Các cơ sở y tế , trường học, gia đình phát huy trồng và sử dụng cây thuốc Nam vừa có giá trị trong việc sơ cứu trị liệu, vừa làm đẹp môi trường. Chữa bệnh bằng cây thuốc Nam dễ tìm và sử dụng, dùng dâu dài hạn chế được tác dụng phụ của thuốc và đem lại hiệu quả nhất định trong nhiều bệnh. Xin giới thiệu cùng bạn đọc trong bài viết dưới đây.
Rau má chữa suy giãn tĩnh mạch
Theo dược học cổ truyền, rau má vị ngọt tính bình, có công dụng thanh nhiệt dưỡng âm, lợi tiểu giải độc.
Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, loại thảo dược này có chứa khá nhiều bêta caroten, sterol, saponin, alcaloid, vitamin và các nguyên tố vi lượng, có tác dụng cải thiện vi tuần hoàn ở các tĩnh mạch, mao mạch, bảo vệ lớp áo trong của thành mạch, gia tăng tính đàn hồi của mạch máu, làm giảm cholesterol, chống phù và giúp làm lành các vết loét nên rất thích hợp với các trường hợp bị suy giãn tĩnh mạch.
Đơn giản nhất là có thể ăn rau sống hoặc nấu canh, luộc hay giã nhuyễn vắt lấy nước uống. Cũng có thể dùng máy xay chế thành nước rau má nguyên chất hoặc chế theo sữa dừa, sữa đậu xanh hay đậu nành làm nước giải khát bổ dưỡng. Chú ý, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú không nên dùng rau má.
Cây hoắc hương chữa viêm xoang
Trong lá hoắc hương có chứa 4,5% tinh dầu, trong đó có patchoulialcol, pogastol, norpatchoulenol…, có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, chống kích ứng. Theo y học cổ truyền, hoắc hương vị cay the, mùi thơm hắc, tính ấm, có công dụng thiêu thử, giải biểu, hóa thấp, sát trùng và chỉ ẩu.
Khi bị viêm xoang có thể dùng hoắc hương để xông mũi (tương tự như xông bạc hà hay hoa cứt lợn tía) hoặc lấy 30g hoắc hương tươi (12g khô) sắc hoặc hãm uống (có thể cho thêm bạch chỉ 10g, ké đầu ngựa 12g, kim ngân hoa 12g).
Đặc biệt là cách lấy dịch mật lợn, lọc để loại sỏi, cô cách thủy hoặc sấy đến sền sệt (phải luôn giữ ở 60-70 độ C), nếu nhiệt độ cao mật dễ bị cháy. Thân và lá hoắc hương rửa sạch, hong cho khô chứ không sấy rồi đem tán bột. Cứ 120g bột hoắc hương trộn đều với mật lợn đã chế biến, chia thành viên đều nhau. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g với nước ấm. Dùng từ 2-4 tuần liên tục.
Lá ổi giúp hạ đường huyết
Trong thành phần hóa học, lá ổi có chứa nhiều catechol, tanin loại pyrroganol, tinh dầu như d và dl limonen, còn có sapsm nhựa, đường, các vitamin B1, B2, B6, C niacin, quercetin, triterpen… Lá ổi có tác dụng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và vết thương, kích thích tổ chức hạt phát triển.
Đặc biệt, lá ổi có các chất ức chế men α-glucosidase, là men giúp thủy phân đường đôi, nhờ đó làm chậm quá trình hấp thu lượng đường từ thức ăn; nâng cao độ mẫn cảm với insulin; làm giảm đường huyết với việc có nhiều chất xơ pectin cả hòa tan và không hòa tan; ức chế sự hoạt động của men protein tyrosinphosphatsase giúp điều trị tiểu đường tý́p II.
Ngoài ra, lá ổi còn chống ôxy hóa với vai trò của carotenoid và polyphenol giúp dự phòng các biến chứng của tiểu đường.
Để hỗ trợ trị liệu tiểu đường có thể dùng: (1) lá ổi non 100g, sắc uống hàng ngày. (2) lá ổi non 50g, lá sa kê 100g, râu ngô tươi 100g, sắc uống. (3) lá ổi 15g, dây thìa canh 15g, sắc uống. (4) lá ổi 15g, lá dâm bụt 15g, sắc uống hàng ngày. Chú ý, những người hay bị táo bón cần thận trọng khi dùng lá ổi chữa bệnh.
Quả chanh hỗ trợ chữa thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
Chanh là một loại quả hết sức thông dụng và có nhiều công dụng trong việc phòng chống bệnh tật. Gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nước cốt của loại quả này có công dụng hỗ trợ trị liệu bệnh thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm.
Dịch ép quả chanh vốn là một thứ nước uống rất tốt, giàu vitamin C, B, muối khoáng và acid citric, chứa đến 22 chất chống ung thư bao gồm limonene, citrus pectin, glycosides flavonnol, vitamin C. Theo dược học cổ truyền, chanh vị chua ngọt, tính bình, có tác dụng sinh tân, chỉ khát, trừ thấp, an thai.
Một thử nghiệm lâm sàng với các bệnh nhi mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm cho thấy, nước cốt chanh có thể giảm triệu chứng đau đớn (50% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 92,7% khi không dùng).
Không những thế, loại nước này còn giảm tình trạng ốm sốt (46,6% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 87,3% khi không dùng) và tỷ lệ phải nhập viện (3,4% khi sử dụng nước cốt chanh, so với 34,5% khi không dùng). Để hỗ trợ trị liệu căn bệnh này, có thể dùng chanh dưới dạng vắt nước cốt uống, pha nước chanh đường, ô mai chanh, chanh muối…
Lá vông nem chữa mất ngủ
Theo y học cổ truyền, lá vông nem vị đắng nhạt, tính bình, có công dụng trấn tâm an thần. Thành phần hóa học có chứa các alcaloid như erythrinin, erythralin, erysothrin…, còn có albuminoid, carbohydrat, acid phosphoric, có tác dụng dược lý như ức chế thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp.
Khi bị mất ngủ có thể dùng lá vông non độc vị hoặc phối hợp với lá dâu non nấu canh với thịt lợn nạc ăn hàng ngày. Cũng có thể dùng lá vông 15g, lá dâu 12g, lạc tiên 12, thảo quyết minh 12, hãm hoặc sắc uống thay trà hằng ngày hoặc lá vông 20g, tâm sen 20g, long nhãn 15g, quả dâu chín, sắc uống.
Lá vông nem chữa mất ngủ.