INF cấm Mỹ và Nga sở hữu cũng như sản xuất tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn từ 500 đến 5.500km.
Thực hiện INF, Mỹ và Nga cho tới nay đã tiêu huỷ khoảng 2.500 tên lửa hạt nhân tầm trung. Một mình INF không quyết định tất cả chuyện giải trừ và kiểm soát vũ trang hạt nhân, nhưng rõ ràng nó là thành tố không thể thiếu của việc giải trừ và kiểm soát vũ trang hạt nhân.
Không còn INF, Mỹ và Nga có thể thoải mái và tuỳ ý nghiên cứu phát triển, chế tạo và sở hữu tên lửa hạt nhân tầm trung. Những nước khác hiện đã có hoặc được coi là có hay theo đuổi mục tiêu có vũ khí hạt nhân trên thế giới càng không phải e ngại gì.
Lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trên thế giới hiện xuất xứ từ đấy.
Câu trả lời cho câu hỏi những nước nào trên thế giới cảm nhận thấy bị đe doạ bởi tên lửa hạt nhân tầm trung của các nước đang có và sẽ có tên lửa hạt nhân tầm trung cho thấy cục diện quan hệ giữa nhiều quốc gia với nhau rồi đây sẽ bị tác động và ảnh hưởng như thế nào cũng như chuyện chính trị an ninh thế giới, châu lục và khu vực rồi đây sẽ trở nên phức tạp và dễ dẫn đến bùng phát xung khắc ra sao.
INF là một sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh nói chung và của mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô nói riêng. Không còn INF nữa không có nghĩa tự khắc lại có chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Nga.
Nhưng sẽ không sai khi hình tượng hoá việc Mỹ rút khỏi INF với việc mở “Cái hộp Pandora” đối với thế giới, đặc biệt đối với các đồng minh quân sự và đối tác chiến lược của Mỹ ở Châu Âu và đối với mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc vì Mỹ bắt đầu dòm ngó đến kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và vì các đồng minh, đối tác của Mỹ ở Châu Âu chứ không phải Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa hạt nhân tầm trung của Nga nếu Nga lại triển khai chủng loại vũ khí này.