Đó là trường hợp của bé trai 6 tuổi, ngụ tại TPHCM vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Ngày 6/6, thông tin từ TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện này cho biết, bệnh nhi đến thăm khám vì liên tục lên cơn động kinh.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, bé được chẩn đoán bị động kinh từ nhỏ đã được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giải pháp điều trị bằng thuốc không còn mang lại kết quả khiến trẻ lúc nào cũng trong trạng thái lên cơn động kinh. Trung bình mỗi ngày có khoảng 6 đến 7 lần động kinh kịch phát khiến trẻ bị co giật toàn thân.
Phẫu thuật là phương pháp cứu cánh cho những trường hợp bị động kinh kháng thuốc
Sau chẩn đoán trẻ bị động kinh kháng thuốc, không đáp ứng với các giải pháp điều trị nội khoa, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định thực hiện cuộc thuật can thiệp cho bệnh nhi. Bằng phương pháp mổ hở, ê kíp bác sĩ đã mở hộp sọ, thực hiện cắt bỏ kết nối giữa các vùng bán cầu não. Ngay sau phẫu thuật, tình trạng động kinh ở bệnh nhi đã được giải quyết dứt điểm giúp trẻ trở lại cuộc sống gần như bình thường.
Động kinh là bệnh lý thần kinh mạn tính có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Ở trẻ em, bệnh động kinh xảy ra do yếu tố di truyền hoặc những yếu tố bệnh lý, trước và sau khi chào đời.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ động kinh trong cộng đồng chiếm từ 0,5 - 0,8%. Những trường hợp kháng với các phương pháp điều trị bằng thuốc được gọi là động kinh kháng thuốc hay động kinh kháng trị. Tỷ lệ nhóm bệnh này chiếm từ 20% - 60%.
Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, những trường hợp động kinh kháng thuốc việc phẫu thuật não là giải pháp điều trị cần thiết. Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hiện đã triển khai phẫu thuật não điều trị động kinh như phẫu thuật cắt thùy thái dương, cắt nửa bán cầu não, cắt khối u, kích thích dây thần kinh hoặc kích thích não sâu.
Phân tích chuyên môn của bác sĩ chỉ ra, nguyên nhân khiến động kinh trở nên kháng trị chủ yếu là do không tuân thủ chỉ định sử dụng thuốc điều trị như: ngừng thuốc chống động kinh đột ngột; bệnh nhân chủ quan nghĩ mình hết bệnh; tự ý tăng liều thuốc so với ban đầu, đổi thuốc hoặc thêm thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân động kinh phải được đi khám các bác sĩ chuyên khoa về thần kinh, tuân thủ phác đồ điều trị dùng thuốc và không nên có tâm lý “uống thuốc nhiều quá sợ lờn thuốc”.