Mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT

Ngọc Dung |

Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất người mắc bệnh hiểm nghèo, hiếm, nặng sẽ được chuyển thẳng cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT.

Để người dân hiểu rõ hơn những quyền lợi khám chữa bệnh BHYT vừa được Bộ Y tế đề xuất bổ sung, phóng viên Báo Người Lao Động đã phỏng vấn bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - đơn vị xây dựng dự thảo luật.

Chuyển tuyến không cần giấy chuyển viện

.Phóng viên: Với đề xuất như nói trên, những loại bệnh nặng sẽ được vượt tuyến mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến phải không, thưa bà?

Mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT- Ảnh 1.

- Bà TRẦN THỊ TRANG: Theo quy định, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng các kỹ thuật cao, hiện nay người dân khi muốn chuyển lên tuyến trên điều trị các bệnh này vẫn phải thực hiện theo trình tự là lấy giấy chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến này có giá trị trong 1 năm.

Tuy nhiên, thủ tục chuyển tuyến vẫn còn nhiều bất cập cho người tham gia BHYT. Vì vậy, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này, Bộ Y tế đã có những đề xuất nhằm giảm các thủ tục, bảo đảm quyền lợi của người dân. Theo đó, đề xuất này chỉ dành cho những trường hợp bệnh đặc thù, bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao… được đến trực tiếp cơ sở y tế tuyến trên mà không cần theo trình tự khám chữa bệnh BHYT nhưng vẫn được hưởng BHYT mức cao nhất. Ước tính, danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo bao gồm 64 loại bệnh như: ung thư, phẫu thuật động mạch vành, đột quỵ, mất thính lực, bệnh Parkinson, bại liệt...

Mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh BHYT - Ảnh 2.

Quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người dân được đề xuất mở rộng

Thực tế, đa số trường hợp mắc bệnh nan y, tuyến xã và huyện không thể điều trị nhưng người bệnh vẫn phải làm theo thủ tục, đến các cơ sở y tế để làm giấy tờ chuyển tuyến mới được hưởng BHYT. Điều này gây phiền hà, thậm chí nhiều người không đủ kiên nhẫn, thời gian chờ đợi mà bỏ tiền túi khám dịch vụ, mất đi quyền lợi hưởng BHYT. Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất với nhóm này, người bệnh có thể đến thẳng cơ sở y tế có chuyên môn để được khám chữa bệnh mà không cần giấy chuyển tuyến.

.Như vậy, với 64 loại bệnh hiếm, hiểm nghèo… nếu khám chữa bệnh vượt tuyến, người bệnh sẽ được hưởng quyền lợi BHYT 100%?

- Danh mục bệnh được vượt tuyến sẽ được nghiên cứu cụ thể, phải là những bệnh thực sự chỉ tuyến trên mới có thể điều trị được, bảo đảm không xảy ra tình trạng quá tải cho tuyến cuối. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc BHYT chi trả 100% chi phí khám, điều trị mà người bệnh sẽ được chi trả tối đa chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng.

Theo đó, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định của Luật BHYT hiện hành theo tỉ lệ thanh toán 80%, 95% và 100% đối với từng trường hợp cụ thể. Ví dụ những bệnh nhân mắc bệnh về máu, tim mạch... là những bệnh chỉ có cơ sở y tế chuyên môn tuyến cuối mới điều trị được, người bệnh không cần xin giấy chuyển tuyến theo trình tự. Bệnh nhân đến cơ sở chuyên môn và được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định. Bệnh nhân sẽ được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT trong phạm vi được hưởng. Nếu mức hưởng ghi trên thẻ là 80% hoặc 95%, tức là BHYT chi trả 80% hoặc 95% trong phạm vi thanh toán, 20% hay 5% chi phí còn lại bệnh nhân phải đồng chi trả.

Mở rộng thanh toán BHYT

.Ngoài đề xuất trên, dự thảo này cũng đề xuất mở rộng phạm vi, quyền lợi cho người có thẻ BHYT, cụ thể là những quyền lợi nào?

- Dự thảo luật lần này mở rộng thanh toán chi phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế trong trường hợp đúng tuyến hoặc người dân tự đến khám chữa bệnh. Ví dụ, Luật BHYT hiện hành không có quy định Trung tâm Y tế huyện khám chữa bệnh ngoại trú nên nhiều người dân khám chữa bệnh tại các cơ sở được thông tuyến tại Trung tâm Y tế huyện không được BHYT chi trả. Vì vậy, dự thảo lần này sẽ cập nhật các Trung tâm Y tế huyện có chức năng khám chữa bệnh ngoại trú, có các phòng khám đa khoa khám chữa bệnh ngoại trú, để người dân khi đến đây cũng được hưởng BHYT 100%. Đây là điểm khích lệ người bệnh đến với các cơ sở y tế ban đầu.

Ngoài ra, một số điều trị về tật khúc xạ như lác, cận thị… hiện nay, quỹ BHYT mới chi trả cho trẻ dưới 6 tuổi thì tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất chi trả cho trẻ dưới 18 tuổi thay vì dưới 6 tuổi như hiện nay.

Cũng tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất trường hợp mắc một số bệnh mạn tính, sau khi được chẩn đoán, kê đơn ở tuyến trên, người bệnh có thể chuyển về tuyến dưới để theo dõi, điều trị và được hưởng phạm vi thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu. Chẳng hạn như thuốc tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường...

.Thời gian qua có nhiều đề nghị về tăng mức chi trả và tăng danh mục thuốc cho bệnh nhân ung thư. Quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này thế nào?

- Ở những lần thảo luận trước đó, một số ý kiến đề xuất ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán sớm một số bệnh, trong đó ưu tiên mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho sàng lọc chẩn đoán ung thư cổ tử cung và ung thư vú nhằm giảm bớt gánh nặng ung thư trong tương lai. Ngành y tế đã tiến hành đánh giá tác động với các bệnh này cho thấy chi phí điều trị làm tăng chi của quỹ BHYT lên rất nhiều.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, việc mở rộng phạm vi chi trả vẫn còn khó khăn bởi quỹ BHYT có hạn. Bộ Y tế đã thống nhất tiếp tục nghiên cứu, khi bảo đảm cân đối quỹ thì sẽ có đề xuất tiếp theo để người dân được hưởng lợi tốt nhất. Về mặt quyền lợi, BHYT quy định tỉ lệ điều kiện mức hưởng, thanh toán đồng đều với tất cả các bệnh, không có đặc thù với một bệnh nào. Hiện nay, trong danh mục thuốc BHYT chi trả có khoảng 76 thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch... Những thuốc này đang chiếm khoảng 7.600 tỉ đồng/năm cho chi phí điều trị. Đây là quyền lợi lớn đối với người bệnh. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng danh mục thuốc cập nhật trong danh mục thuốc được BHYT chi trả trên cơ sở đánh giá tác động và cân đối thu chi quỹ BHYT, để tăng quyền lợi cho người bệnh. Về lâu dài, chúng tôi cũng khuyến cáo người dân nên đi tầm soát bệnh sớm, phát hiện và điều trị sớm.

.Có ý kiến lo ngại việc mở rộng quyền lợi cho người bệnh sẽ khiến quỹ BHYT bị âm, người dân phải tăng mức đóng BHYT?

- BHYT là chia sẻ rủi ro, người bệnh được công bằng trong tiếp cận chính sách và đồng thời cũng tính đến các yếu tố bảo đảm cân đối quỹ BHYT. Năm 2023, tổng thu của quỹ BHYT khoảng 126.000 tỉ đồng, kết dư đến hết tháng 12-2023 còn khoảng 40.000 tỉ đồng. Chúng tôi dự báo là đủ cân đối thu chi, nhưng cũng có những thách thức trong thời gian tới và chúng ta phải tính bài toán thực hiện cân đối.

Về phương án tăng mức đóng BHYT, trước đó Bộ Y tế từng đề xuất lộ trình tăng mức đóng BHYT theo hướng tăng tỉ lệ đóng từ năm 2025 để đạt tối đa 6% tiền lương cơ sở hoặc lương tháng vào năm 2035. Hiện mức đóng BHYT theo Luật BHYT năm 2008 quy định tối đa vẫn là 6% tiền lương tháng nhưng thực tế chúng ta đang áp dụng mức đóng BHYT bằng 4,5% tiền lương cơ sở. 

"Một số bệnh mạn tính, sau khi được chẩn đoán, kê đơn ở tuyến trên, người bệnh có thể chuyển về tuyến dưới để theo dõi, điều trị và được hưởng phạm vi thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế như cơ sở khám chữa bệnh chuyên sâu.

Cân nhắc nguy cơ âm quỹ

Ông Nguyễn Tất Thao - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam - cho biết BHXH ủng hộ mở rộng quyền lợi với người bệnh, song Bộ Y tế cần đánh giá tổng thể, mỗi chính sách mở rộng thì quỹ BHYT sẽ chi trả thêm bao nhiêu, có bảo đảm cân bằng thu - chi quỹ BHYT. Những năm qua, với việc mở rộng quyền lợi khám chữa bệnh, quỹ BHYT luôn trong tình trạng bội chi, chi nhiều hơn thu. Đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư hơn 40.000 tỉ đồng, trong đó 33.000 tỉ đồng kết dư của 3 năm có dịch COVID-19 (2020 - 2022). Các năm khác, quỹ BHYT đều chi nhiều hơn thu. Năm 2023, số lượt khám chữa bệnh tăng cao dẫn đến chi nhiều hơn thu trên 10.000 tỉ đồng.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại