Hôm nay (13/12), siêu mẫu Minh Tú đã khiến người hâm mộ bất ngờ khi chia sẻ về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình. Trên trang cá nhân, cô gửi lời cảm ơn và xin lỗi đến khán giả vì không thể xuất hiện với vẻ ngoài rạng rỡ, gọn gàng như trước đây, đồng thời tiết lộ mình đang đối mặt với căn bệnh liên quan đến cột sống, gây thoái hóa và mất xương.
Trong bài viết, Minh Tú cho biết: Cô chưa có em bé, đồng thời lý giải việc bản thân tăng cân là vì căn bệnh cột sống mà cô đang đối mặt.
"Trong suốt năm nửa 2024 qua, Tú đang phải đối mặt với những thách thức từ bên trong mình, liên quan tới sức khoẻ, bệnh cột sống, thoái hoá và mất xương. Việc đó đồng nghĩa với việc có thể trong tương lai Tú phải đối mặt đến các vấn đề về sinh hoạt thường ngày, đi lại hoặc ảnh hưởng đến cột sống khi có em bé ", Minh Tú viết.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn gây lo ngại về khả năng di chuyển, sinh hoạt, và cả việc mang thai trong tương lai có thể ảnh hưởng đến cột sống. Cô đã từ bỏ các hoạt động thể thao mạnh như gym hay lái xe, thay vào đó tìm đến yoga, bơi lội, pilates và thực hiện các phác đồ điều trị, tập vật lý trị liệu.
Minh Tú cũng chia sẻ rằng stress và việc sử dụng thuốc điều trị đã khiến cơ thể cô tích nước, làm cho việc duy trì vóc dáng trở nên khó khăn. Dù vậy, siêu mẫu vẫn giữ tinh thần lạc quan, lan tỏa năng lượng tích cực đến người hâm mộ qua những nội dung hài hước và đáng yêu.
Bệnh thoái hóa cột sống mà Minh Tú mắc phải có nguy hiểm không?
Thoái hóa cột sống là một bệnh lý mạn tính, tiến triển từ từ, ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của cột sống. Các chuyên gia cho rằng, thoái hóa cột sống tuy không nguy hiểm ngay lập tức đến tính mạng nhưng lại khiến người bệnh phải chịu cảnh đau đớn, mệt mỏi và gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng thoái hóa sẽ ngày càng nghiêm trọng và dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.
Một số hình ảnh mà Minh Tú chia sẻ.
1. Nguyên nhân nào dẫn đến thoái hóa cột sống?
- Tuổi tác: Tuổi cao là yếu tố hàng đầu, khi các mô sụn và đĩa đệm bắt đầu suy yếu theo thời gian.
- Giới tính nữ: Phụ nữ, đặc biệt sau mãn kinh, dễ mắc thoái hóa cột sống hơn do mật độ xương giảm.
- Lao động nặng : Những công việc yêu cầu mang vác nặng hoặc sai tư thế lâu ngày gây áp lực lớn lên cột sống.
- Các nguyên nhân khác: Tiền sử chấn thương hoặc phẫu thuật cột sống.
Bất thường trục chi dưới: Ví dụ như chân vòng kiềng hoặc lệch khớp háng.
Yếu cơ: Cơ bắp yếu kém hỗ trợ cho cột sống.
Yếu tố di truyền: Một số người có nguy cơ cao do đặc điểm gene.
2. Hậu quả khi không điều trị thoái hóa cột sống
- Chèn ép rễ thần kinh: Gai xương hoặc đĩa đệm thoát vị có thể gây đau lan, tê bì hoặc mất cảm giác.
- Teo cơ và yếu liệt: Khi dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, các cơ ở chi dưới có thể bị teo và suy giảm chức năng.
- Mất khả năng lao động: Cột sống biến dạng hoặc đau mạn tính khiến người bệnh mất khả năng làm việc.
Cần làm gì để ngăn ngừa và điều trị thoái hóa cột sống?
1. Lối sống lành mạnh
Tập luyện thể dục nhẹ nhàng như yoga, bơi lội, pilates để tăng cường sức mạnh cho cột sống. Tránh các hoạt động mang vác nặng hoặc tư thế sai.
2. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
Bổ sung thực phẩm giàu canxi và vitamin D, như sữa, cá hồi, trứng, và rau lá xanh.
3. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Khi có các triệu chứng đau kéo dài hoặc hạn chế vận động, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa xương khớp.
4. Sử dụng thuốc chống viêm, giảm đau kết hợp vật lý trị liệu để giảm triệu chứng.