêu chí mà Koshland đưa ra.
Mặc dù vậy, trong một quá trình ngược dòng lịch sử để tìm về nguồn gốc nguyên thủy của sự sống trên Trái Đất, hai nhà sinh học khác là Zhuravlev và Avetisov đã phản đối 3/7 tiêu chí của Koshland.
Nghiên cứu của họ đăng trên tạp chí Biogeosciences năm 2008 nói rằng có thể các sự sống đầu tiên trên Trái Đất đã không có chương trình, chúng cũng chưa ngăn cách và tách biệt được các chức năng với nhau.
Sự sống nguyên thủy có thể chỉ là những tập hợp phân tử vô cơ ngẫu nhiên. Chúng vẫn có khả năng hấp thụ và tiêu thụ năng lượng, có thể đột biến ngẫu nhiên để thích ứng và tiến hóa thành sự sống tế bào sau này.
Nhưng theo Koshland đó chưa phải sự sống. Điều này sẽ làm nỗ lực tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh của NASA trở nên khó khăn hơn. Biết đâu, trên Sao Hỏa hay một vệ tinh của Sao Thổ có thể đang tồn tại các sự sống nguyên thủy thì sao?
Đó là năm 1976, khi hai tàu thăm dò trong sứ mệnh Viking của NASA hạ cánh xuống Sao Hỏa để tiến hành các thí nghiệm đầu tiên tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Viking 1 và Viking 2 đã thu thập mẫu đất Sao Hỏa, sàng lọc và tìm ra dấu hiệu của các phản ứng trao đổi chất giống với Carbon-14 của sinh vật sống.
Nhưng rốt cuộc các nhà khoa học đã mừng hụt. Các thử nghiệm kiểm tra chéo khác không phát hiện ra bất kỳ phân tử hữu cơ nào chứa carbon, ngoại trừ chloro- và dichloromethane hai phân tử quá đơn giản để có thể hỗ trợ sự sống tồn tại.
Sau nhiều năm tranh luận qua lại gay gắt, cuối cùng, các nhà khoa học NASA đã đi đến kết luận rằng dấu hiệu ban đầu mà hai tàu Viking ghi nhận được đến từ các quá trình phi sinh học, nghĩa là đó không phải sự sống trên Sao Hỏa mà chỉ là một quá trình oxy hóa tự nhiên trên hành tinh đỏ mà con người trước đây chưa từng biết đến.
Nhưng phát hiện đã không tỏ ra vô ích. Sứ mệnh Viking đã đặt các nhà sinh học ở NASA vào một cuộc tranh luận mà họ phải tìm ra cách định nghĩa "sự sống" là gì? Có một khả năng lớn những con tàu chúng ta phóng ra ngoài kia không bao giờ gặp được một sinh vật biết vẫy tay trước ống kính camera và nói "Hello human, I am alive".
Việc chúng ta tìm ra một dấu hiệu nhỏ bé của sự sống ngoài Trái Đất, một phân tử hữu cơ chứa carbon đã có thể khiến chiếm lĩnh các mặt báo trong tuần rồi. Vậy khi nào một phân tử hữu cơ có thể đại diện cho sự sống?
Vào đầu những năm 1990, một ban cố vấn cho chương trình sinh học thiên văn của NASA với sự tham gia của nhà hóa sinh học Gerald Joyce, đã đưa ra một định nghĩa làm tôn chỉ cho các sứ mệnh tìm kiếm của họ: Sự sống là một hệ thống hóa học tự duy trì có khả năng tiến hóa theo thuyết Darwin.
Cụm từ "khả năng" bỏ ngỏ cho NASA một lối thoát để làm hài lòng những nghị sĩ nói rằng chương trình tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh quả là tốn ngân sách một cách vô ích. Bây giờ họ có thể không cần tìm kiếm sự sống, chỉ cần tìm thấy các phản ứng hóa học của sự sống là được.
NASA gọi đó là những "bậc thang phát triển sự sống".
Khung tiêu chí này giúp các nhà khoa học NASA có được một chuỗi dữ kiện để xác nhận một quan sát có tiềm năng là bằng chứng cho sự sống hay không. Các đặc điểm trên mỗi bậc thang có tính xác nhận tăng dần.
Các nhà khoa học cần tìm ra được các đặc điểm từ nhiều bậc thang nhất có thể, nhưng không nhất thiết phải là tất cả, để khẳng định rằng sự sống đã được tìm thấy.
Có thể dễ dàng nhận thấy, tất cả các nấc thang sự sống mà NASA đặt ra chỉ là các dấu hiệu gián tiếp, những đặc điểm hoặc vật chất có thể được tạo ra bởi một tác nhân sinh học.
Bản thân các nấc thang này không hề cố định và vẫn đang gặp phải nhiều tranh cãi, chẳng hạn như thứ tự của chúng hoặc nên có một nấc thang thứ 8, thứ 9 nữa hay không?
"Tất cả phụ thuộc vào một điểm bắt đầu định nghĩa sự sống là gì. Và đó chắc chắn vẫn còn là một vấn đề chúng tôi chưa giải quyết được", Marc Neveu, nhà sinh vật học thiên văn đến từ Đại học Maryland, một trong số những chuyên gia giúp NASA xây dựng những nấc thang này thừa nhận.
Theo triết gia nổi tiếng người Mỹ Carlos Mariscal và nhà sinh vật học W Ford Doolittle, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ: Các vấn đề xuất hiện bên trong các định nghĩa sự sống là do chúng ta đã không suy nghĩ đúng về bản chất của nó.
Năm 2019, một nhóm các nhà khoa học đa ngành tại Đại học Lund ở Thụy Điển (chủ yếu gồm các nhà triết học, thần học và những người hoạt động ngoài lĩnh vực sinh học) đã thử làm một thí nghiệm.
Họ tạo ra một bảng danh sách liệt kê một loạt thứ khác nhau - từ động vật, thực vật đến virus và những bông tuyết – và một bảng danh sách thứ hai chứa các đặc điểm liên quan đến sự sống, chẳng hạn như có DNA và sự trao đổi chất.
Sau đó, nhóm Lund đã thực hiện một cuộc khảo sát các học giả, yêu cầu những người tham gia nối từng dòng ở bảng một sang những dòng ở bảng 2.
Kết quả được xử lý bằng phân nhóm thống kê, nghĩa là gộp tất cả các kết quả có điểm chung lại với nhau. Họ đã phát hiện ra một điều thú vị: Các học giả có xu hướng đánh giá các sinh vật và vật thể họ theo 2 nhóm: có não và không có não.
Điều này chứng minh một góc nhìn chủ quan của các học giả: Hầu hết họ đều đang nhìn thế giới tự nhiên dưới quan điểm "nhân học". Họ bị ám ảnh bởi con người. Điều đó giải thích tại sao những thứ giống chúng ta nhất, những thứ có bộ não, lại tập hợp lại với nhau.
Ảnh của Data - một dạng sống tổng hợp trong Star Trek có khả năng tự nhận thức, có tri giác, cảm xúc và giống con người cả về mặt giải phẫu.
Cũng như chiến lược của bất kỳ ai đang cố gắng định nghĩa sự sống, họ thường tìm kiếm các thực thể giống với sự sống trên Trái Đất và nghĩ về sự tồn tại của chúng như một cá thể.
Giải pháp đó có thể phù hợp với các nhà thiên văn học, nhưng nó sẽ không làm hài lòng những người muốn biết liệu một thứ gì đó kỳ lạ như virus hoặc thậm chí virus máy tính có sống hay không?
Chúng ta cần một định nghĩa chính xác hơn về "sự sống", ở một góc nhìn tổng quan hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ của những sinh vật sống mà chúng ta đã biết để nhận diện được các dạng sống kỳ lạ. Suy cho cùng, nếu không phải nhóm tại Đại học Lund, mà là những con virus SARS-CoV-2 gửi khảo sát cho nhau, chúng có thể định nghĩa về sự sống một cách rất khác.
Vậy có hay không những dạng sống không phải sự sống mà chúng ta từng biết?
Vì khoa học cũng chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho nó, có lẽ chúng ta phải tạm tìm kiếm những sự sống này trong thế giới khoa học viễn tưởng. Hãy thử đi vào vũ trụ của bộ phim Star Trek: The Next Generation.
Trong các chuyến du hành của tàu liên sao Enterprise với "sứ mệnh khám phá những thế giới mới kỳ lạ và tìm kiếm cuộc sống mới, những nền văn minh mới", phi hành đoàn từ Trái Đất đã phải đối mặt với Q, một sinh vật được mô tả như một vị thần sống ngoài tất cả các chiều không và thời gian, sở hữu sức mạnh thao túng được cả thực tại và các định vật vật lý.
Và rồi chúng ta bắt gặp Crystalline Entity, một tinh thể vũ trụ khổng lồ có khả năng tiêu thụ mọi sự sống trên một hành tinh hoặc một phi thuyền để hút năng lượng – có thể coi đó là một dạng trao đổi chất.
Nhưng có lẽ thú vị nhất là việc Star Trek đã tìm thấy Data, một AI thông minh hơn cả con người. Data là một dạng sống tổng hợp có khả năng tự nhận thức, có tri giác, cảm xúc và giống con người cả về mặt giải phẫu. Tuy anh ta không thể sinh sản nhưng bằng trí tuệ của mình, Data đã tự thiết kế và tạo ra cho mình một người con gái.
Bây giờ, quay trở lại với thực tế, liệu khi chúng ta gặp một vị thần sống bên ngoài 3 chiều không gian, một viên đá khổng lồ trong vũ trụ có khả năng trao đổi chất và một AI có khả năng sinh để, tất cả "họ" có được coi là "sống" hay không?
"Sự sống là gì?" không đơn giản là một câu hỏi dành cho các nhà sinh học, mà cả các nhà triết học cũng sẽ đau đầu với nó. Và nếu bạn là một người bình thường vốn đã hiểu sự sống theo những cách nôm na, có lẽ sau bài viết này bạn cũng sẽ phải đau khổ vì mớ kiến thức mới của mình.
Aristotle có lẽ là nhà triết học đầu tiên đã cố gắng định nghĩa sự sống vào năm 350 trước Công Nguyên. Kể từ đó, không biết bao nhiêu nhà thế hệ nhà triết học đã tham gia vào cuộc tranh cãi vô tận chưa đi đến được hồi kết.
Năm 2001, Carol Cleland, một triết gia người Mỹ đã dũng cảm đứng trước một hội trường toàn các nhà khoa học và nói rằng chúng ta đừng định nghĩa sự sống nữa, "toàn bộ việc làm đó quả là vô nghĩa".
Đúng một thập kỷ sau vào năm 2011, một triết gia khác là Edouard Machery đã sử dụng một biểu đồ Venn để thử tìm ra sự giao nhau giữa cách một nhà sinh học tiến hóa, một nhà sinh vật học thiên văn và một nhà nghiên cứu AI định nghĩa sự sống.
Kết quả là 3 vòng tròn đó đứng hoàn toàn độc lập. "Việc định nghĩa sự sống là bất khả thi, có thể nói là vô nghĩa", Machery nói – một lần nữa khẳng định quan điểm triết học của Cleland.
Ảnh chân dung của Edouard Machery vẽ thêm biểu đồ venn 3 vòng tròn không giao nhau (dạng như ảnh dưới, chú thích mỗi vòng tròn là: Sinh học tiến hóa, Sinh vật học thiên văn, AI) và thêm quote:
"Việc định nghĩa sự sống là bất khả thi, có thể nói là vô nghĩa", triết gia Edouard Machery.
Theo Cleland, "định nghĩa không phải là công cụ thích hợp để trả lời câu hỏi khoa học 'Sự sống là gì?'", nhưng các cuốn từ điển với hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới không thể khuyết từ "sự sống". Bây giờ, những người bình thường như chúng ta cũng cần một định nghĩa nôm na về nó để giải quyết mớ hỗn độn này.
Hãy tưởng tượng một đứa trẻ đang khám phá thiên nhiên và hỏi cha mẹ hoặc giáo viên sinh học của chúng: "Sự sống là gì?". Việc trả lời bằng kết luận của Cleland và Machery: "Định nghĩa sự sống là vô nghĩa" không chỉ dập tắt trí tò mò của một đứa trẻ ham học mà còn biến bạn thành một kẻ khốn nạn.
Tốt hơn hết bạn nên trả lời chúng bằng một định nghĩa "nôm na" rồi khuyến khích đứa trẻ tìm hiểu thêm về cuộc tranh cãi xuyên thiên niên kỷ khi chúng đã lớn lên.
Thật may mắn, một định nghĩa "nôm na" là thứ chúng ta có thể đạt tới được khi nói về sự sống.
Năm 2011, nhà lý sinh Edward Trifonov người Israel gốc Nga đã cố gắng phá vỡ thế bế tắc bằng cách so sánh 123 định nghĩa về sự sống khác nhau để tìm ra sự đồng thuận trong đó. Công việc rất đơn giản, tìm tất cả các cụm từ đồng nghĩa rồi nhóm chúng lại với nhau và lọc ra những từ được sử dụng nhiều nhất.
Cuối cùng, Trifonov đã định nghĩa được: "Sự sống là sự tự tái sinh với các biến thể".
"Các biến thể" trong định nghĩa của Trifonov là kết quả của các đột biến (lỗi trong quá trình sao chép) xảy ra trong quá trình sinh sản, là thứ tạo ra sự đa dạng trong một quần thể cho phép các cá thể "sống sót tốt nhất" tồn tại thông qua quá trình tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên.
Có thể thấy mặc dù không sử dụng những từ giống nhau, nhưng định nghĩa của Trifonov và NASA thực chất là hai mặt của cùng một đồng xu. Khái niệm trung tâm ở đây là: Sự sống có thể thích ứng với môi trường của nó.
Năm 2019, JV Chamary, một nhà sinh vật học tiến hóa đồng thời là một nhà truyền thông khoa học cuối cùng đã đại diện công chúng kết hợp cả hai định nghĩa này lại thành một. Về cơ bản, anh ấy đã búng đồng xu lên bàn và để nó xoay bất tận giống một totem trong Inception.
Chamary phát biểu: "Sự sống là một thực thể có khả năng thích ứng với môi trường của nó".
Đó gần như là một định nghĩa "nôm na" bao quát và tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể sử dụng từ bây giờ. Chamary dùng từ "thực thể" có nghĩa là sự sống có thể là bất cứ thứ gì, từ một vài phân tử hữu cơ cho đến một sinh vật, hay một vị thần, một AI…
Việc bỏ khả năng sinh sản cho phép những virus máy tính, trí tuệ nhân tạo hoặc robot thông minh trong tương lai cũng có thể tham gia vào bữa tiệc của sự sống. Trong khi, thích ứng với môi trường đã bao hàm trong đó thuyết tiến hóa của Darwin, là cách mà sự sống biến thể dưới sự ảnh hưởng của điều kiện xung quanh.
Nhưng theo thời gian, định nghĩa của Chamary rốt cuộc có đúng không? Chúng ta không biết khi đồng xu vẫn còn đang quay tròn.
Nhưng ít nhất, trước khi nó đổ xuống ở một mặt nhất định thì đó là một định nghĩa không thể sai mà bạn có thể dùng trong mọi tình huống: trả lời một đứa trẻ tò mò, nói chuyện với một nhà sinh vật học, một triết gia hay thậm chí một kỹ sư nghiên cứu AI.