Đừng để bóng rơi vào chân trái của Salah
Có nhiều cầu thủ Roma là đồng đội của Salah. Họ biết tốc độ và kĩ năng xử lý bóng bằng chân trái của tiền đạo người Ai Cập ảo diệu đến đâu. Nhưng chính họ lại không ngờ rằng chỉ sau một năm, Salah đã thay đổi chóng mặt đến thế.
Salah ở Anfield là một Salah ở đẳng cấp khác, cao hơn rất nhiều so với thời còn chơi bóng ở Olimpico. Bởi thế, khi được các đồng đội cũ "ưu ái" tặng cho quá nhiều khoảng trống, Salah đã bùng nổ. Hai bàn thắng và hai đường kiến tạo. Tất cả đều đẳng cấp.
"Bàn đầu mang dáng dấp Robben. Bàn thứ hai là nghệ thuật của Messi", ai đó đã phải thốt lên khi chứng kiến hai pha làm bàn ngoạn mục ấy. Robben và Messi đều là những ngôi sao với cái chân trái cực "dị". Bây giờ Salah cũng thế, luôn biết tạo ra khác biệt với cái chân trái rất ngoan ấy.
Salah xuất phát từ cánh phải, nhận bóng và dùng chân trái để đưa vào một vùng "khuôn" nhất định trước khi cứa lòng đưa bóng găm vào góc xa. Các thủ môn đều biết Salah đá thế, nhưng không phải ai cũng cản phá thành công, bởi quỹ đạo của bóng rất khó. Đó là kiểu của Robben, một bậc thầy về đá kiểu "1 kèo".
Khi Salah đột nhập vòng cấm, anh xử lý tốt ở cả hai chân nhưng khi dứt điểm, sự tinh tế thể hiện rõ ở cái chân trái. Salah không dứt điểm mạnh, nhưng lại cực hiểm và thông thường nó vặn sườn đối phương, khiến cho họ không thể cản phá. Đó là hình ảnh lặp lại của Messi, ngôi sao lớn nhất của bóng đá đương đại.
"Đừng cho Salah khoảng trống. Đừng cho Salah cầm bóng bằng chân trái", tân HLV Carlos Carvalhal của Swansea đã yêu cầu từng học trò của mình như thế khi gặp Liverpool ngày 22/1. Trận ấy, các cầu thủ Swansea đã tuân thủ ý đồ chiến thuật. Họ vô hiệu hóa được Salah, và có chiến thắng 1-0.
Nhưng không phải đội bóng nào cũng làm được như Swansea. Ở nước Anh chỉ có thêm Man United là hiện vẫn chưa bị Salah chọc thủng lưới. Trong khi tại châu Âu, không đội nào cản được anh ghi bàn. Tất cả chỉ vì "Messi Ai Cập" quá xuất sắc.
Món hời của Liverpool
Khi Liverpool hoàn tất bản hợp đồng trị giá 38 triệu euro mang tên Salah, cũng là lúc Man United, Chelsea, Man City và thậm chí là Arsenal đã và đang có những bản hợp đồng bom tấn khác.
Ở thời điểm giá trị cầu thủ bị đẩy lên một cách chóng mặt từ thương vụ 110 triệu euro mang tên Paul Pogba ở mùa Hè trước đó, con số 38 triệu euro dành cho Salah không nói lên nhiều điều. Thương vụ này của Liverpool bị chìm dưới những bản hợp đồng mang tên Lacazette (Arsenal), Lukaku, Matic (Man United), Morata (Chelsea) hay Walker, Mendy (Man City).
Thế nhưng, Salah lại mới là cái tên mang tới điều kì diệu nhất cho mùa bóng này. 43 bàn trên mọi đấu trường, 12 kiến tạo và không một thẻ vàng hay thẻ đỏ nào. Bốn lần là Cầu thủ hay nhất tháng ở Premier League. Salah cũng vừa nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải.
Lúc này, Salah đang có cơ hội để chinh phục kỷ lục ghi bàn mọi thời đại của Liverpool hiện do Ian Rush giữ với 47 bàn mùa 1983/84. Anh còn 5 trận đấu nữa để hiện thực hóa mục tiêu này.
Điều đáng nói, phong độ ghi bàn của Salah đang giúp Liverpool cực bùng nổ ở Champions League khi họ đã có 38 lần sút tung lưới đối phương. Liverpool là đội ghi nhiều bàn nhất, đội duy nhất còn bất bại. Riêng bộ 3 Salah, Mane, Firmino có 28 bàn, còn nhiều hơn cả đội Real Madrid (26) và Bayern Munich (23).
Những con số ấy là minh chứng cho giá trị mang tên Salah. Với 38 triệu euro, anh xứng đáng là một món hời thực sự. Nó hơn gấp nhiều lần so với 222 triệu euro mà PSG đã bỏ ra để mua Neymar từ Barca, hay như con số 165 triệu euro cho Coutinho mà Barca trả cho Liverpool trong mùa Đông này.
Số phận chọn Salah gắn với trái bóng
Salah không được sinh ra để trở thành cầu thủ bóng đá. Ở Nagrig, nằm ở phía Bắc Ai Cập, những cậu bé như anh phải làm thêm từ sớm để đỡ đần thu nhập cho gia đình. Không Học viện đào tạo, không sân đấu chuyên nghiệp và chẳng có lấy một quả bóng đúng nghĩa.
Salah và bạn bè thỏa mãn tình yêu túc cầu bằng kora sharab, cách người Nagrig gọi quả bóng làm từ những đôi tất. Cuộc đời của Salah có lẽ đã bình lặng như bao bạn cùng trang lứa nếu không có một ngày một tuyển trạch viên tự do ghé qua Nagrig.
Cậu bé có mái tóc xoăn lập tức được đưa tới thành phố Tanta gần đó, bắt đầu cho chặng đường phát triển sự nghiệp. Mỗi ngày, vào lúc 7 giờ sáng, Salah đi bộ 1km, đi xe đạp đến thị trấn Basyoun, tiếp tục lên xe bus tới Tanta, đi tiếp tới Cairo và rồi bắt chuyến xe bus tới CLB. Việc đi lại hàng ngày mất 4 giờ đồng hồ. Kết thúc mỗi buổi tập, Salah về nhà khi đã nửa đêm.
Salah không đầu quân cho những CLB hàng đầu Ai Cập như Ahly hay Zamalek. Năm 2012, Basel đá trận giao hữu với ĐT U23 Ai Cập. Tài năng của Salah lọt mắt xanh đội bóng Thụy Sỹ. Trong vòng 1 tháng, họ ký hợp đồng. Từ Basel, Salah tới Chelsea, Fiorentina, Roma và giờ là Liverpool, nơi tài năng của anh nở rộ và vươn tầm đẳng cấp thế giới.
Đã đến lúc để nói đến Bóng vàng
Trong suốt 10 năm qua, Ronaldo và Messi thiết lập một cuộc đua song mã ở danh hiệu này. Ronaldo có Bóng vàng đầu tiên vào năm 2008. Tiếp đó là 3 năm liên tiếp của Messi. Hai năm gần đây, Ronaldo đều giành danh hiệu cao quý này. Tỷ số 5-5 được chia đều cho hai ngôi sao xuất sắc nhất.
Người ta đã nói về Neymar như một trong những ứng viên sáng giá, người có thể chen chân vào cuộc đua song mã của Ronaldo và Messi. Việc Neymar dứt áo rời Barca sang PSG trong mùa Hè vừa qua thể hiện quyết tâm cao độ giành Bóng vàng của ngôi sao người Brazil.
Nhưng tiếc cho Neymar, anh chỉ có thể xưng hùng bá ở Ligue 1. Ở châu Âu là một câu chuyện khác khi tập thể toàn sao của PSG bị ĐKVĐ Real Madrid dạy cho một bài học thế nào về đẳng cấp. Trong cuộc chiến tay đôi với Ronaldo, Neymar đã thảm bại.
Người ta lại nói về Messi, rằng anh sẽ phải là người chặn đứng được Ronaldo, ngăn không cho ngôi sao người Bồ Đào Nha đến với danh hiệu Bóng vàng thứ 6. Nhưng Barca của Messi lại bị loại cay đắng bởi một Roma đầy lì lợm ở tứ kết.
Lúc này, Ronaldo vẫn thăng hoa cùng Real Madrid, nhưng anh không đơn độc trong cuộc đua đến với Bóng vàng. Salah đã bước ra ánh sáng, dữ dội và thậm chí còn bùng nổ hơn cả CR7. Salah cứ ra sân là ghi bàn, là giúp Liverpool chiến thắng.
Màn trình diễn chói sáng trước Roma giúp Salah đưa Liverpool đặt một chân vào chung kết. Nếu Liverpool vô địch và Salah tỏa sáng cùng Ai Cập ở World Cup 2018 tới đây, Bóng vàng dành cho anh là điều hiện hữu.
Người gắn kết tình yêu Ai Cập
Người Ai Cập bay tới Liverpool hàng tuần để xem người hùng của họ chơi bóng. Liverpool đã sản xuất riêng những chiếc áo in tên Salah bằng tiếng Ả-rập để bán cho đối tượng khách hàng mới. Giữa xã hội bị chia rẽ bởi xung đột, bởi rắc rối kinh tế, Salah là một trong những điều lớn lao nhất khiến người Ai Cập hạnh phúc. Họ chờ đợi từng 90 phút thi đấu của Salah để quên đi tất cả những gì đang diễn ra.
"Messi không đoàn kết quốc gia, khu vực, phải không? Ronaldo cũng vậy. Nhưng Salah thì khác", Hatem Kadous, một luật sư người Ai Cập, nói.
Trên bức tường lớn ở trung tâm thủ đô Cairo, hình ảnh Salah xuất hiện bên cạnh những nhân vật nổi tiếng nhất của Ai Cập, ca sĩ huyền thoại Umm Kulthum hay nhà văn đạt giải Nobel Naguib Mahfouz. Tại Ai Cập, Salah được gọi là "Kim tự tháp thứ 4". Mỹ từ này gắn với Salah kể từ tháng 10/2017, sau khi anh ghi bàn quyết định trên chấm phạt đền đưa Ai Cập tới VCK World Cup lần đầu tiên sau 28 năm đợi chờ.
"Salah là một anh hùng dân tộc, người đã biến giấc mơ của đất nước trở thành hiện thực", Mohamed Megahed, một nhân viên làm việc cho chính phủ Ai Cập, nói về tiền đạo Liverpool.
Sự giản dị của một ngôi sao
Cristiano Ronaldo đã nghĩ ra một kiểu ăn mừng đặc biệt mà chỉ anh mới có. Paul Pogba thay đổi kiểu tóc còn nhiều hơn cả số bàn thắng anh ghi cho Man United. Lionel Messi càng ngày càng chú tâm đến những hình xăm nhiều hơn... Chỉ có Salah là giản dị. Nhưng sự giản dị ấy lại khiến anh trở thành người được yêu mến nhất.
Hai lần sút tung lưới Roma, Salah đều không ăn mừng. Cá nhân Salah hiểu rằng nếu Roma không tạo điều kiện, không đưa anh về từ Chelsea nâng bước thương hiệu, anh không có được như ngày hôm nay. Bởi thế, gặp lại đội bóng cũ và ghi bàn, thậm chí là một cú đúp, thực sự mang tới những dòng cảm xúc trái ngược nhau.
Salah vui vì có những bàn thắng, giúp Liverpool đặt một chân vào chung kết. Nhưng lại nhói đau vì những bàn thắng ấy lại vào chính lưới của đội bóng cũ. Nếu là trước Chelsea, đội bóng từng ruồng bỏ anh, Salah sẽ ăn mừng. Nhưng đây là Roma và trong khoảnh khắc thăng hoa của bản thân, anh chọn giải pháp im lặng.
Hai khoảnh khắc nghệ thuật được tạo ra trong trận đấu ở Anfield bởi Salah. Và khi mà các đồng đội lẫn CĐV ở Anfield vỡ hòa, Salah giơ hai tay, cúi đầu, khuôn mặt đuợm buồn. Đó là hành động thể hiện sự tôn trọng, với đội bóng cũ, với những người đồng đội mà anh từng gắn bó.
Nếu để ý, từ khi Salah đến Chelsea từ Basel cho tới hôm nay, anh vẫn chỉ có một kiểu tóc duy nhất. Những lọn tóc quăn tít cùng bộ râu quai nón của một người Ai Cập chính hiệu. Mái tóc xù ấy, bộ râu đen ấy đang trở thành một thương hiệu mới trong làng bóng đá hiện đại. Lần đầu tiên trong lịch sử, một ngôi sao người Ai Cập tạo ra những cảm xúc chạm đến trái tim người hâm mộ.
Những màn trình diễn xuất sắc của Mohamed Salah năm 2018