Mổ xẻ các giai đoạn phát triển của quân đội Triều Tiên

Trung Hiếu |

Tư duy chiến lược quân sự của Triều Tiên khá phức tạp, khiến giới phân tích phương Tây có thể phải vò đầu bứt tai phán đoán về quân đội nước này.

Việc tổ chức và phát triển các lực lượng quân sự của Triều Tiên diễn ra trong 3 thời kỳ, đó là (1) thời kỳ của Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) từ năm 1997 đến đầu thế kỷ 21, (2) của Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Triều Tiên (NKSOF) cũng trong thời gian đó, và (3) của lực lượng hải quân nước này từ năm 2010 đến 2012.

Mỗi giai đoạn quá độ này đều theo sau một sự thay đổi trong tư duy chiến lược từ quy ước đến bất đối xứng.

Giai đoạn 2010-2012 là quãng thời gian Triều Tiên đạt đến năng lực thực hiện chiến tranh bất đối xứng.

Những thay đổi tổng thể trong năng lực quân sự của Triều Tiên, việc nhấn mạnh đến vũ khí chiến lược và bản chất của các động thái quả quyết của Triều Tiên vừa qua đã cho thấy quốc gia này đang có cách tiếp cận chiến lược bất đối xứng.

Các giai đoạn phát triển quân sự của Triều Tiên

Triều Tiên phát triển quân đội của mình theo lối phi tuyến tính, từ trên xuống. Sự phát triển này có 5 giai đoạn:

Giai đoạn 1

Trong giai đoạn đầu này, quân đội Triều Tiên gia tăng đều đặn theo kiểu tuyến tính số lượng binh sĩ, bắt đầu từ cuối Chiến tranh Triều Tiên cho tới hiện nay.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, vào năm 1985 quân đội Triều Tiên đông thứ 6 thế giới, với tổng quân nhân là 838.000 người; vào năm 2015, họ đứng thứ 4, với 1.379.000 quân nhân.

Việc xây dựng lực lượng như thế này được xem xét là mang bản chất phòng thủ, tạo ra một lá chắn đông đảo gồm chủ yếu lực lượng lục quân. Triều Tiên đã hoàn thành giai đoạn này.

Giai đoạn 2

Giai đoạn này chứng kiến việc Triều Tiên phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, cùng với năng lực hạt nhân. Triều Tiên khởi xướng chương trình tên lửa của mình vào năm 1976.

Giai đoạn này kéo dài đến khi Triều Tiên phô diễn tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-10 trong cuộc duyệt binh năm 2010. Tầm bắn của tên lửa này là 2.500km (chỉ có khả năng vươn tới khu vực của chuỗi đảo thứ nhất).

Quá trình phát triển này cũng được xem là phòng thủ và mang tính bất đối xứng, và đã kết thúc.

Giai đoạn 3

Triều Tiên phát triển năng lực hạt nhân cùng với tên lửa đạn đạo tầm xa. Giai đoạn này kéo dài từ cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-10 vào năm 2016 đến cuộc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa năm 2017.

Đặc điểm và mục đích của giai đoạn này là tiến công và bất đối xứng với tầm bay của tên lửa gia tăng, đủ sức vươn tới toàn bộ chuỗi đảo thứ nhất và về lý thuyết có thể vươn tới cả chuỗi đảo thứ hai. Triều Tiên cũng đã hoàn tất giai đoạn này.

Giai đoạn 4

Đây là giai đoạn Triều Tiên mở rộng năng lực hải quân cùng với tên lửa đạn đạo liên lục địa. Giai đoạn này bắt đầu bằng việc nâng cấp các cơ sở huấn luyện, hệ thống vũ khí, và các năng lực tác chiến đặc biệt tại căn cứ hải quân Munchon vào năm 2014.

Cùng năm này, các hình ảnh vệ tinh thương mại phát hiện thấy 2 tàu hộ vệ mới của Triều Tiên chở máy bay trực thăng. Việc xây dựng tiếp tục trong suốt năm 2017 với các cuộc thử nghiệm tên lửa Hwasong-14 và Hwasong-15.

Đặc điểm và mục đích của giai đoạn này là tiến công và bất đối xứng. Tầm bắn các tên lửa của giai đoạn này có thể vươn tới toàn bộ hai chuỗi đảo. Quá trình này vẫn đang diễn ra.

Giai đoạn 5

Triều Tiên mở rộng năng lực của Không quân Triều Tiên (KPAAF) cùng với việc phát triển thêm các hệ thống vũ khí hải quân. Giai đoạn này mới khởi xướng.

Cuộc gặp thượng đỉnh năm 2018 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, cùng với việc Tổng thống Hàn Quốc Moom Jae-in hồi sinh lại chính sách Ánh dương đánh dấu sự mở đầu của giai đoạn 5 này.

Trong giai đoạn này, Triều Tiên có thêm thời gian và nguồn lực, đồng thời chịu ít áp lực chính trị từ bên ngoài hơn, điều này giúp họ tập trung vào xây dựng lực lượng quân sự quy ước, chủ yếu là lục quân và không quân.

Chuỗi các giai đoạn trên khiến phương Tây khá bị rối và bất ngờ. Với cách tiếp cận bất đối xứng, Triều Tiên vẫn đạt được sự tiến bộ về mặt quân sự theo lối phi tuyến tính, lúc tiến lúc thoái.

Chiến tranh tổng hợp

Quá trình chuyển đổi quân đội Triều Tiên bắt đầu vào cuối thập niên 1990 với sự tập trung vào các lực lượng đặc nhiệm.

Các thay đổi xảy ra trước thập niên 1990 - như tái cấu trúc quân đội, thay đổi bản chất huấn luyện nói chung cũng như huấn luyện của lực lượng đặc nhiệm, và việc thay thế lính bộ binh chính quy bằng lính bộ binh hạng nhẹ dọc theo khu phi quân sự (DMZ) - cho thấy Triều Tiên chuyển từ nhấn mạnh chiến tranh quy ước sang phát động chiến tranh bất đối xứng và gia tăng các mối đe dọa theo lối đó.

Việc Triều Tiên tập trung vào vũ khí chiến lược và đòn bất đối xứng là tương đối mới.

Trước năm 2012, trọng tâm phát triển quân sự của Triều Tiên là pháo binh, hệ thống tên lửa, và năng lực hạt nhân. Giai đoạn 2012-2017, trọng tâm của họ là tác chiến điện tử và năng lực trong không gian mạng.

Nhiều khả năng Triều Tiên vào năm 2012 đã hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng vũ trang thông thường của mình và đã bắt đầu xúc tiến chuyển đổi các năng lực quân sự khác.

Thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Triều Tiên có thể chứng kiến việc quân đội nước này quá độ sang thời kỳ có năng lực tác chiến tổng hợp và phát triển chiến lược chiến tranh trên biển.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại