Mỏ đất hiếm lớn thứ 2 thế giới lộ diện: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mục tiêu 'khủng'

Trang Ly |

Quốc gia sở hữu mỏ đất hiếm khổng lồ này sẽ làm gì?

Một mỏ đất hiếm ở Brazil. Ảnh: Edson Silva/Folhapress

Một mỏ đất hiếm ở Brazil. Ảnh: Edson Silva/Folhapress

MỎ ĐẤT HIẾM LỚN THỨ HAI THẾ GIỚI LỘ DIỆN

Đầu tháng 7/2022, hãng thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu Agency đưa tin, Thổ Nhĩ Kỳ vừa tìm được mỏ đất hiếm khổng lồ, với trữ lượng ước tính đạt 694 triệu tấn, trở thành mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới, xếp sau mỏ đất hiếm 800 triệu tấn của Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm này nằm tại Beylikova, thuộc tỉnh Eskişehir ở vùng Trung tâm Anatolia của Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tại mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới này, mục tiêu của chúng tôi bao gồm: Xử lý 570.000 tấn đất hiếm mỗi năm; chế biến 10.000 tấn oxit đất hiếm; 72.000 tấn barite; 70.000 tấn fluorite; và 250 tấn thorium.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

Energy Industry Review dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 6/7/2022 cho biết: "Việc tìm thấy mỏ đất hiếm tại Beylikova có ý nghĩa hết sức quan trọng với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi đang nhanh chóng thành lập một cở sở sản xuất chuyên chế biến quặng ngay trong năm nay. Sau khi có kết quả sản xuất thử, chúng tôi sẽ bắt đầu đầu tư cơ sở công nghiệp. Mục tiêu của chúng tôi bao gồm: Xử lý 570.000 tấn đất hiếm mỗi năm khi cơ sở này đạt hết công suất; chế biến 10.000 tấn oxit đất hiếm; 72.000 tấn barite; 70.000 tấn fluorite; và 250 tấn thorium".

Riêng việc Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng xử lý 570.000 tấn đất hiếm hàng năm - Con số này gần gấp đôi so với 315.000 tấn mà The Conversation báo cáo sẽ được yêu cầu trên toàn cầu vào năm 2030.

[The Conversation là một mạng lưới các phương tiện truyền thông xuất bản tin tức, báo cáo, bình luận, phân tích... do các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế thực hiện].

Fatih Donmez, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ ra rằng mục tiêu cuối cùng của Thổ Nhĩ Kỳ là sản xuất ra các vật liệu tinh chế nhằm hai mục tiêu rõ ràng.

"Đầu tiên, chúng tôi sẽ sản xuất những nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp trong nước. Tiếp đến là hướng đến xuất khẩu chúng ra nước ngoài. Đây sẽ là một trong những ví dụ điển hình về mô hình nền kinh tế mới của chúng tôi tập trung vào đầu tư, việc làm, sản xuất và xuất khẩu, mà chúng tôi thường thể hiện trong Mô hình Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi sẽ có cơ hội hiện thực hóa tất cả các sản phẩm của chuỗi cung ứng từ sản phẩm đầu tiên đến sản phẩm cuối cùng tại đây" - Ông Fatih Donmez nói.

Mỏ đất hiếm lớn thứ 2 thế giới lộ diện: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mục tiêu khủng - Ảnh 2.

Fatih Donmez, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: The Drive

"Nếu bạn kiếm được 1 đơn vị khi bán quặng bạn khai thác mà không qua xử lý, bạn có thể khiến nó có giá trị gấp 10 lần khi biến nó thành sản phẩm trung gian và gấp 100 lần khi biến nó thành sản phẩm cuối cùng (trong một quá trình sản xuất). Mục tiêu của chúng tôi là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng từ lĩnh vực này, rồi cung cấp chúng cho người dân cũng như xuất khẩu ra nước ngoài" - Người đứng đầu Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Một thành viên của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Khoáng sản và Kim loại Istanbul (IMMIB) cho biết, việc khai thác mỏ đất hiếm lớn thứ hai thế giới sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập đội tiên phong của thế giới trong lĩnh vực sản xuất vật liệu đất hiếm.

11 NĂM: QUÃNG THỜI GIAN TÌM RA MỎ ĐẤT HIẾM 694 TRIỆU TẤN

Trước đó, Bộ Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo trên trang web chính thức của mình rằng chính phủ nước này đã phát hiện ra 694 triệu tấn nguyên tố đất hiếm ở vùng Beylikova của Eskişehir, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Fatih Donmez tiết lộ, công việc khoan tìm mỏ đất hiếm bắt đầu vào năm 2011 và các mẫu thu thập được đã được phân tích đầy đủ. Sau 11 năm, đến giữa năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ thành công trong việc phát hiện ra mỏ đất hiếm dồi dào của mình. 

Sau khi định lượng, các chuyên gia đưa ra con số 694 triệu tấn nguyên tố đất hiếm tại khu mỏ ở Beylikova, miền tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Trữ lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu của thế giới trong 1.000 năm!

Mỏ đất hiếm lớn thứ 2 thế giới lộ diện: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ mục tiêu khủng - Ảnh 3.

Một mỏ đất hiếm trên thế giới. Ảnh: VCG

Cần phải nói thêm, đây không phải là lần đầu tiên các mỏ đất hiếm khổng lồ được tìm thấy trên thế giới. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 4/2018 cho biết một mỏ đất hiếm được tìm thấy trong vùng biển của Nhật Bản, nơi chứa 16 triệu tấn khoáng chất đất hiếm. Tuy nhiên, mỏ đất hiếm này đã không được tận dụng, không phải vì Nhật Bản không muốn, mà bởi vì họ không sở hữu công nghệ để làm như vậy, Global Times thông tin.

Thực tế, nguyên tố đất hiếm tương đối phong phú trong vỏ Trái Đất, nhưng nồng độ có thể khai thác được của chúng lại ít phổ biến hơn và tiết kiệm hơn so với hầu hết các loại quặng khác.

Nguyên tố đất hiếm (REE) là một tập hợp của 17 nguyên tố kim loại. Chúng bao gồm 15 kim loại trong nhóm lanthanides* trong bảng tuần hoàn cộng với scandium và yttrium. Đất hiếm ngày càng được đánh giá cao trong các ngành lĩnh vực như hàng không, quốc phòng, công nghiệp vũ trụ, xe cộ và y sinh...

The Drive cho biết, hơn một phần ba vật liệu đất hiếm trên thế giới có các ứng dụng hiện tại hoặc tiềm năng trong thế giới ô tô, đặc biệt là trong các phương tiện chạy bằng điện.

Xerium từ lâu đã được sử dụng trong các bộ chuyển đổi xúc tác, nhưng một danh sách dài các loại đất hiếm đang tăng lên nhanh chóng khi ngành công nghiệp ô tô điện khí hóa.

Dysprosium, neodymium và samarium rất hữu ích trong động cơ DC nam châm vĩnh cửu được sử dụng trong một số EV (xe ô tô điện), còn gadolinium có tiềm năng trong cả động cơ và pin. Trong khi pin lithium-ion hiện đang là tiêu chuẩn vàng của ngành công nghiệp ô tô, thì lantan và yttrium đang được sử dụng trong các hóa chất thay thế pin.

Chú thích trong bài:

(*) 15 kim loại thuộc nhóm lanthanides bao gồm: Lantan, xerium, praseodymium, neodymium, promethium, samarium, europium, gadolinium, terbium, dysprosium, holmium, erbium, thulium, ytterbium và lutetium.

Bài viết sử dụng nguồn: Energyindustryreview, News.metal.com, Global Times, The Drive

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại