Minh hôn còn được gọi là "âm hôn" hay "đám cưới ma", là đám cưới kết duyên hai người đã mất hoặc một người vừa mất và một người còn sống. Người Trung Quốc tổ chức minh hôn với mong muốn người chết sẽ hạnh phúc, người sống luôn bình an.
Họ cho rằng người chết đó sẽ cô đơn ở kiếp sau hoặc không siêu thoát, sẽ "bám dính" những người còn sống trong gia đình.
Hủ tục này xuất hiện lần đầu tiên vào thời Tây Chu, rất thịnh hành qua các thời kì phong kiến Trung Quốc và mai một dần vào cuối đời nhà Thanh. Minh hôn đã chính thức bị cấm từ sau năm 1949. Hiện nay, minh hôn chỉ còn tồn tại ở một số vùng quê xa xôi hẻo lánh.
Hình ảnh từ một "đám cưới ma" nổi tiếng, được chuyền tay khá nhiều trong thời gian gần đây.
Minh hôn có thể phân thành hai dạng: đám cưới giữa một người sống và một người chết hoặc đám cưới giữa hai người đã chết.
Nếu một cặp đôi yêu thương nhau, đã đính hôn với nhau nhưng không may một trong hai chết trước khi kết hôn, người còn sống có thể tiến hành hôn lễ với một vật dụng nào đó đại diện cho người đã mất.
Từ Thế chiến thứ 1, dạng kết hôn giữa một người chết và một người sống như thế này đã được nước Pháp công nhận là hợp pháp, tuy nhiên sẽ không có quyền thừa kế hay bất kỳ tài sản hôn nhân nào giữa cô dâu và chú rể.
Dạng thứ hai, người chết kết hôn cùng người chết. Thời Tam Quốc, con trai Tào Tháo không may chết sớm lúc 13 tuổi. Tào Tháo liền tìm tới nhà Chân thị cũng có con gái đã chết đề nghị cử hành minh hôn. Hai nhà chọn ngày lành tháng tốt tổ chức "đám cưới ma", sau đó hợp táng cho "đôi vợ chồng mới cưới" được chôn cạnh nhau.
Với những người khi còn sống chưa từng có hôn ước, sau khi mất, vì lo lắng cuộc sống ở thế giới bên kia cô quạnh bất an, nên gia đình sẽ tìm một người để kết minh hôn. Thời cổ gọi là "Thiên táng", hiện tại gọi là "Kết âm thân".
Khi người nữ chết, người nam cưới gọi là "cưới vợ ma", sau minh hôn người nam vẫn có thể lấy người phụ nữ khác. Còn nếu người nam chết, người nữ gả gọi là "ôm bài vị thành thân", lúc này cô dâu sẽ không thể gả cho ai khác nữa, chỉ có thể ở lại nhà "chồng", chăm sóc gia đình "chồng" và thờ cúng cho "chồng".
Ở thời điểm minh hôn thịnh hành, một nghề nghiệp mới đã xuất hiện: "bà mối ma". Người này cũng giống như những người mai mối thông thường, chỉ khác ở một điểm là họ mai mối cho người chết.
Trước hết, cha mẹ người mất sẽ tìm "bà mối ma" đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành chọn ngày lành tháng tốt. Đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ. Các nghi thức cưới hỏi của minh hôn tương tự như một đám cưới bình thường. Bạn bè, người thân của hai họ cũng được mời tới chung vui.
Một người đàn ông kết hôn cùng hôn thê đã mất. Trong lễ cưới xuất hiện hình nhân đại diện cho cô dâu.
Minh hôn không những tốn kém mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Theo thống kê, trong 20 năm qua, giá cả đã tăng hơn 30 lần.
Những gia đình giàu có vẫn sẵn sàng bỏ tiền để mua "cô dâu ma" cho con trai đã chết với giá có thể lên tới 30 nghìn NDT (gần 100 triệu VND). Do đó, một số kẻ đã lợi dụng hủ tục này đào trộm mồ mả, kinh doanh xác chết.
Tháng 3/2004, tại thị xã Củng Nghĩa, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hai anh em ruột đã đánh cắp xác của một cô gái, sau đó tổ chức hôn lễ giữa xác người đó với người anh trai đã chết của họ.
Tháng 10/2004, tại thị xã Hoắc Châu, thành phố Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, một phụ nữ đã giết hại một bé gái 12 tuổi, sau đó bán thi thể đó lấy 23,8 nghìn NDT (hơn 78 triệu VND).
Tháng 3/2005, một người đàn ông đã mang lên tàu hỏa Tây An hai bao tải chứa sáu hài cốt của sáu người phụ nữ hắn vừa trộm được. Tổng giá trị hắn kiếm từ hai bao tải là 3 nghìn NDT (gần 10 triệu VND).
Tháng 5/2007, một người nông dân đã giết chết 6 người phụ nữ và bán thi thể cho những người trong làng, kiếm về hơn 20 nghìn NDT (hơn 65,5 triệu VND).
(Nguồn: Tổng hợp)