Mỏ khoáng sản 5G ở Trung Quốc: Công nhân ngồi phòng điều hòa để điều khiển từ xa, xe tự lái chạy khắp nơi ngoài công trường

Bảo Nam |

Là quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ 5G, Trung Quốc đang có những bước đi táo bạo để ứng dụng công nghệ cao này vào thực tiễn cuộc sống.

Trong khi ở nhiều quốc gia, 5G chỉ mới bắt đầu đưa vào thử nghiệm ở một số khu vực nhất định thì tại công trường khai thác mỏ của tập đoàn China Molybdenum ở Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc, 5G đã được phủ sóng mọi nơi.

Giờ đây, việc khai thác và vận chuyển khoáng sản đã không cần con người trực tiếp thực hiện, mà các loại máy móc giờ có thể được vận hành từ xa. Ngoài ra, rất nhiều xe không người lái cũng có thể tự động làm việc.

Mỏ khoáng sản 5G ở Trung Quốc: Công nhân ngồi phòng điều hòa để điều khiển từ xa, xe tự lái chạy khắp nơi ngoài công trường - Ảnh 1.

Phòng điều khiển từ xa ở mỏ vonfram ở Trung Quốc.

Vương Triều Lỗi là một công nhân khai thác làm việc trong khu mỏ vonfram này của tập đoàn China Molybdenum. Ông đã làm việc trong mỏ này được 8 năm.

"Trước đây, việc khai thác cần công nhân phải trực tiếp lái máy đào vào núi để khai thác. Nhưng bây giờ sử dụng công nghệ 5G, bạn có thể ngồi trong phòng điều khiển để vận hành máy từ xa, vừa khai thác vừa di chuyển vật liệu. An toàn có thể được đảm bảo tuyệt đối", ông Vương cho biết.

Các nhân viên khác cũng cho biết, trước khi công nghệ không người lái và 5G được áp dụng, nhiều vụ lở đất đã xảy ra, gây ra các thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Mỏ khoáng sản 5G ở Trung Quốc: Công nhân ngồi phòng điều hòa để điều khiển từ xa, xe tự lái chạy khắp nơi ngoài công trường - Ảnh 2.

Xe tự lái di chuyển trong mỏ, giúp tăng gấp đôi tốc độ vận chuyển trung bình.

"Sau khi sử dụng công nghệ truyền dẫn 5G, tôi cảm thấy rằng các đặc tính về độ trễ thấp của 5G rất phù hợp với các mỏ khai thác khoáng sản. Hiện tại, tôi chưa cảm thấy sự chậm trễ nào của hoạt động điều khiển từ xa", một công nhân khác cho biết.

Hiện tại, 30 trong số 40 loại phương tiện vận chuyển trong mỏ này là thiết bị không người lái. Trước đây, tốc độ trung bình của các loại phương tiện là 15 km, nhưng hiện tại đã tăng lên 30 km mỗi giờ, khiến cho hiệu quả sản xuất chung tăng khoảng 30%. Ngoài ra, chi phí lao động cũng tiết kiệm hơn nhờ công nghệ 5G, khoảng 12 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD) mỗi năm.

Theo báo cáo, đây là mỏ khoáng sản đầu tiên sử dụng công nghệ 5G và áp dụng công nghệ không người lái vào thực tiễn. Theo dữ liệu báo cáo, đây cũng là mỏ vonfram có hàm lượng molypden cao nhất ở châu Á và thứ ba trên thế giới.

Tham khảo Sina

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại