Thủ tướng "chốt" thời hạn cho nhiều dự án lớn, chiến lược tại Đông Nam Bộ
Chiều 2/12, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng, với chủ đề: Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: "Thách thức, cơ hội và giải pháp".
Thủ tướng đánh giá năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, cao hơn cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước của toàn Vùng ước đạt trên 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu cả nước (tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao); 5/6 địa phương tăng thu. Xuất khẩu phục hồi tích cực, ước đạt 115,7 tỷ USD, chiếm 31% kim ngạch xuất khẩu cả nước, tăng 11%.
Vùng Đông Nam Bộ được ví như "mỏ vàng" lớn nhất của Việt Nam về thu hút vốn đầu tư, khi liên tiếp dẫn đầu cả nước về thu hút vốn nước ngoài; tính đến ngày 31/10/2024 có trên 21.000 dự án và đạt trên 189 tỷ USD.
Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong Vùng với thời hạn rất cụ thể.
Về Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục trong tháng 12/2024. Cùng với đó, tập trung thực hiện dứt điểm dự án chống ngập tại TPHCM, đề xuất hướng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thời gian còn lại của năm 2024 và triển khai trong những quý đầu năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương rà soát, thúc đẩy các dự án liên kết vùng và kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó có dự án kết nối Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành; khẩn trương hoàn thành thủ tục trong quý I/2025 để khởi công xây dựng đường bộ cao tốc Bình Phước - Đắk Nông, TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh).
Vùng cũng cần nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt TPHCM – Lộc Ninh, Biên Hòa – Vũng Tàu, kết nối với Cảng Thị Vải - Cái Mép, Cảng Cần Giờ; nhất trí xây dựng cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận theo hình thức hợp tác công tư, triển khai xây dựng quy mô 8 làn xe.
Các dự án lớn, chiến lược tại Đông Nam Bộ có gì?
Dự án cảng Cần Giờ
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (cảng Cần Giờ) được TP.HCM đặt mục tiêu khởi công vào dịp 30/5/2025, nếu được Chính phủ duyệt. Khi đó, đây sẽ là cảng lớn nhất Việt Nam so với hệ thống cảng hiện hữu.
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được nghiên cứu xây ở cù lao Phú Lợi, thuộc cửa sông Cái Mép, vốn đầu tư hơn 113.000 tỉ đồng (khoảng 4,8 tỉ USD). Quy mô dự án ước tính khoảng 571 ha, cầu cảng chính dài hơn 7 km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 Teu - 1 Teu tương đương với 1 container 20 feet).
TPHCM tham vọng đưa cảng Cần Giờ ngang tầm các trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc tế lớn nhất Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Khu cảng dự kiến đóng góp vào ngân sách 34.000 - 40.000 tỉ đồng mỗi năm khi khai thác hết công suất.
Dự án cao tốc TPHCM – Mộc Bài (Tây Ninh)
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài vừa được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư với thời gian thực hiện từ nay tới năm 2027. Tuyến dài gần 51 km, điểm đầu giao Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, TP HCM; điểm cuối nối quốc lộ 22, huyện Bến Cầu, Tây Ninh.
Hiện nay xe từ TP HCM đi Tây Ninh chủ yếu qua quốc lộ 22 - tuyến đường đang quá tải trầm trọng, thường xuyên ùn tắc.
Giai đoạn một, cao tốc được xây dựng 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp nhưng sẽ giải phóng mặt bằng với quy mô 6 làn xe nhằm phục vụ mở rộng sau này. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án cao tốc TPHCM - Mỹ Thuận
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km được đề xuất mở rộng lên 6-8 làn xe, hai làn dừng khẩn cấp với tổng mức đầu tư 32.270 tỉ đồng.
Trong đó, đoạn TP.HCM - Trung Lương dài 41km có bốn làn xe, hai làn khẩn cấp được đưa vào khai thác đã 14 năm qua. Tuyến cao tốc đã quá tải, đặc biệt sau giai đoạn dừng thu phí từ năm 2019, lưu lượng xe tăng đột biến, thường xảy ra kẹt xe, tai nạn.
Còn đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km. Tuyến đường có quy mô bốn làn xe, không có làn khẩn cấp. Sau hai năm đưa vào khai thác cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế nên việc mở rộng là tối cần thiết.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), tọa lạc tại tỉnh Đồng Nai, hiện là một trong những dự án trọng điểm quốc gia với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không của khu vực.
Khi hoàn thành, sân bay Long Thành dự kiến sẽ giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và mở ra những cơ hội mới cho ngành hàng không và du lịch, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo kế hoạch, sân bay Long Thành sẽ được xây dựng thành ba giai đoạn, với tổng mức đầu tư ước tính lên đến hơn 16 tỷ USD. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025, với công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Sau khi hoàn tất cả ba giai đoạn, sân bay sẽ có khả năng đón tiếp 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa hàng năm, sánh ngang với những sân bay lớn trong khu vực châu Á.
Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu được đánh giá là dự án giao thông đầu tư cấp thiết. Mục tiêu chính là góp phần khai thác hết tiềm năng mà cụm cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải, đóng góp chung cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Theo thông tin từ Bộ Giao thông - Vận tải, Quốc hội và Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu có chiều dài khoảng 84km, khổ 1.435mm.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến có tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD. Số lượng ga và depot gồm 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong Trung tâm Logistic và 3 depot. Trên tuyến chia làm 2 đoạn Biên Hòa - Thị Vải và Thị Vải - Vũng Tàu.