Đó là trường hợp của ông Nguyễn Khắc T. (52 tuổi, ở thị xã Bình Minh, Vĩnh Long).
Mới đây, ông vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trong tình trạng đau bụng dữ dội, kết quả khám lâm sàng, chụp X-quang bụng và chụp cắt lớp thấy có dị vật là cây kim khâu phẫu thuật (hình dạng cong có một đầu nhọn).
Bác sĩ La Văn Phú hỏi thăm bệnh nhân tại khu vực hậu phẫu Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - Ảnh: T.Lũy
Bác sĩ Phú nói: “Khó nhất là việc xác định vị trí kim. Chúng tôi đã dùng nam châm dò nhưng không có kết quả. Sau đó dùng C-Arm mới định được vị trí kim ở trong mạc nối lớn của ruột, đầu nhọn chỉa ra ngoài”.
Tuy nhiên, việc lấy kim ra cũng rất khó, ban đầu các bác sĩ mổ nội soi gỡ dính ở bụng, sau đó mổ hở một đường nhỏ để dò và lấy kim ra. Sau 2 giờ phẫu thuật, cây kim đã được lấy ra khỏi bụng bệnh nhân.
Theo lời kể của ông T., khoảng 15 năm trước (2001) ông có mổ ruột thừa tại một bệnh viện ở Cần Thơ, về nhà 11 tháng sau thì phải nhập viện phẫu thuật lần hai vì bị tắc ruột do dính. Rất có thể cây kim khâu bị bỏ quên lúc đó, ông T. nhận định.
Sau đó về nhà, ông T. thường bị đau bụng nhưng đi bệnh viện khám thì bác sĩ chỉ cho uống thuốc rồi về, không phát hiện ra kim.
Đến năm 2014, ông T. bị đau bụng dữ dội, vào cấp cứu ở bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên ở Cần Thơ, TP.HCM. Tại đây các bác sĩ chụp cắt lớp có phát hiện kim trong bụng ông T. nhưng nói rất khó lấy ra và chỉ điều trị nội khoa rồi cho ông xuất viện về.