Mộ Trạch cũng như bao làng quê khác của Bắc Bộ, người dân quanh năm làm bạn với ruộng đồng, tuy nghèo nhưng luôn động viên con em lấy con chữ làm gốc, lấy tri thức để vươn lên. Ngôi làng nhỏ bé của tỉnh Hải Dương này vẫn được mệnh danh là làng tiến sĩ của Việt Nam.
Người có công lớn lập nên ngôi làng này là đức thần tổ Vũ Hồn. Ông là người chọn đất, lập làng, mở lớp dạy học, giúp dân khai sáng trí tuệ và lập nên dòng họ Vũ - Võ nổi tiếng.
Ông Vũ Quốc Ái – thuộc dòng họ Vũ – Võ làng Mộ Trạch, Tân Hồng, Bình Giang, Hải Dương cho biết: Cụ Vũ Hồn về lập nghiệp tại nơi đây từ năm 841 đến năm 843 và năm 854 thì cụ mất.
Để ghi nhớ công đức của người thầy Vũ Hồn, sau khi ông mât dân làng tôn lên làm thành hoàng làng và lập miêu để thờ.
Trải qua 4 thế kỷ thì làng Mộ Trạch có 36 tiến sĩ Nho học. Trong đó họ Vũ chiếm 29 người. Đặc biệt khóa Bính Thân năm 1656 trong cả nước có 3000 người đi thi thì có 6 người đỗ tiến sĩ trong đó làng Mộ Trạch có 3 tiến sĩ. Vua Tự Đức lúc bấy giờ đã có lời khen rằng: "Nhất gia bán thiên hạ" nghĩa là môt làng, một dòng họ bằng nửa thiên hạ.
Để nối dài truyền thống hiếu học cho thế hệ mai sau, người dân ở đây đã làm nhà bia lưu tên những tiến sĩ và trạng nguyên đỗ đạt ở nhiều dòng. Đây là một trong những vinh dự đặc biệt mà không phải ngôi làng nào cũng có.
Chính vì điều đó mà người dân Mộ Trạch coi nơi này như là Văn miếu Quốc Tử Giám thu nhỏ của làng. Nhà bia đối với người dân Mộ Trạch không chỉ là hào quang lịch sử của nhiều thế hệ đi trước mà còn là động lực, là thông điệp ý nghĩa cho các thế hệ mai sau.
Đặc biệt trong những tấm bia lưu danh ở đây có hai tấm bia của hai anh em họ Vũ là Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi cùng đỗ tiến sĩ và là hai người mở nền móng khoa bảng đầu tiên cho ngôi làng này.
Có nhiều gia đình ba thế hệ cùng đỗ tiến sĩ, đặc biệt là dòng họ Vũ. Có thể kể đến ông Vũ Bạt Tụy ông đỗ tiến sĩ vào năm 1634, sau đó con trai ông cũng đỗ tiến sĩ vào năm 1664, 36 năm sau cháu đích tôn của ông lại đỗ tiến sĩ vào năm 1670. Đây là điều đặc biệt hiếm có của lịch sử khoa bảng. Qua đó có thể thấy sự đóng góp to lớn của dòng họ Vũ - Võ đối với triều đình xưa.
Ngoài dòng họ Vũ cũng có nhiều dòng họ khác đỗ tiến sĩ như họ Nhữ, họ Nguyễn và đặc biệt là họ Lê. Tuy không có lượng tiến sĩ nhiều như họ Vũ, nhưng số lượng tiến sĩ của họ Lê cũng đứng thứ hai. Đặc biệt trong số đó là trạng nguyên Lê Nại – người họ Lê duy nhất trong làng Mộ Trạch đỗ trạng nguyên dưới thời vua Lê Uy Mục năm 1505. Sau khi đỗ trạng nguyên cụ giữ chức Bộ Hộ trong Triều đình.
Cùng với thời gian các thế hệ hậu sinh vẫn ngày ngày vượt khó, lấy con chữ làm nền móng để vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ ý thức vươn lên bằng tri thức đã ngấm vào máu bao thế hệ người dân Mộ Trạch từ lâu và trở thành mạnh ngầm văn hóa chảy mãi trong tâm thức họ.
Nguồn: Khám phá Việt Nam