Mìn diệt trực thăng của Nga khiến Mỹ lo sợ

QS |

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Michael Peck cho biết, các trực thăng quân sự đang gặp phải một mối đe dọa mới, đó là mìn chống trực thăng.

Đây không phải là loại mìn thông thường chôn dưới mặt đất, đợi những chiếc trực thăng khinh suất hạ cánh xuống. Trên thực tế, chúng là loại vũ khí phòng không điều khiển bằng radar vô cùng tinh vi do một số quốc gia phát triển, trong đó có Nga và Bulgaria.

Giờ đây, quân đội Mỹ đang rất lo ngại về chúng và muốn phát triển một số biện pháp đối phó. Trong bản đề xuất nghiên cứu mới có tựa đề "Các biện pháp đối phó mìn chống trực thăng và thiết bị nổ tự chế (IED)", quân đội Mỹ đã so sánh mối đe dọa trực chờ các trực thăng quân sự và mối đe dọa từ IED mà lính bộ binh, cùng các loại xe quân sự phải đối mặt.

Để đối phó các thiết bị nổ chôn dưới mặt đất, quân đội Mỹ đã phát triển công nghệ chống IED, như hệ thống gây nhiễu để vô hiệu hóa liên kết sóng vô tuyến điều khiển thiết bị nổ. Hiện nay, quân đội Mỹ đang muốn phát triển công nghệ tương tự để vô hiệu hóa các loại mìn chống trực thăng, cũng như các loại IED thông thường được dùng để chống trực thăng.

Quân đội Mỹ từng có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý mìn chống trực thăng. Trước đây, đối với các loại mìn chôn dưới mặt đất, họ thường cho oanh tạc khu đất nghi có mìn trước khi trực thăng hạ cánh xuống.

Năm 2013, tổ chức khủng bố IS công bố một đoạn video cho thấy một loại mìn phân mảnh tự chế dùng để chống trực thăng. Và tất nhiên, các loại súng máy và súng chống tăng RPG cổ lỗ cũng có một thời kỳ trở thành mối đe dọa lớn của trực thăng.

Tuy nhiên, loại mìn được phát triển riêng để chống trực thăng ngày nay tinh vi và nguy hiểm hơn nhiều. Quân đội Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh tới việc Nga và Bulgaria đang tích cực triển khai các loại mìn chống trực thăng.

Mìn diệt trực thăng của Nga khiến Mỹ lo sợ - Ảnh 1.

Mìn chống trực thăng AHM-200

Bulgaria có vẻ đã phát triển thiết bị này từ cuối những năm 1990, chẳng hạn như mìn AHM-200.

Loại mìn này được bố trí trên mặt đất, thay vì chôn phía dưới và được trang bị cảm biến âm thanh cho phép phát hiện âm thanh của trực thăng cách xa tới gần 500m.

Khi trực thăng chỉ còn cách 150m, radar Doppler của thiết bị bắt đầu theo dõi mục tiêu và kích nổ mìn khi khoảng cách còn 90m.

Một đoạn video tin tức của Nga năm 2012 cũng cho thấy thiết bị tương tự.

Chuyên gia Nga trong clip cho hay, nước này phát triển mìn chống trực thăng vì các loại tên lửa phòng không vác vai đã trở nên không hiệu quả trước những trực thăng bay thấp dưới 100m.

Một số quốc gia khác cũng đang phát triển mìn chống trực thăng, như Ba Lan và Áo (phiên bản dẫn đường bằng hồng ngoại).

Dự án của quân đội Mỹ sẽ gồm 3 giai đoạn, bắt đầu với việc xác định các loại mìn chống trực thăng và IED có thể gặp phải; sau đó là ngòi nổ, cơ chế tiêu diệt của chúng, cũng như cách thức mà chúng được triển khai. Cuối cùng, sau khi nguyên mẫu được phát triển, Lầu Năm Góc sẽ quyết định xem có tiếp tục dự án và xây dựng hệ thống hoàn chỉnh hay không.

Hiện, bản đề xuất của quân đội Mỹ chưa đưa ra bất cứ phương án phòng thủ nào mà họ cho rằng có thể đối phó hiệu quả với mìn chống trực thăng.

Song có lẽ một trong những hướng đi sẽ là "đánh lừa" cảm biến của mìn, khiến chúng kích nổ sớm hoặc ngụy trang tín hiệu âm thanh của trực thăng để chúng không nhận ra đó là mục tiêu cần tiêu diệt.

Trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải phụ thuộc khá nhiều vào trực thăng (nhất là khi thiết bị nổ tự chế khiến các con đường trở nên quá nguy hiểm đối với xe quân sự) thì sự thịnh hành của mìn chống trực thăng là một tin xấu.

Điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa nếu loại vũ khí này rơi vào tay quân nổi dậy hoặc khủng bố.

Tuy nhiên, may mắn là quân đội Mỹ không bao giờ "để nước đến chân mới nhảy". Họ thường tìm kiếm các phương pháp đối phó trước khi mối đe dọa tiềm tàng này có thể gây bất lợi cho các hoạt động của Mỹ và đồng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại