Theo thống kê, mỗi năm con người thải ra các đại dương tới hàng triệu tấn rác thải nhựa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều loài sinh vật. Và nay, số rác ấy đang giết hại cả cá voi - những ông hoàng của đại dương.
Cụ thể thì mới đây, có một chú cá voi mũi khoằm Cuvier (Beaked Cuvier) dài khoảng 6m đã dạt vào bờ biển đảo Skye (Scotland). Khi mổ xác của chú cá xấu số, người ta phát hiện ra có rất nhiều rác nhựa và túi nylon vón cục trong ruột, với tổng trọng lượng lên tới 4kg.
Số túi ấy bao gồm túi khoá kéo, túi đựng thực phẩm đông lạnh, và cả túi đựng rác nữa.
Trên thực tế, cá voi kiếm ăn ở những vùng biển khá xa và tương đối sâu, vậy nên chúng là những sinh vật phải chịu ít hậu quả nhất từ xã hội loài người. Thế nhưng, hóa ra tác động của con người đã lớn hơn chúng ta tưởng rất nhiều.
Và đây cũng không phải lần đầu tiên người ta tìm thấy rác nhựa trong bụng cá voi. Tại bờ biển Bergen (Na Uy), một chú cá voi Cuvier khác đã chết vì ăn phải một lượng lớn rác nhựa (trong đó có nhiều loại túi có nguồn gốc từ Anh Quốc).
Số rác nhựa khổng lồ trong bụng cá
Chú cá ấy được đặt tên là Plasthvalen - có nghĩa là cá voi nhựa (Plastic Whale) trong tiếng Na Uy, nhằm mục đích kêu gọi người dân có trách nhiệm hơn trong vấn đề phân loại rác.
Theo tiến sĩ Andrew Brownlow - người đứng ra khám nghiệm xác của chú cá voi tại Skye: "Mỗi mảnh rác rơi xuống biển là trách nhiệm của con người. Rõ ràng chúng ta hành động trước để ngăn nó lọt ra ngoài".
"Giả sử như con cá voi này chỉ là một ví dụ nhỏ, thì rõ ràng hiện thực đang cực kỳ đáng sợ, hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều".
Một trong những cộng sự của ông là tiến sĩ Mariel ten Doeschate cho biết đây là trường hợp cá voi chết đầu tiên trong hơn 4000 trường hợp ăn phải rác nhựa.
Các giả thuyết được đưa ra, đó là cá voi đã nhầm túi nhựa với sứa hoặc mực. Khi lọt vào ruột, chúng sẽ tạo thành những khoảng trống, ngăn không cho dạ dày cá hấp thụ hoặc tiêu hóa các loại thực phẩm khác. Chưa kể, nó có thể gây dị ứng, kích thích dạ dày cá, khiến cá chết đói mà chẳng hiểu tại sao.
Theo ông, đã đến lúc con người cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý rác theo đúng quy trình, cần phải hạn chế đến mức tối đa số rác thải ra biển mỗi năm - nếu không muốn toàn bộ môi trường biển bị hủy hoại.
Nguồn: Daily Mail