Mỏ dầu khí lớn nhất Việt Nam

Minh Tiến |

Mỏ dầu khí lớn nhất Việt Nam nằm tại vùng biển của một tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trữ lượng dầu khoảng 400 triệu tấn, chiếm 93,29% cả nước; trữ lượng khí trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm khai thác, chế biến dầu lớn nhất Việt Nam. Nhiều năm nay, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong lĩnh vực năng lượng.

Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí.

Bể Cửu Long có điều kiện khai thác tốt nhất do nằm không xa bờ, trong vùng biển nông (độ sâu đáy < 50m), thuộc khu vực không có bão lớn. Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm khai thác và chế biến dầu khí lớn nhất Việt Nam.

Cổng thông tin điện tử Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, mỏ Bạch Hổ chiếm hơn 80% sản lượng dầu khai thác được ở Việt Nam. Ngoài ra, Bà Rịa – Vũng Tàu còn một số mỏ lớn khác như mỏ Tê Giác Trắng, mỏ Lan Tây – Lan Đỏ với sản phẩm khai thác chính là khí tự nhiên.

Sau nhiều năm phát triển, công nghiệp dầu khí đã có tác động không nhỏ làm thay đổi cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế của tỉnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa - Vũng Tàu đang là trung tâm của cả nước trong các lĩnh vực năng lượng.

Bên cạnh dầu khí, khoáng sản làm vật liệu xây dựng của Bà Rịa - Vũng Tàu rất đa dạng. Cụ thể, khoáng sản của tỉnh gồm có: đá xây dựng, đá ốp lát, phụ gia xi măng, cát thủy tinh, bentonit, sét gạch ngói, cao lanh, cát xây dựng, than bùn, immenit.

Hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng 19 mỏ với tổng trữ lượng 32 tỷ tấn, phân bố ở hầu khắp các huyện trong tỉnh, nhưng chủ yếu ở các huyện Tân Thành, Long Đất, thị xã Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Chất lượng đá khá tốt, có thể dùng làm đá dăm, đá hộc cho xây dựng; giao thông, thủy lợi, đá khối cho xuất khẩu. Nhìn chung các mỏ nằm gần đường giao thông nên khai thác thuận lợi.

Trên thực tế, Bà Rịa – Vũng Tàu đang phát triển theo hướng giảm lệ thuộc dầu khí, hướng tầm nhìn kinh tế biển.

Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị Thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào tháng 2/2023: "Năm 2015, 80% nguồn thu của tỉnh là từ dầu khí, hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống nhưng vẫn chưa bền vững trong tương lai bởi một nền kinh tế xanh cần không dựa vào tài nguyên khoáng sản. Do đó, mục tiêu xây dựng chiến lược quy hoạch lần này, Vũng Tàu hướng đến việc cơ cấu theo hướng tích cực, bền vững trong khuôn khổ cũng như khả năng của tỉnh."

Theo quy hoạch, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 8,4-8,6%/năm. GRDP bình quân đầu người (không tính dầu khí) đến năm 2030 khoảng 18.000-18.500 USD. Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng 58,0-58,5%; dịch vụ 29,0-29,5%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 6,0 - 6,5%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) khoảng 6,5-6,7%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại