Từ khủng hoảng cũ
Trong những ngày vừa qua, không phải diễn biến tình hình ở Syria hay Iraq, cũng không phải cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hay chuyện Qatar bị một số nước láng giềng cấm vận và trừng phạt, mà chuyện liên quan đến Ả rập Xê út chế ngự bầu không khí chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Trước hết là cuộc thanh trừng trong nội bộ hoàng tộc và chính quyền ở Ả rập Xê út bằng một chiến dịch chống tham nhũng. Sau đó là chuyện lực lượng vũ trang người Houthi ở Yemen phóng tên lửa nhằm vào thủ đô Riyadh của Ả rập Xê út. Vương triều này cho rằng Iran là chủ mưu vụ việc, cung cấp tên lửa cho người Houthi ở Yemen nên coi đó là "hành động chiến tranh của Iran nhằm vào Ả rập Xê út".
Tiếp đến là chuyện Thủ tướng Lebanon Saad Hariri bất ngờ từ chức nhưng lại tuyên bố từ chức ở Ả rập Xê út và được phía Ả rập Xê út công bố cũng như ông này lưu vong ở Ả rập Xê út mà không chịu về nước từ đó đến nay.
Cựu Thủ tướng Lebanon Saad Hariri hiện đang sống lưu vong ở Ả rập Xê út. Ảnh Reuters
Ông Hariri có cả quốc tịch Ả rập Xê út và cáo buộc Iran cùng với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon mưu đồ thủ tiêu mình. Riyadh tuyên bố coi Lebanon như "quốc gia đã tuyên chiến với Ả rập Xê út".
Có thể thấy câu chuyện lại xoay quanh mối quan hệ giữa Ả rập Xê út và Iran, giữa người Hồi giáo theo dòng Shiite dựa cậy vào sự bảo hộ, lãnh đạo của Iran và người theo dòng Sunni mà Ả rập Xê út tự nhận về vai trò lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo.
Chuyện lại xoay quanh cuộc ganh đua "sống mái" giữa hai quốc gia đối địch muôn thuở là Ả rập Xê út và Iran trong việc giành vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng chi phối ở khu vực và trong thế giới Hồi giáo. Họ không chiến tranh trực tiếp với nhau nhưng tiến hành chiến tranh gián tiếp ở Syria, Iraq, Yemen, Lebanon.
Bên nào cũng có đồng minh và đối tác ở bên ngoài khu vực và cũng đều có tập hợp lực lượng riêng ở khu vực. Họ không chiến tranh trực tiếp với nhau đơn giản bởi họ không có chung biên giới và Ả rập Xê út trên thực tế không phải là đối thủ quân sự của Iran. Ả rập Xê út cũng không thể trông chờ Mỹ hay Israel hoặc đồng minh khác cùng mình giao tranh quân sự trực tiếp với Iran cũng như vì Iran luôn chủ trương tránh để bị lôi kéo vào chiến tranh trực diện với nước khác.
Tới chiến địa mới
Lebanon rất có thể trở thành chiến địa mới giữa Ả rập Xê út và Iran. Không có gì là bí mật khi Hezbollah ở Lebanon hậu thuẫn và Hezbollah là lực lượng quân sự mạnh nhất ở Lebanon. Nhờ thế, Hezbollah đóng vai trò quyết định đối với an ninh và ổn định chính trị xã hội ở Lebanon, tới chính sách đối nội cũng như đối ngoại ở đất nước này, đặc biệt đối với Israel và Ả rập Xê út.
Ả rập Xê út và Israel tuy không có quan hệ ngoại giao với nhau nhưng lại "cùng hội cùng thuyền" trong mọi chuyện liên quan đến Hezbollah và Iran. Cả hai đều lo ngại và vì thế đối phó bằng mọi cách việc Iran mở rộng tầm ảnh hưởng sang Trung Đông, tạo vòng cung ảnh hưởng từ Iran qua Iraq, Syria, Yemen sang Lebanon để gây dựng thế trận chiến lược ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.
Với sự hậu thuẫn của Nga, Iran cho tới nay khá thành công với chính sách này. Ở cả Iraq lẫn Syria, Ả rập Xê út đều thất thế so với Iran. Ở Yemen, Ả rập Xê út sa lầy vào chiến tranh nhưng không trấn áp được người Houthi.
Lebanon có thể trở thành chiến địa mới giữa hai nước này bởi lo ngại mới và mưu tính mới của Ả rập Xê út. Vương triều này hậu thuẫn ông Hariri ở Lebanon vì ông là sự đảm bảo Lebanon không ngả hẳn về phía Iran.
Những chuyện vừa rồi xảy ra với ông Hariri rất có thể là kết quả của lo ngại của Ả rập Xê út về khả năng ông Hariri không bảo vệ được vị thế cầm quyền trong cuộc bầu cử quốc hội tới đây và Hezbollah thắng thế sẽ rất nguy hại cho Ả rập Xê út.
Vì thế, mưu tính mới của nước này là khuấy động tình thế chính trị an ninh mới ở Lebanon để ngăn cản Hezbollah, làm rùm beng về ý đồ của Hezbollah và Iran để lôi kéo Israel và cả Mỹ nữa về phía mình cùng đối phó Hezbollah về quân sự và đối phó Iran về chính trị.
Cho dù thù địch với Hezbollah và Iran đến mấy thì Mỹ và Israel vẫn phải rất thận trọng với việc tham chiến trực tiếp hay ủng hộ chiến tranh ở Lebanon nên sẽ không dễ dàng sa vào cái bẫy mà Ả rập Xê út đang giăng ra ở Lebanon.
Ả rập Xê út đã mở chiến địa mới đối địch Iran nhưng trong thực chất bị động đối phó nhiều hơn là chủ động tấn công. Mối quan hệ giữa hai nước này trở nên thêm thù địch và phức tạp. Cả khu vực vì thế mà bị ảnh hưởng tiêu cực về an ninh và ổn định.