Tranh minh họa.
Nói đến Sùng Trinh Đế, chắc hẳn bạn đọc đều đã từng nghe đến ông. Sùng Trinh Đế tên thật là Chu Do Kiểm, là vị Hoàng đế thứ 16 và cũng là vị Hoàng đế để mất nước của nhà Minh. Cái tên Sùng Trinh là do các thế hệ sau dùng để gọi tên ông.
Là một vị Hoàng đế để mất nước nhưng cũng cần phải làm rõ, nhà Minh rơi vào cục diện suy vong ấy cũng không phải là vì Chu Do Kiểm bất tài không làm nên chuyện. Ngược lại, Chu Do Kiểm đã dốc sức cả đời cố gắng cứu vãn thế cục nhà Minh bấy giờ đã lung lay sắp đổ, chỉ có điều ông không thành công.
Cai trị một quốc gia đã chỉ còn chút hơi tàn, lại đối mặt với thù trong giặc ngoài, Chu Do Kiểm đã luôn làm việc cẩn trọng, cố gắng nỗ lực hết sức mình để mong cứu được cơ nghiệp nhà họ Chu.
Song đến cuối cùng, ông vẫn không thể chống chọi được với sự xâm lược của nhà Thanh, khiến cho giang sơn một lần nữa đổi chủ.
HOÀNG ĐẾ CUỐI CÙNG CỦA NHÀ MINH, THUỞ NHỎ BẤT HẠNH NHƯNG VẪN LUÔN CỐ GẮNG NỖ LỰC
Thuở nhỏ, bởi vì mẹ ruột của Chu Do Kiểm thân phận thấp kém nên ông ở trong cung cũng không nhận được đối xử tốt. Sau này mẹ ông phạm phải sai lầm, bị ban tội chết, Chu Do Kiểm được đưa đến cho phi tần khác nuôi dưỡng.
Tranh vẽ minh họa cuộc sống bên trong cung đình Minh triều.
Bởi vì vị phi tần ấy cũng có con của riêng mình, cho nên thuở ấu thơ, Chu Do Kiểm không hề được hưởng tình thương yêu của cha mẹ, cuộc sống trôi qua không hề vui vẻ.
Hơn nữa, bởi vì thân phận là một Hoàng tử vương tôn, bên cạnh ông cũng không có bạn bè chơi cùng, thế nên thời thơ ấu Chu Do Kiểm vô cùng cô độc và thiếu thốn tình thương, còn phải chịu đựng sự hoài nghi và hãm hãi từ những người khác.
Mặc dù lớn lên trong hoàn cảnh như vậy, nhưng Chu Do Kiểm chưa bao giờ buông xuôi chính mình. Không thể phủ nhận rằng những điều mà ông từng trải qua trong những năm tháng ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách và cách xử lý mọi chuyện của ông sau này.
Song đồng thời, Chu Do Kiểm cũng rất chịu khó nỗ lực, bỏ công sức học hành, vì muốn sau này có thể được làm một vị Vương gia nhàn tản tự do.
Vì cha mất sớm, anh trai Chu Do Kiểm thừa kế ngôi vị, ông cũng được phong thành Vương gia, nhưng vì khi ấy Chu Do Kiểm tuổi còn nhỏ nên vẫn chưa phải đi đến đất phong. Nói cách khác, Chu Do Kiểm khi ấy chỉ cách cuộc sống mà ông hằng mong muốn một bước nữa thôi, nhưng một bước này lại mãi mãi chẳng thành sự thật.
Anh trai Chu Do Kiểm bất ngờ mắc phải chứng bệnh nan y, vô phương cứu chữa, mà huyết mạch Hoàng gia khi ấy chỉ còn lại một mình Chu Do Kiểm, vì thế Chu Do Kiểm bất ngờ bước lên ngôi vị thiên tử. Quãng thời gian trị vì của một ông vua mất nước nhưng vẫn luôn nghĩ cách cứu nước chính thức bắt đầu!
Tranh vẽ minh họa quần thần nhà Minh.
BẤT NGỜ LÊN NGÔI NHƯNG CŨNG CHẲNG THỂ CỨU ĐƯỢC NHÀ MINH
Chu Do Kiểm bất ngờ đăng cơ, nhưng ông không hề nghĩ sẽ hưởng thụ quyền lực vô hạn của một vị Hoàng đế mà ngược lại, ông luôn nỗ lực, muốn dựa vào khả năng của bản thân để cứu lấy nhà Minh. Sau khi lên ngôi, Chu Do Kiểm vô cùng chăm chỉ cần cù, tuy mới chỉ 20 tuổi nhưng ông đã có tóc bạc.
Vào những lúc ốm đau không thể lên triều, Chu Do Kiểm còn tự kiểm điểm lại chính mình. Từ những điểm này cho thấy, bản thân Chu Do Kiểm rất muốn tiếp tục kéo dài cơ nghiệp tổ tiên để lại.
Nhưng chúng ta đều đã biết, một nhà Minh đối mặt với thù trong giặc ngoài chẳng còn có thể kéo dài thêm được nữa. Suốt nhiều năm thi hành chính sách trọng văn khinh võ, sức mạnh quân đội của nhà Minh đã chẳng thể nào có thể địch lại được với đội quân Mong Cổ kiêu dũng thiện chiến.
Sự suy vong của nhà Minh là kết cục không thể tránh khỏi, nhưng với Chu Do Kiểm, trong lòng ông vẫn tâm niệm khôi phục lại nhà Minh, ông không thể chấp nhận được một kết cục thất bại.
Cũng bởi vì như vậy, khi hay tin Đức Vương bị quân Thanh bắt đi, Sùng Trinh Đế đã vô cùng tức giận, lệnh giết chết 36 vị đại thần trong triều. Chuyện này đầu đuôi ra sao?
HẠ LỆNH GIẾT 36 ĐẠI THẦN CHỈ TRONG 1 NGÀY
Theo những ghi chép trong "Minh sử", vào tháng 8 năm Sùng Trinh thứ mười hai, triều đình hạ lệnh giải Nhan Kế Tổ, Tổ Khoan cùng các vị quan văn quan võ khác, tổng cộng 36 người đến chợ rau ở Kinh thành chém đầu thị chúng. Việc này diễn ra trong đúng 1 ngày.
Tranh minh họa.
Hành động giết hại một loạt quan viên này đã gây rúng động khắp triều đình nhà Minh, thậm chí đến tận bây giờ, các nhà sử học, khảo cổ học vẫn còn tranh cãi về chuyện này.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do trong quá trình giao chiến với nhà Thanh, nhà Minh nhiều lần thất bại. Điều này khiến Chu Do Kiểm cảm thấy thất vọng vô cùng, ông không thể chấp nhận kết cục thất bại của nhà Minh.
Trong lòng Chu Do Kiểm bấy giờ vô cùng tức giận, ông cho rằng, chỉ có một mình ông ra sức muốn thay đổi cục diện nhà Minh còn các quan viên khác lại chẳng hề cố gắng để thay đổi tình hình trước mắt, chính vì thế nên Chu Do Kiểm vô cùng tức giận với những viên quan võ nhưng chỉ mang về tin chiến bại cùng các vị quan văn đương triều.
Sau khi nghe tin Tề Nam phủ bị phá, thậm chí Đức Vương còn bị quân Thanh bắt đi, sống chết chưa rõ, cảm xúc tức giận của Chu Do Kiểm đã lên đến cao trào.
Bấy giờ vào thời nhà Minh, các vị Phiên vương đều có địa vị rất cao, thậm chí họ còn liên quan đến bộ mặt quốc gia, việc Đức Vương bị kẻ thù bắt chính là nỗi xấu hổ của triều đình nhà Minh.
Thêm nữa, vì ảnh hưởng bởi những điều trải qua thời thơ ấu nên Chu Do Kiểm rất khó tin tưởng người khác, bởi vậy khi cơn giận lên đến cao trào, ông đã chọn giết một loạt các quan đại thần từ Tam phẩm trở lên đã thất trách trong chuyện này.
TREO CỔ TỰ VẪN, LẤY THÂN MÌNH TUẪN TÁNG MINH TRIỀU
Bánh xe của lịch sử không thể thay đổi, đến cuối cùng Chu Do Kiểm cũng chẳng thể dựa vào sức lực của chính ông để thay đổi vận mệnh nhà Minh. Khi quân của Lý Tự Thành công phá Bắc Kinh, Chu Do Kiểm đã dẫn theo hoàng thất nhà Minh, trừ Hoàng tử và chọn cách lấy thân tuẫn táng cùng triều đại.
Không thể phủ nhận rằng, Chu Do Kiểm rất trung thành với triều đình nhà Minh, cả đời ông cần cù, cố gắng, nhưng vẫn chẳng thể cứu được triều đại. Đến tận những giây phút cuối cuộc đời ông vẫn luôn cảm thấy hổ thẹn với liệt tổ liệt tông nên đã chọn cách thắt cổ tự vẫn để bảo vệ chút tôn nghiêm cuối cùng cho mình.
Cả cuộc đời Chu Do Kiểm có quá nhiều điều bất hạnh, song ông vẫn luôn không ngừng cố gắng đấu tranh với số phận, cuối cùng bất lực chọn cách rời xa nhân thế mãi mãi, đây cũng là do tính cách của ông tạo thành.
LỜI KẾT
Chu Do Kiểm quả thực là vị Hoàng đế số khổ. Những bất hạnh thời thơ ấu tuy không làm ông gục ngã nhưng lại tạo cho ông tính tình đa nghi. Khi giấc mộng được trở thành một Vương gia nhàn tản tự do tự tại nơi đất phong bị phá hủy, Chu Do Kiểm buộc phải gánh trên vai trọng trách của một vị Hoàng đế, cả đời cần cù, chăm chỉ nhưng đến cuối cùng cũng chẳng thay đổi được hiện thực, không thể ngăn được sự suy vong của nhà Minh.
Đến khi kinh thành bị kẻ thù công phá, khi nơi bảo vệ cuối cùng cũng sắp mất đi, Chu Do Kiểm đã chọn lấy cái chết chôn cùng quốc gia.
Cả cuộc đời Chu Do Kiểm ra sức bù đắp cho những đau khổ mà các vị Hoàng đế đời trước gây nên cho dân chúng, bù đắp cho một quốc gia đã bên bờ sụp đổ, nhưng cuối cùng vẫn là kết cục thất bại.
Mỗi một chính sách của nhà Minh đều ẩn chứa mối họa ngầm cho sự sụp đổ của triều đại, chỉ riêng sức lực của mình Chu Do Kiểm thì chẳng thể trả nổi "cái giá" ấy.