Thời gian áp dụng bắt đầu từ 15h. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 180 đồng/lít, xuống còn 21.006 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 232 đồng/lít xuống còn 21.916 đồng/lít.
Giá dầu diesel giảm 420 đồng/lít, xuống 19.368 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 500 đồng/lít, xuống 19.957 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 190 đồng/kg, xuống 15.495 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ chỉ trích lập quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (kỳ trước không trích), trong khi không trích lập và không chi quỹ bình ổn đối với các loại xăng dầu khác.
Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu trong nước có 38 đợt điều chỉnh, trong đó 18 lần tăng, 14 lần giảm và 5 kỳ giữ nguyên.
Trước đó, tại kỳ điều hành giá ngày 28/12/2023, cơ quan điều hành quyết định giảm 13 đồng/lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95 tăng 3 đồng/lít. Giá dầu diesel tăng 264 đồng, dầu hỏa tăng 37 đồng/lít, và dầu mazut tăng 420 đồng/kg.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, Vụ Thị trường trong nước sẽ theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.
Chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp.
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu; Phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi và thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ Công Thương, trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên cả nước để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.