Ông Bình cho biết: "Với chương trình ở Huế do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phối hợp với đại học Y khoa để trao học bổng cho sinh viên, gia đình có quyền sử dụng tác phẩm đó.
Còn liên quan đến việc phổ biến tác phẩm như “Nối vòng tay lớn” thì tôi thấy hơi lạ. Lâu nay, bao nhiêu chương trình ca nhạc từng sử dụng ca khúc này, tại sao bây giờ lại bảo chưa được cấp phép?".
Cũng theo ông Bình, gia đình ủy quyền cho trung tâm toàn bộ tác phẩm của Trịnh Công Sơn, theo kê khai là 289 tác phẩm, trong đó Cục mới cho phép phổ biến 77 tác phẩm.
Về nguyên tắc, Cục NTBD cho phép phát hành ca khúc khi đơn vị, cá nhân làm hồ sơ xin phép phổ biến.
"Theo tôi, về mặt cơ quan quản lý nhà nước, nếu cấm bài hát nào thì phải đưa ra tiêu chí rõ ràng cho dư luận xã hội biết được việc cấm đó là đúng hay sai.
Nhiều luồng dư luận phản ứng chuyện đưa ra bản gốc, làm sao xác định thế nào là bản gốc?
Đại đa số các tác giả viết trước 1975 thì có khi không còn giữ bản thảo, chỉ còn bản in lại, coi như là dị bản. Xác định bản gốc cũng khó cho tác giả.
Phía Trung tâm cũng có ý kiến là Cục chỉ kiểm duyệt về mặt nội dung, để sao cho công chúng hưởng thụ được tác phẩm của tác giả.
Những bài tình khúc hay những bài có tính chất nối kết cộng đồng như Nối vòng tay lớn thì không nên quá khắt khe" - ông Bình chia sẻ.