Là người thường xuyên phải di chuyển trong công việc, chiếc laptop đã trở thành vật cứu cánh, vừa trở thành gánh nặng cho tôi. Có những lúc tôi đi chỉ 2, 3 ngày, quần áo vật dụng thì chẳng đáng nhiêu nhưng laptop thì cứ phải kè kè bên mình, thậm chí còn không được gửi vào khoang ký gửi trên máy bay.
Mà mang laptop đi đủ nhiều thì không sớm thì muộn sẽ có lúc gặp tình huống éo le: có lần, tôi quên sạc, thế là mang theo lap chẳng khác gì mang theo cục gạch 2kg vô dụng.
Nhưng không mang laptop thì cũng không ổn. Dù rằng khách sạn nào tôi ở cũng có laptop, và công ty đối tác nào cũng sẵn sàng cung cấp thiết bị tại chỗ để tôi làm việc, tôi vẫn cứ phải mang theo laptop cá nhân của mình.
Trở ngại đầu tiên là ở phần mềm, bởi khi dùng máy "lạ" tôi vẫn sẽ phải cài đặt thêm phần mềm rồi mới dùng được. Tương thích cũng là cả vấn đề, vì ngay cả Office 2013 khi mở tài liệu 2016 vẫn có thể vỡ format. Cuối cùng là cả vấn đề bảo mật nữa: làm sao mà tôi biết được máy tính tại nơi mình đến đã có những gì, liệu có thể bị mã độc hay không.
Bật mí: Bạn có thể khởi động một phiên bản Windows đầy đủ từ ổ cứng ngoài.
Thế rồi, khi gắn SSD từ chiếc laptop cũ bị hỏng sang PC để lấy lại dữ liệu, tôi bỗng phát hiện ra điều kỳ lạ. Tôi có thể mang cả "không gian làm việc" của mình đi khắp mọi nơi bằng một chiếc ổ cứng ngoài.
Phát hiện này đã xảy ra như thế nào? Do PC của tôi ưu tiên khởi động trên USB trước ổ cứng, và do SSD cũ lúc đó được gắn qua adapter USB, máy tính của tôi đã tự động khởi động vào phiên bản Windows 10 trên ổ gắn ngoài (chứ không phải là trên ổ "chính" bên trong máy).
Sau khoảng 5 phút chờ đợi, hệ điều hành tự động cài đặt driver cho hệ thống mới rồi đưa tôi vào một trải nghiệm Windows đầy đủ.
Đó chính là trải nghiệm Windows từng tồn tại bên trong chiếc laptop cũ của tôi, nhưng giờ đang chạy trên một chiếc PC khác, qua kết nối USB.
Mỗi lần cắm vào "máy lạ", Windows sẽ mất thêm ít thời gian để cài đặt lại phần cứng, nhưng trải nghiệm nói chung không khác biệt gì.
"Hiện tượng" này có thể là hoàn toàn bình thường với bạn, nhưng lại là quá bất ngờ với tôi. Thời Windows 7, thay main là tôi phải cài lại Windows, nếu không thì sẽ bị treo máy. Chưa kể, trước đây băng thông USB cũng quá chậm để có thể dùng làm ổ khởi động.
Bây giờ, với Windows 10, tôi có thể tháo ổ cứng đã cài đặt Windows trên máy này để chạy trên máy khác – thậm chí là chạy qua adapter USB. Băng thông 5.0Gbps tuy không được như SATA nhưng vẫn quá đủ để chạy Windows gần như bình thường.
Dĩ nhiên là trải nghiệm cũng có phần chậm hơn so với khi lắp ổ vào trong máy. Nhưng với nhu cầu công việc thì tôi cũng không cần nhiều hơn, chưa kể nhiều ứng dụng tôi dùng còn chủ yếu lưu dữ liệu "lên mây" chứ không phải là lên ổ cứng. Điều quan trọng nhất là tôi đã có thể mang theo toàn bộ không gian làm việc của mình bên trong một chiếc ổ cứng 2.5" nhỏ nhẹ.
Đến công ty đối tác (bao gồm cả những công ty thiết kế toàn... Mac), đến khách sạn, ra Internet Cafe, ở sân bay... tôi chỉ cần gắn ổ cứng qua USB đã có thể sử dụng Windows của riêng mình một cách thoải mái. Không cần phải lo cài đặt, lo tương thích hay lo bảo mật.
Ở khách sạn, cắm USB là dùng như ở nhà.
Một phiên bản Windows "di động" như vậy cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong tình huống Windows "chính" trên laptop/PC của bạn gặp trục trặc: bạn chỉ cần lắp ổ ngoài đã cài đặt Windows để sao lưu dữ liệu bên trong ổ chính. Khi thay PC (bo mạch) hay thay laptop, bạn cũng chỉ cần tháo ổ cũ lắp sang ổ mới thay vì mất công copy cài đặt tốn thời gian.
Hiện tại, một chiếc ổ SSD 120gb có giá chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Một chiếc adapter USB3.0 cho ổ SATA chất lượng cũng chỉ vào khoảng 150.000 đồng. Bạn thậm chí có thể cài cả Windows vào USB 32GB hoặc 64GB nếu không cần sử dụng quá nhiều dung lượng.
Với khoản phí không hề cao, tôi đã có thể mang theo không gian Windows 10 của riêng mình đi mọi lúc mọi nơi. Xin cảm ơn Microsoft.