Bệnh tật cướp đi con gái, hành hạ con trai duy nhất của vợ chồng nghèo
Về Đội 11, xã Liên Khê, Thủy Nguyên không ai không biết gia cảnh của hai vợ chồng và mấy đứa nhỏ khốn khổ. Bao nhiêu năm bên nhau là bấy nhiêu vất vả anh chị cùng nhau gồng gánh.
Lấy nhau, gia đình bố mẹ hai bên không giúp được gì. Anh chị cày cuốc, lăn lộn cũng mua lại được một ngôi nhà xây sẵn cũ kỹ ở triền núi ven xóm.
Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ ở triền núi ấy đã liên tiếp có tiếng khóc chào đời của 4 đứa trẻ là con của anh chị, trong đó có 3 gái 1 trai.
Anh Trịnh Văn Trọng (áo trắng) và vợ là chị Phạm Thị Du (áo đen, bế cháu Trịnh Duy Hiếu)
Hai vợ chồng anh nghèo ngày ngày chăm chỉ bươn chải với đồng ruộng mưu sinh để mong mang đến tương lai sáng sủa hơn cho các con.
Nhưng rồi, mọi thứ như bị cuộc sống bào mòn dần những niềm vui, hy vọng của anh chị ở cuộc sống.
Đó là vào một ngày mà cả bầu trời như sụp xuống chân hai vợ chồng, khi con gái thứ hai của anh chị mang trong mình căn bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) và mất lúc vừa 7 tuổi.
Chẳng có sự mất mát nào có thể lãng quên. Cứ ngỡ rằng nỗi đau mất con gái sẽ nguôi ngoai dần đi, xen vào những lo toan bộn bề cuộc sống, anh chị tập trung lo 3 đứa nhỏ còn lại.
Vậy mà, một lần nữa, cú sốc lớn lại đến với gia đình, nỗi lo lại dồn đến đè nặng lên đôi vai hai vợ chồng. Con trai út của anh chị là cháu Trịnh Duy Hiếu (sinh năm 2012) được phát hiện cũng mắc chứng bệnh tan máu bẩm sinh từ lúc 5 tháng tuổi.
Từ đó đến nay, tiền bạc, của cải làm được ra bao nhiêu, anh chị cũng dồn vào chạy chữa cho Hiếu, rồi để đóng học cho con gái thứ bà là bé Trịnh Thị Hà (8 tuổi).
Hai chị em bé Trịnh Thị Hà và bé Trịnh Duy Hiếu
Không có điều kiện theo học, con gái lớn của anh chị nay đã đi lấy chồng nhưng cũng phải chăm lo cho gia đình chồng và cuộc sống riêng. Vả lại cũng chẳng dư giả gì để giúp thêm cho bố mẹ.
Làm cha mẹ, chẳng còn nỗi đau nào lớn hơn phải chứng kiến con cái mình héo mòn dần trong bệnh tật. Không dám để vợ con thấy nước mắt của mình, nhiều đêm anh Trọng vẫn ôm con lặng lẽ khóc vì nghĩ đến ngày mai của con.
"Cháu Hiếu cũng đến tuổi phải tới lớp như các bạn rồi, nhưng mỗi tháng phải đi nằm viện 2 lần, mỗi lần cũng mất mấy ngày thế này không biết có nên cho cháu theo học không? Tôi cũng đã liên hệ với một trường gần nhà, cốt là lo cho cháu nó biết mặt chữ chứ không mong gì hơn". Anh Trọng chia sẻ.
Phút vô tư, không bị cơn đau hành hạ của cháu Trịnh Duy Hiếu
Được biết, bệnh tan máu bẩm sinh (có tên khoa học Thalassemia) không lây nhưng có yếu tố di truyền qua thế hệ sau. Căn bệnh này hiện nay chưa có cách chữa khỏi, mà chỉ có thể kéo dài sự sống bằng cách truyền máu và thải sắt định kì nhưng rất tốn kém.
Chia sẻ với chúng tôi về nguyện vọng của gia đình, giọng anh Trọng nghẹn lại, từng giọt nước mắt của người đàn ông đã bước qua cái tuổi 40 trông thật nặng nề!
Người đàn ông khốn khổ này chia sẻ: "số của anh khổ từ nhỏ rồi, đến giờ, cứ tưởng rằng cố gắng để con cái mình thoát được cảnh khổ của mình ngày xưa, ai ngờ bệnh tật nó dồn đến..."
Mỗi câu nói với chúng tôi, anh Trọng đều thốt lên: "Nặng nề lắm, nặng nề lắm em ạ"
Giờ đây, ước mơ của anh không phải nhà cao cửa rộng hay phú quý giàu sang, mà chỉ mong cho có đủ tiền đưa đứa con trai duy nhất đi viện hàng tháng.
Ước có cái nhà vệ sinh cho bằng với hàng xóm
Cả gia đình anh Trọng 4 người đang sống cùng nhau trong ngôi nhà cấp 4 đã "nứt toác", mưa thì ẩm ướt, ngấm nước. Thậm chí gia đình phải dùng túi ni lông trong nhà để bịt những lỗ nứt nẻ của căn nhà.
Nghe anh Trọng nói, ngôi nhà này anh chị mua lại của người ta từ hơn 20 năm trước, kể từ đó đến giờ cũng chưa có điều kiện sửa sang lại.
Bây giờ thì khó khăn càng chồng chất nên không dám nghĩ đến việc sửa hay xây nhà.
Từ khi bé Trinh Duy Hiếu đến nay, mọi thứ cứ dần xám xịt đi, nhà cửa chẳng sắm sửa được gì còn phải bán bớt, chỉ có cái xe máy dùng để đi lại nên anh chị không thể bán.
Cả bốn miệng ăn trông vào mấy sào ruộng ngoài kia, và cái ao bé với đôi lợn trong chuồng. Nhưng lúa thì có thời vụ, cá, lợn thì cũng phải chờ lớn mới cho thu hoạch.
Lợn trong chuồng chờ lớn để bán lấy tiền cho cháu Hiếu đi bệnh viện
Con đau ốm, cần có người ở nhà trông nom nên chị Du cũng chỉ quanh quẩn ở nhà chăm con và làm các công việc lặt vặt.
Ngoài những công việc hàng ngày, anh Trọng đi phụ người ta nấu cỗ phục phụ đám xá kiếm thêm tiền chạy chữa cho con.
"Hai vợ chồng khổ cũng quen rồi, giờ chỉ mong các con được khỏe mạnh thôi. Nhà cửa bây giờ cũng không giống cái nhà nữa, thì ẩm mốc, mái ngói thì dột, cũng mong một ngày không xa sẽ làm lại được cái nhà, chí ít có cái nhà vệ sinh cho bằng với nhà người ta". Chị Phạm Thị Du chia sẻ.
Ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của gia đình anh Trịnh Văn Trọng nhiều năm nay đã xuống cấp trầm trọng
Theo chia sẻ của Nguyễn Hữu Quang, phụ trách một nhóm từ thiện ở Hải Phòng, đã nhiều lần cùng các bạn của mình đến thăm, chia sẻ với gia đình anh Trọng, đã trực tiếp chứng kiến và thấu hiểu cảnh cơ cực của gia đình nghèo này:
"Mỗi lần đến với gia đình chỉ biết thương mà chẳng thể giúp được nhiều. Nhìn ngôi nhà chẳng ra nhà nữa, xuống cấp trầm trọng. Sau những trận mưa lớn, tường đã ẩm mốc hơn, nhà có thêm những chỗ dột mới. Cái tối thiểu là cho đến nay, gia đình vẫn chưa có nhà vệ sinh nên hầu như đều "giải quyết" trên đồi.
Quang và các bạn cũng đã chia sẻ câu chuyện trên Facebook để vận động giúp đỡ từ cộng đồng nhưng chẳng được là bao.
Mong muốn lớn của tất cả mọi người là giờ đây, mỗi tháng, có thể hỗ trợ gia đình anh Trọng, chị Du có tiền đưa bé Duy đi chữa chạy ở bệnh viện, rồi may mắn ra, có thể có tiền sửa sang lại ngôi nhà cho yên tâm.
Mọi sự quan tâm, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn xin gửi về Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tài khoản: 1912.832.546.5015
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Hai Bà Trưng - Hà Nội
Địa chỉ: Tầng 21 Toà nhà Center Building, Hapulico. Số 1 Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hoặc liên hệ trực tiếp: anh Trịnh Văn Trọng: Đội 11 , xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Số điện thoại: 01663404791
Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.