Mỏ đất hiếm "trời cho" của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 1 quốc gia lo lắng

Tất Đạt |

Thông báo về mỏ đất hiếm của Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút sự chú ý của rất nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Phát hiện mỏ đất hiếm khổng lồ

Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố phát hiện ra mỏ đất hiếm lớn thứ 2 thế giới ở Eskisehir của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng trước, một loạt chuyên gia và bài báo đã đặt câu hỏi về chất lượng và độ tin cậy của mỏ đất hiếm được cho là có trữ lượng 694 triệu tấn này.

Trả lời Middle East Eye, người quản lí vận hành khu mỏ tuyên bố ông chắc chắn 100% rằng mỏ Eskisehir sẽ mang lại lợi thế chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ, và nước này có tiềm năng trở thành quốc gia quan trọng trong lĩnh vực đất hiếm do Trung Quốc thống trị - hiện đang kiểm soát hơn 90% thị trường toàn cầu.

Serkan Keleser, tổng giám đốc của Eti Maden, công ty nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ được giao nhiệm vụ khai thác khoáng sản đất hiếm ở Eskisehir, cho biết: "Mọi người có thể biết mỏ này có giá trị không bằng cách nhìn vào mức độ quan tâm mà nó nhận được".

Mỏ đất hiếm trời cho của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 1 quốc gia lo lắng: Vị thế đứng đầu lung lay? - Ảnh 1.

"Chúng tôi nhân được một số đề xuất từ các công ty lớn có trụ sở tại Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ về hợp tác tại mỏ này."

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà địa chất biết được rằng Thổ Nhĩ Kỳ có một số mỏ khoáng sản đất hiếm ở Eskisehir, nhưng số lượng ước tính là rất nhỏ.

Dù vậy, các nhà địa chất Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng trữ lượng thực sự còn cao hơn thế.

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết các cuộc khảo sát địa chất đã bắt đầu lại vào năm 2011. Hơn 59.000 mẫu đã được thu thập và hơn 125.000 mét khoan đã được thực hiện. "Vì vậy, chúng tôi chắc chắn về những gì mình nói," Keleser nói.

Phản ứng của các nước

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Donmez cho biết khu mỏ Eskisehir có 10 trong số 17 nguyên tố đất hiếm - loại khoáng chất được sử dụng trong một loạt các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm máy ảnh, kính thiên văn, máy chụp x-quang và hệ thống dẫn đường tên lửa.

Thông báo này đã thu hút sự chú ý của châu Âu cũng như Trung Quốc.

Tờ Hoàn Cầu của Bắc Kinh đã đăng hai bài viết bày tỏ quan điểm về trữ lượng đất hiếm của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Trung Quốc là "quốc gia duy nhất trên thế giới có dây chuyền công nghiệp hoàn chỉnh" để sản xuất các nguyên tố đất hiếm, và "lợi thế chế biến đất hiếm sẽ không bị mất đi chỉ bởi việc phát hiện ra bất kỳ lượng dự trữ đất hiếm mới nào".

Mỏ đất hiếm trời cho của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 1 quốc gia lo lắng: Vị thế đứng đầu lung lay? - Ảnh 2.

Dù vậy, bất chấp những nhận định tiêu cực ban đầu, trong bài viết thứ 2, Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia năng lượng Trung Quốc nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể hợp tác với Trung Quốc để việc thăm dò thuận lợi hơn.

"Trung Quốc có thể là đối tác tiềm năng tốt nhất. Thổ Nhĩ Kỳ có thể ký một biên bản ghi nhớ với Trung Quốc và Trung Quốc có thể cung cấp dịch vụ kỹ thuật từ thăm dò đến mua bán", Wu Chenhui, một nhà phân tích độc lập trong ngành đất hiếm cho biết.

Giám đốc Keleser tin rằng các bài viết của Trung Quốc cho thấy trữ lượng đất hiếm mới là một bước đột phá thực sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói: "Chúng tôi nhận được những lời đề nghị từ các công ty nhà nước Trung Quốc. Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại có được điều đó nếu nó là thứ mà họ có thể bỏ qua?".

Máy bay chiến đấu và xe điện

Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ đặt mục tiêu sản xuất 10.000 tấn oxit nguyên tố hiếm hàng năm cùng với 72.000 tấn barit, 70.000 tấn fluorit và 250 tấn thori, vốn rất quan trọng cho công nghệ hạt nhân.

Các nhà phê bình cho rằng sản lượng 10.000 tấn nguyên tố hiếm sẽ không tạo ra nhiều thay đổi trong một thị trường toàn cầu với 280.000 tấn sản lượng mỗi năm.

Tuy nhiên, ông Keleser không đồng ý với nhận định này. Ông nói: "Nó sẽ mang lại cho chúng tôi một lợi thế cạnh tranh, một lợi thế chiến lược, vì các nguyên tố đất hiếm đang được sử dụng trong máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và cả ô tô điện. Trước tiên, chúng tôi sẽ thành lập một cơ sở thí điểm cho đến cuối năm 2022, sau đó chuyển sang cấp độ sản xuất công nghiệp. Chúng tôi có các mục tiêu sản xuất của riêng mình, và nó có thể phát triển hơn nữa."

Ilgin Kursun Unver, giáo sư kỹ thuật khai thác tại Đại học Istanbul, đồng ý với quan điểm này và lưu ý rằng các nguyên tố hiếm hơn có thể được phát hiện trong khu mỏ trong giai đoạn sản xuất công nghiệp.

Các kế hoạch ban đầu bao gồm việc xây dựng một cơ sở thí điểm để chế biến 1.200 tấn khoáng sản hàng năm. Kế hoạch sẽ bao gồm các khoáng chất đất hiếm, ví dụ như 8 tấn ôxít lantan, 13 tấn ôxít xeri, 3 tấn ôxít neodymium, 1 tấn ôxít praseodymium và nửa tấn hỗn hợp tinh quặng đất hiếm - cũng như 365 tấn fluorit và 300 tấn barit, là các khoáng chất không phải đất hiếm nhưng vẫn có giá trị cao.

Barit được sử dụng trong thăm dò dầu khí và ngành y tế, trong khi fluorit được sử dụng trong sản xuất thép. Các khoáng chất đất hiếm khác được sử dụng để làm kính quang học, pin mặt trời và kính bảo hộ, đồng thời bảo vệ chống ăn mòn.

Mỏ đất hiếm trời cho của Thổ Nhĩ Kỳ khiến 1 quốc gia lo lắng: Vị thế đứng đầu lung lay? - Ảnh 3.

Ông Keleser nói rằng trước hết, Thổ Nhĩ Kỳ cần học cách chế biến đất hiếm tại các cơ sở thí điểm của họ và việc này có thể mất vài năm.

Giáo sư Unver cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã có một số năng lực chế biến nhất định, nhưng thách thức lớn nhất sẽ là làm giàu và tách các nguyên tố ở dạng oxit và quặng để sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp.

Khi nói đến những câu hỏi xung quanh quy mô của các khu dự trữ, một nhà tư vấn năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những lo lắng tương tự đã xuất hiện khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố phát hiện ra trữ lượng khí đốt tự nhiên ở Biển Đen vào năm 2020.

"Tuy nhiên, lượng khí đốt đó vẫn sẽ được bơm vào các ngôi nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ trong quý đầu tiên của năm 2023," nhà tư vấn năng lượng cho biết. "Mọi người đang đánh giá thấp Bộ Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại