Cơ may của chàng trai Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, hầu hết nam giới phải tham gia nghĩa vụ quân sự trong thời gian học Đại học, trừ một số trường hợp thương tật có thể được miễn. Thay vào đó, họ có hai lựa chọn, một là làm việc công ích theo sự sắp xếp của chính quyền với các công việc đơn giản như quét dọn, photocopy ở những nơi công cộng như nhà ga, ga tàu điện ngầm. Hoặc hai là làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc.
Chàng thanh niên trong câu chuyện trên đã quyết định về làm cho một công ty điện thoại di động, chịu trách nhiệm chính về sản xuất linh kiện điện thoại.
Chân dung chàng trai trong câu chuyện (bên phải).
Công việc ở đây rất nặng nhọc, ngày nào cũng làm từ chín giờ sáng đến chín giờ tối. Tuy vậy, công ty này khá lớn và có chi nhánh ở Trung Quốc và anh chàng mong muốn có cơ hội được làm việc tại đây. “Bởi vì tôi yêu thích văn hóa Trung Quốc, và tôi hy vọng một ngày nào đó tôi có thể đến Trung Quốc để tự mình trải nghiệm.”
Tháng 7 năm 2008, anh đến Trung Quốc và học tiếng Trung tại Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân. Sau khi kết thúc kỳ học và quay lại Hàn Quốc, anh vẫn tiếp tục theo đuổi tình yêu với Trung Quốc khi không do dự mà chọn tiếng Trung làm chuyên ngành thứ hai tại Đại học.
Vũ trụ dường như nhìn thấu lòng anh, một lần nữa anh được quay lại Trung Quốc vào năm 2010 với tư cách là một sinh viên trao đổi tại Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân. Anh còn trở thành sinh viên đầu tiên vượt qua bài kiểm tra trình độ tiếng Trung cao cấp trong số các sinh viên quốc tế Hàn Quốc.
Anh bày tỏ rằng đây là lần thứ hai mình đến với Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, nên anh rất trân trọng cơ hội này, anh tin rằng nếu nỗ lực hết mình, anh sẽ luôn tỏa sáng trên mảnh đất này.
Mở quán thịt nướng kiếm học phí, không ngờ trở thành ông chủ lớn
Năm 2011, anh tốt nghiệp đại học và muốn tiếp tục học cao học tại Trung Quốc, nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép. Vì vậy, anh nảy ra ý tưởng vừa học vừa khởi nghiệp và kiếm tiền.
Anh biết rằng món ăn Trung Quốc nổi tiếng khắp thế giới và muốn làm điều tương tự với các món ăn Hàn Quốc. Ở Cáp Nhĩ Tân, có rất ít nhà hàng mang đậm chất Hàn Quốc, vì vậy anh muốn quảng bá các đặc sản của đất nước mình.
Anh đã lên kế hoạch mở một gian hàng Hàn Quốc gần trường. Nhưng là một người nước ngoài, thật không dễ để kinh doanh trên một đất nước khác. Không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà còn vướng phải vô số rào cản văn hóa: ngôn ngữ giao tiếp, các quy tắc… May mắn thay, thầy cô và bạn cùng lớp đã giúp anh phần nào vượt qua những thử thách này.
Gian hàng của chàng trai.
Gian hàng cuối cùng đã khai trương thành công, chuyên về món ăn Hàn Quốc. Ban đầu, quán chỉ có vài bàn, menu cũng rất ít món. Nhưng thật không ngờ, cửa hàng nhỏ lại trở nên nổi tiếng, không chỉ có nhiều sinh viên Hàn Quốc yêu thích mà những người dân bản địa cũng ghé qua, công việc buôn bán phất lên nhanh chóng.
Năm 2014, anh đã kiếm đủ học phí để đến Học viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân với tư cách là nghiên cứu sinh, chuyên ngành Thương mại quốc tế.
Sau khi tốt nghiệp cao học vào năm 2018, để có thể giới thiệu nhiều hơn về văn hóa và ẩm thực Hàn Quốc với bạn bè Trung Quốc, anh đã mở một nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc lớn trên một con phố nhà hàng ở Cáp Nhĩ Tân. Sau đó, các cửa hàng tiện lợi, cà phê, quán bar,… lần lượt được mở ra, có đến hơn 20 cửa hàng các loại. Anh tham vọng muốn biến con phố đó thành một con phố mang đậm chất Hàn Quốc, giống như khu phố Tàu ở một số đất nước.
Các cửa hàng mang đậm văn hóa Hàn Quốc lần lượt được mở ra.
Nhà hàng này cũng mang đến cho anh tình yêu đích thực của đời mình, một cô gái đến cửa hàng để nếm thử món ăn Hàn Quốc đã trở thành khách quen, hai người kết bạn và giờ đây cô đã là vợ, mẹ của các con anh.
Tình hình kinh doanh đang trên đà phát triển thì dịch bệnh bùng phát khiến anh phải đóng cửa gần hết cửa hàng, đến nay chỉ còn lại ba. Nhưng anh đã đứng dậy được, bằng cách tận dụng sự phát triển các trang mạng xã hội tại Trung Quốc. Chàng trai tích cực livestream giới thiệu về ẩm thực Hàn Quốc, so sánh điểm khác biệt giữa hai đất nước và nhận về hàng triệu lượt quan tâm của cư dân mạng.
Sau khi thành công, anh không quên về thăm trường cũ và quyên góp để giúp đỡ cộng đồng.
Sau hơn chục năm sinh sống và làm việc ở Trung Quốc, nhiều người đã hỏi anh: "Bạn thích Trung Quốc hay Hàn Quốc hơn?" Đây là một câu hỏi không có đáp án vì cả hai đều là quê hương của anh, một nơi sinh ra anh và một nơi mở ra cho anh những cơ hội.
Theo Tuotiao