Nạn trộm mộ là một cơn ác mộng đối với giới khảo cổ Trung Quốc. Xuyên suốt nhiều thời kỳ lịch sử, việc những tên mộ tặc thường xuyên lui tới cướp bóc của cải trong các lăng mộ đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc nghiên cứu lịch sử tại quốc gia này.
Sở dĩ nghề đạo mộ phát triển ở Trung Quốc từ thời nhà Hán tới tận ngày nay là do người dân rất coi trọng "hậu vận".
Những ngôi mộ ban đầu chỉ được xây với mục đích tránh thú dữ tới quấy phá hay che giấu mùi tử thi nhưng từ thời nhà Hạ, người ta đã chuyển sang xây mộ phần để tưởng nhớ người đã khuất, từ đó đặt thêm một số món đồ yêu thích lúc sinh thời để họ mang sang thế giới bên kia.
Cây liễu được coi là biểu tượng đánh dấu một lăng mộ thường dân. Ảnh: Sohu
Sau này, người dân càng dành nhiều sự chú ý tới các lăng tẩm, nhiều vị hoàng đế cất công nghiên cứu về phong thủy lăng mộ ngay khi vừa lên ngôi với niềm tin rằng một ngôi mộ đẹp có thể giúp cho vương triều bền vững.
Trên thực tế, người Trung Quốc xưa rất coi trọng cây cỏ bên cạnh lăng mộ, bởi cây cối bên mộ tổ tiên mọc um tùm đồng nghĩa với việc hậu thế sẽ được no ấm đủ đầy. Chính vì vậy, việc chọn lựa cây trồng trước mộ cũng được xem xét kỹ càng, người ở giai cấp nào sẽ trồng cây đó.
Những người thuộc dòng dõi hoàng tộc thường trồng cây bách - loài cây biểu tượng của những bậc đại trượng phu. Thường dân muốn trồng cây cũng sẽ chọn những loại dễ sống, không cần chăm sóc nhiều, phổ biến trong đó là cây liễu.
Chính vì vậy, những tên mộ tặc lành nghề chỉ cần nhìn thấy cây liễu là có thể tự hiểu chủ nhân lăng mộ là thường dân, không phải cao nhân quyền quý nên bên trong sẽ chẳng có thứ gì đáng trộm.
Bài viết tham khảo từ Sohu