img
Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 1.

108 quả cầu bạc đó tượng trưng cho những hạt thủy ngân - khoảng 600 tấn thủy ngân đã thải ra vịnh biển Minamata suốt 36 năm, từ 1932 đến 1968. Lớp bùn thủy ngân có thể dày đến 4m. Nó gây ra cái chết nhanh chóng và đau thương cho gần 1.800 người và biến cuộc sống của gần 11.000 người khác thành những đau đớn nối tiếp nhau, cướp đi của họ tương lai và giá trị cuộc sống.

Từ 60 năm nay Minamata đã trở thành tên gọi của một thảm họa môi trường vô tiền khoáng hậu, thuộc loại lớn nhất trên thế giới. Cho đến tận bây giờ, số nạn nhân Minamata vẫn còn đến hơn 10.000 người, và đó là con số không đầy đủ. Rất nhiều nạn nhân đã bị từ chối ghi nhận bệnh, do những cố gắng thoái thác trách nhiệm của phía nhà máy Chisso, thủ phạm của thảm họa này. Số khác đã chết trong khi không biết mình mắc phải căn bệnh gì. Số khác nữa - họ vẫn còn sống - chưa bao giờ đi khai bệnh vì sợ bị từ chối. Hậu quả thực sự xảy ra cho cuộc sống và sinh mạng người dân, cũng như cho môi trường vịnh biển Minamata và sau đó là vùng Niigata không bao giờ tính xuể.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 2.

Đầu thập niên 1950, gia đình Rimiko Yoshinaga, một trong ba gia đình sống trong thôn nhỏ gần nơi ô nhiễm đã ăn rất nhiều hải sản đánh bắt từ vịnh.

Cha của Rimiko làm việc tại nhà máy Chisso, nhưng ông nội Rimiko là ngư dân và ngày nào cũng đi đánh cá. Anh trai cả của Rimiko hay lựa cua ghẹ sau mỗi chuyến đi biển của ông nội.

Rimiko Yoshinaga sinh năm 1951, là con út trong gia đình.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 3.

Thập niên 1950, trước khi các thành viên trong gia đình Rimiko đổ bệnh, họ bắt đầu thấy các triệu chứng mà ngày nay được gọi là thảm kịch môi trường: cá giãy giụa trong nước, có thể bắt bằng tay. Sau đó chúng nổi lên rồi chết. Mặc dù vậy, thịt chúng vẫn ngon nên ngư dân vẫn ăn.

Thế rồi con mèo trong nhà Rimiko đột nhiên co giật, ngã xuống biển và chết. Hàng trăm con mèo khác sau khi ăn cá và thức ăn thừa của ngư dân cũng bắt đầu nhảy múa loạn xạ rồi chết vì kiệt sức.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 4.

Ở Minamata, mèo rất có giá trị vì có chúng, lưới đánh cá không bị chuột cắn phá. Mèo chết, chuột tăng vọt. Rồi đàn quạ bay trên trời cũng chết, rơi lả tả xuống đất.

Hàng xóm nhà Rimiko cũng lăn đùng ra ốm.

Mẹ của Rimiko, bà Mitsuko Oya, kể lại những triệu chứng phát bệnh của chồng: "Ông ấy muốn nói nhưng không thể nói được".

Miệng và tay chân tê, nói khó khăn là một trong số các dấu hiệu của tình trạng ngộ độc thủy ngân.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 5.

Ảnh Rimiko

Đến bây giờ thì ai cũng đã biết họ bị ngộ độc thủy ngân cực kỳ nghiêm trọng từ việc ăn hải sản. Nhưng thời điểm đó, gia đình Rimiko cũng như người dân vịnh Minamata chưa biết điều gì đang xảy đến. Chính vì vậy đã xảy ra những bi kịch rùng rợn tiếp nối: sau khi cha của Rimiko xuất viện (ông điều trị các triệu chứng tê liệt), gầy còm và ốm yếu, vợ ông cố gắng giúp chồng phục hồi theo cách tốt nhất mà bà hoặc bất cứ ai biết: bằng cách cho ông ăn nhiều cá bổ dưỡng từ vịnh.

Năm 1956, cha của Rimiko chết sau những cơn co giật. Bố chồng cô, cũng là ngư dân, chết cùng năm. Anh trai của cô cũng chết.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 6.

Shinobu Sakamoto có lẽ là nạn nhân Minamata còn sống nổi tiếng nhất với những hoạt động mạnh mẽ để lên tiếng cho những nạn nhân. Bà không may mắn bằng Rimiko. Trong khi Rimiko chỉ thỉnh thoảng bị chuột rút (bà là người khỏe mạnh nhất trong số những nạn nhân Minamata) thì Shinobu bị ảnh hưởng thủy ngân từ trong bụng mẹ. Bà sinh năm 1956, bị gù lưng và cánh tay trái co quắp, ép sát vào ngực. Bà phải sống trên xe lăn vì không thể đi lại. Shinobu là bệnh nhân bẩm sinh.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 7.

Ảnh Shinobu

Một bệnh nhân khác, Hideo Ikoma, kể ông là ngư dân từ khi còn niên thiếu. Mọi chuyện vẫn bình thường cho đến một ngày, năm 15 tuổi, khi ông đi chơi với các bạn trên núi. Lúc dừng lại để ăn kem, bất chợt tay Hideo run rẩy và đánh rơi muỗng. Bạn bè nghĩ ông bị say nắng và khuyên ông về nhà nghỉ.

Hideo về nhà và ngủ.

Khi thức dậy, cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi.

"Tôi không biết tôi đã ngủ bao lâu, nhưng khi thức dậy, tôi cảm thấy như sâu róm đang bò khắp người mình. Tôi muốn gọi bố nhưng không thể nói được. Miệng tôi bị tê cứng" - Hideo kể chuyện với phóng viên trong lúc cố gắng uống một tách trà xanh giữa những cơn co giật, cách đây 2 năm, lúc ông 74 tuổi.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 8.

Ảnh Hideo

Kazumitsu Hannaga, một người bệnh khác, năm nay 64 tuổi, thì chưa bao giờ có thể nói được vì căn bệnh này. Ông chỉ có thể mở to mắt và rên rỉ để bày tỏ sự đồng ý trong các cuộc họp vào tối thứ bảy của các nạn nhân còn sống - bà Shinobu, ông Hideo và những người khác.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 9.

Ảnh Kazumitsu Hannaga

Hầu hết bệnh nhân bẩm sinh được sinh ra vào những năm 50 và 60 của thế kỷ trước. Họ bị nhiễm độc khi vẫn còn là bào thai, sau khi người mẹ ăn hải sản bị nhiễm độc. Thủy ngân xâm nhập vào não thai nhi qua nhau thai và làm hỏng hệ thống thần kinh trung ương, gây ra các triệu chứng tương tự như bại não.

Con số chính xác về nạn nhân bẩm sinh chưa được biết chính thức, nhưng bác sĩ quá cố Masazumi Harada, người đầu tiên kêu gọi xã hội quan tâm đến dạng bẩm sinh của căn bệnh này, cho biết tính riêng trong và xung quanh Minamata có khoảng 70 em bé sinh ra đã bị ngộ độc thủy ngân.

Bệnh nhân bẩm sinh còn gặp một điều hết sức tồi tệ nữa. Với sự giúp đỡ của y tế để phục hồi chức năng, Hideo và một số bệnh nhân Minamata khác vẫn có thể đánh cá hoặc làm một số việc chân tay khác ở đoạn đầu của cuộc đời. Nhưng đến độ tuổi 40, hầu hết họ đột nhiên mất tiếp khả năng nói và đi lại. Họ buộc phải dùng xe lăn hoặc các thiết bị hỗ trợ mới có thể di chuyển. Nguyên nhân gây suy nhược cấp tính ở tuổi trung niên vẫn chưa được biết rõ. Nhưng nó bị xem như một quả bom hẹn giờ đối với những bệnh nhân bẩm sinh.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 10.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 11.

Bệnh Minamata được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1956. Đến cuối thập kỷ 50, các nhà nghiên cứu tìm ra nguyên nhân. Chisso - nhà máy hóa chất lớn nhất của địa phương đã xả nước thải thẳng ra vịnh với giấy phép đồng ý của Chính phủ. Trong nước thải đó, thủy ngân đậm đặc đến mức sau này chính nhà máy đã khai thác lại bùn ở biển như một mỏ thủy ngân thực thụ.

Người dân Minamata, ngành y tế và một số nhà khoa học nỗ lực tìm cách chứng minh sự thật. Trong đó có một bác sĩ của công ty Chisso.

Năm 1959, ông là người thực hiện dự án thử nghiệm chất độc của nước thải của công ty Chisso trên mèo - chúng được ăn thức ăn có trộn nước thải của công ty. Khi con mèo số 400 phát bệnh nhảy múa và các triệu chứng khác của bệnh Minamata vào ngày thứ 78 của cuộc thí nghiệm, ông báo với công ty, nhưng bị ra lệnh dừng thí nghiệm và giữ bí mật. Ông chống lại mệnh lệnh đó và công bố nó ra công khai.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 12.

Nhưng mãi đến 9 năm sau, vào năm 1968, chính phủ Nhật mới tuyên bố chính thức Chisso là thủ phạm của thảm họa môi trường này. Đến lúc đó đã có thêm một thảm họa môi trường cùng loại ở quy mô nhỏ hơn, do một nhà máy khác tên là Showa Denko. Thảm họa này mang tên Niigata Minamata.

Sau đó, Chisso và chính phủ đã bị xét xử trong nhiều vụ kiện. Số tiền bồi thường cho nạn nhân lớn đến nỗi Chính phủ Nhật đã phải đứng ra ứng trước cho Chisso vay, trong nhiều năm. Theo Liên hợp quốc, tổng số tiền lên đến gần 90 triệu USD.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 14.

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, phần ô nhiễm tồi tệ nhất của vịnh Minamata đã được cải tạo. Nước biển và bùn dưới đáy vịnh được nạo vét và lọc bỏ thủy ngân, với chi phí khoảng 48,5 tỷ yên trong 14 năm, do tỉnh Kumamoto chi trả. Ngoài ra, 56 ha đất, trong đó có phần đất bùn nhiễm trên cạn được biến thành Công viên sinh thái Minamata với nhiều không gian xanh, nhiều đài tưởng niệm và bảo tàng khác nhau liên quan đến bệnh Minamata.

ITEisha, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập để hỗ trợ bệnh nhân và giáo dục công chúng về bệnh Minamata, duy trì một bảo tàng khác về căn bệnh này tại một khu dân cư khác nằm ở sườn dốc phía trên trung tâm thành phố. Họ cũng quản lý một kho lưu trữ rộng lớn; có cả một đài tưởng niệm những con mèo đã hy sinh trong các thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân của bệnh Minamata.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 15.

Trong quá trình làm sạch vịnh, chính phủ cấm tiêu thụ cá bắt lên từ vịnh Minamata nhưng không cấm đánh bắt chúng. Công ty Chisso đã mua lại hải sản của ngư dân đánh bắt lên ở vịnh và tiêu hủy chúng.

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 16.

Theo một cuộc điều tra do chính quyền Kumamoto thực hiện vào tháng 10.1994, Thống đốc bang Kumamoto đã xác nhận rằng không còn loài cá trong vịnh nào chứa nhiều thủy ngân hơn tiêu chuẩn quốc gia tạm thời (0,4 ppm thủy ngân, 0,3 ppm methyl thủy ngân). Vịnh Minamata được công bố an toàn vào tháng 7.1997; tấm lưới ngăn cách vịnh với bên ngoài được gỡ bỏ vào tháng 10. Mặc dù vậy, các cuộc điều tra về nồng độ thủy ngân trong cá và động vật có vỏ vẫn tiếp tục được tiến hành hai lần một năm trong ba năm tiếp theo.

Nhiều năm nay, Minamata trở thành "đất thánh" của các cuộc nghiên cứu về môi trường của Nhật Bản. Vùng đất đẹp đẽ, chuyển tiếp kỳ ảo giữa núi và biển này cũng trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhưng, nỗi lo của Rimiko vẫn còn đó. Ngay dưới công viên sinh thái Minamata, vùng đất bùn chứa thủy ngân chưa được xử lý của 60 năm trước vẫn còn nguyên đó - chỉ bị ngăn cách bằng một lớp bê tông.

Mới cách đây ba năm, vào năm 2016, khu vực tỉnh này đã trải qua một trận động đất mạnh 7,3 độ. Vì vậy Rimiko - giờ đây đã 68 tuổi lo ngại một thảm họa tiếp theo có thể phá vỡ lớp bê tông bề mặt và giải phóng thủy ngân bị chôn vùi trở lại vịnh biển của bà.

Nhiều người Nhật cũng lo ngại như Rimiko. Một giáo sư đại học viết trên blog cá nhân sau chuyến đi đến Minamata: "Chúng vẫn còn nguyên. Chúng chỉ bị chôn vùi ở đó".

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 18.
Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 19.
Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 20.

Nguồn: Aye Ma, Dyveasna, Say Vorng, Zakaria, Nhật Anh, Trần Đức Thịnh

Minamata - căn bệnh từ thảm họa ngộ độc thủy ngân vô tiền khoáng hậu trên thế giới - Ảnh 21.