"Mỏ vàng" đem về 30.000 tỷ đồng mỗi năm, đưa thành phố Việt Nam vào top đầu ASEAN được ưu tiên đầu tư

T.Hà |

Nếu được đầu tư khởi công sớm, "mỏ vàng" này có thể mang về cho Việt Nam 34.000-40.000 tỷ đồng mỗi năm.

Ưu tiên đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

Trong văn bản "Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa được Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ nằm trong nhóm được định hướng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới.

Kế hoạch này nhằm tăng cường khả năng trung chuyển hàng hóa quốc tế với khoảng 3,6 triệu TEU qua cảng này vào năm 2030, theo Đề án do Thủ tướng giao cho TP.HCM và dựa trên sự cam kết của các nhà đầu tư tiềm năng.

Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: VOV

Đến năm 2030, quy mô cảng sẽ phát triển 4 cầu cảng với tổng chiều dài đạt 2.016 m, năng lực thông qua 57,6 triệu tấn, được phát triển phù hợp với tiến trình thu hút nguồn hàng trung chuyển container quốc tế. Bến cảng sẽ đáp ứng cho cỡ tàu 250.000 tấn hoặc lớn hơn, có bến container và các bến cảng khác.

Trước đó, ngày 28/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM. Để có thể khởi công dự án trong năm 2025 theo kế hoạch, Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải được hoàn thiện sớm để trình Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Ủy ban nhân dân TP.HCM rà soát các nội dung theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, nhất là tính khả thi và hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, khu bến Cái Mép - Thị Vải để hoàn thiện Đề án.

Kết hợp Cảng Cái Mép và Cần Giờ để đủ sức cạnh tranh thế giới

Hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ giữa cảng Cần Giờ và cảng  Cái Mép - Thị Vải được xác định không phải cạnh tranh mà là hợp lực. Hai dự án sẽ là bước đột phá cho kinh tế Đông Nam Bộ, bởi hình thành cửa ngõ giao thương tầm cỡ quốc tế. 

Cảng Cần Giờ sẽ bổ sung cho hệ thống Cảng Cái Mép, nâng tầm toàn bộ cụm cảng số 4 thành cảng biển quốc gia, tầm cỡ quốc tế, cạnh tranh với thế giới. Cụm cảng này kết hợp mới có thể phát triển hết tiềm năng vì lợi ích quốc gia. Từ đó, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam trở thành "đại bàng" trong vận tải biển thế giới.

Trong khi đó, cảng Cần Giờ được đầu tư xây dựng với mục tiêu tạo ra trung tâm trung chuyển quốc tế cho các tàu container cực lớn, từ đó phân phối nguồn hàng đi khắp thế giới.

"Chúng ta không nên nghĩ Cái Mép - Thị Vải của Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Giờ của TP.HCM mà nên nghĩ đây là 1 hub về hệ thống cảng 2 bên bờ sông Cái Mép - Thị Vải của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia. Nếu khai thác tốt, hệ thống này sẽ nhanh chóng tạo sức bật kinh tế biển rất lớn", báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển Portcoast.

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Tại hội nghị lần thứ 2 của Hội đồng với chủ đề tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra vào ngày 26/11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, định hướng quy hoạch đang xây dựng cảng trung chuyển quốc tế của vùng Đông Nam Bộ bao gồm Cảng Cái Mép và Cần Giờ, kết hợp tạo thành trung tâm logistics lớn của vùng và của cả nước. Việc xây dựng cảng không phải là để phát triển riêng lẻ.

"Chúng tôi đã đi khảo sát rồi, Cái Mép và Cần Giờ nằm hai bên sông Thị Vải, một bên làm rồi, bên còn lại làm có gì đâu. Buôn có bạn, bán có phường. Chúng ta thành lập các cảng trung chuyển nhằm tạo ra trung tâm logistics đủ lớn mạnh để cạnh tranh với các trung tâm logistics lớn của thế giới, chứ không phải để hai cảng này cạnh tranh nhau", báo Lao Động trích lời Thủ tướng phát biểu. 

Siêu cảng Cần Giờ đưa TP.HCM thành "mỏ vàng" logistics của khu vực và châu Á

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ dự kiến được đặt tại khu vực cù lao Con Chó, thuộc xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây chỉ là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và không gây ảnh hưởng tới vùng lõi. Khu vực này tách biệt với các khu dân cư lân cận và có lợi thế về giao thông đường thủy và hàng hải.

Dự án cảng Cần Giờ có tổng mức đầu tư lên đến 129.000 tỷ đồng, dự kiến có cầu cảng chính dài khoảng 7 km và bến sà lan dài khoảng 2 km. Tổng diện tích dự án khoảng 571 ha, bao gồm nhiều hạng mục như cầu cảng, kho bãi, đường giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở cho công nhân viên và cơ sở hạ tầng khác.

Cảng này có khả năng đón nhận các loại tàu container cỡ lớn nhất thế giới hiện nay với trọng tải lên đến 250.000 DWT, tương ứng với 24.000 TEU, cũng như các loại tàu trung chuyển và sà lan có tải trọng đa dạng. Toàn khu vực kỹ thuật và hoạt động của cảng chiếm tới 571 ha, trong đó diện tích mặt nước hoạt động chiếm khoảng 101,5 ha.

Cảng Cần Giờ phát triển trong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI Chat GPT

Trong năm đầu tiên sau khi vận hành, cảng dự kiến sẽ xử lý khoảng 2,1 triệu TEU. Theo kế hoạch đầu tư, sau 7 giai đoạn, cảng có thể đạt được công suất tối đa 16,9 triệu TEU vào năm 2047, tương đương một nửa sản lượng cảng Singapore hiện nay.

Cảng Cần Giờ cũng dự kiến sẽ tạo ra từ 6.000 đến 8.000 việc làm trực tiếp tại cảng, cùng hàng chục nghìn việc làm khác trong lĩnh vực dịch vụ hậu cần, logistics, và khu phi thuế quan. Vốn đầu tư của dự án do Tập đoàn MSC, một trong những hãng tàu container hàng đầu thế giới, đề xuất lên đến 129.000 tỷ đồng, tương đương 5,5 tỷ USD.

Khi hoạt động hết công suất, khu cảng đóng góp vào ngân sách từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng mỗi năm, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cảng Cần Giờ được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa ra biển lớn cho Cảng Sài Gòn, đưa TP.HCM trở thành trung tâm logistics quan trọng của khu vực ASEAN và châu Á, tương tự như Hồng Kông và Singapore.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại